Chưa lo giảm phát
(Tài chính) Nỗi lo giảm phát, hay ít nhất thiểu phát bắt đầu xuất hiện khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Nhưng theo nhận định của Chính phủ và các chuyên gia kinh tế, đây là diễn biến có tính nhất thời và nền kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2.2015, tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã giảm 0,05% so với tháng 1, so với tháng 12.2014, mức giảm là 0,25%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - theo thông lệ thường tăng cao vào dịp Tết - chỉ tăng 0,53%. Trong đó, giá lương thực tăng 0,13%; thực phẩm tăng 0,75%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%. Các nhóm hàng thường được tiêu thụ lớn trong dịp Tết như đồ uống và thuốc lá cũng được ghi nhận tăng giá nhưng không quá lớn. Mức tăng CPI của nhóm này trong tháng 2 là 0,56%, là nhóm hàng có mức tăng giá cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Các nhóm hàng còn lại, may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; giáo dục tăng 0,03%... Do giá xăng dầu giảm mạnh theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới, nhóm hàng giao thông đã giảm giá tới 4,41% so với tháng trước. Cùng trong xu hướng giảm giá với nhóm giao thông còn có nhóm bưu chính - viễn thông (0,02%), nhà ở và vật liệu xây dựng (0,41%).
Nếu tính từ tháng 11.2014, CPI đã giảm liên tiếp đến tháng thứ 4. Tỷ lệ lạm phát năm 2014 so với năm 2013 chỉ tăng 4,09%, thấp hơn nhiều mức 7% QH giao. Những con số trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát, hay ít nhất là thiểu phát, tức nền kinh tế lạm phát ở mức rất thấp. Tuy nhiên, Chính phủ và các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, đây là diễn biến mang tính nhất thời.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, CPI thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông. Nguồn cung hàng hóa dồi dào. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Chương trình kích cầu, khuyến mãi cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương. Lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm... Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4% , nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).
Như vậy, các chỉ số cho thấy giá tuy giảm nhưng không phải do tác động cầu giảm hay sản xuất đình đốn. Ngoài do giá dầu giảm, các chuyên gia còn chỉ ra một số nguyên nhân khiến CPI giảm. Trước hết, năm nay hàng hóa Tết dồi dào, nhân dân vẫn có xu hướng tiết kiệm chi tiêu khi kinh tế chưa thực sự thoát khỏi khó khăn nên tiểu thương không thể đẩy giá cao như mọi năm. Hơn nữa, trong những năm gần đây, tập quán ăn Tết đã có nhiều đổi khác. Nhiều gia đình hiện nay lựa chọn đi du lịch xa vào dịp Tết, các chợ lại mở sớm ngay từ những ngày mùng 2, mùng 3 Tết nên thói quen tích trữ thực phẩm Tết đã giảm. Ngoài ra, CPI giảm còn do một số yếu tố mang tính kỹ thuật. Theo các chuyên gia, chỉ số giá tại các thành phố lớn chiếm quyền số cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đều giảm so với tháng 1, trong khi chỉ số giá cả nước lấy theo quyền số ngang (theo tỉnh, thành) nên CPI cả nước giảm theo. Thêm nữa, số liệu để tính chỉ số giá tháng 2 kết thúc vào ngày 15.2. Trong khi đó, thời điểm nhân dân mua sắm nhiều cho Tết Nguyên đán năm nay lại rơi vào ba ngày 16, 17 và 18.2, thời điểm kỳ nghỉ bắt đầu. Vì vậy, tình hình giá cả Tết năm nay sẽ phản ánh nhiều vào CPI tháng 3. Thêm nữa, giá dầu đang tăng trở lại, cùng với việc nhiều khả năng giá điện sẽ tăng cũng sẽ đẩy CPI tháng 3 lên.
Các chuyên gia nhận định, việc CPI giảm là cơ hội để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn rẻ, mở rộng sản xuất. Tất nhiên, không thể chủ quan với diễn biến giá xăng dầu thế giới cũng như tình hình lạm phát để giữ lạm phát ở mức hợp lý với tốc độ tăng trưởng.