Chung cư, “chuẩn” nào là… chuẩn?

Theo Nhất Nam/dautubds.baodautu.vn

Không chỉ các tòa chung cư cũ có các biện pháp bảo vệ an toàn thấp, mà ngay một số khu chung cư mới vừa qua cũng xảy ra những vụ tai nạn thương tâm khiến người dân sốt ruột lo gia cố, thêm hàng rào, lưới bảo vệ hành lang, cửa sổ... Vấn đề là các chung cư này liệu có đảm bảo “chuẩn an toàn” theo quy định và đầu là an toàn đạt chuẩn?

Các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ, môi trường cho người sử dụng. Nguồn: Internet
Các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ, môi trường cho người sử dụng. Nguồn: Internet

Có quy định rõ ràng

Theo Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam, các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ, môi trường cho người sử dụng.

Về vấn đề an toàn cho người sử dụng tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 05:2008/BXD “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khoẻ” nêu rõ: “Cầu thang phải có tay vịn ít nhất một bên nếu vế thang có chiều rộng dưới 1 m, có tay vịn ở cả hai bên nếu vế thang rộng hơn 1 m (trong trường hợp một bên là tường thì cho phép không có tay vịn ở bên tường). Tay vịn phải kéo dài phủ hết hai bậc thang cuối cùng trong các công trình công cộng hoặc công trình có người tàn tật sử dụng.

Lan can cầu thang, vế thang, chiếu tới, chiếu nghỉ phải có lan can bảo vệ ở các cạnh hở. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau: khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm;  không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Chiều cao tối thiểu của lan can được quy định: Nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Vế thang đường dốc, tối thiểu 0,9 m; các vị trí khác tối thiểu 1,1 m”.

Kiểm tra thực tế tại nhiểu công trình chung cư hiện nay, chiều cao của lan can các lô gia, ban công thường không đảm bảo mức tiêu chuẩn 1,4 m. Đồng thời, một câu hỏi đặt ra là tại sao quy chuẩn chiều cao 1,4 m lại chỉ được áp dụng với tầng 9 trở lên, chẳng lẽ từ tầng 8 đến tầng 2 người sử dụng, nhất là trẻ em sẽ không gặp nguy hiểm nếu quy chuẩn nới lỏng hơn?

Tại Quy Chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và Công trình công cộng QCVN 04-1:2015/BXD cũng nêu rõ: “Cửa số các phòng từ tầng 9 trở lên chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải thực hiện theo QCVN 05:2008/BXD. Rào hoặc lan can chống rơi ngã tại các của sổ đối với phòng từ tầng 9 trở lên phải không thấp hơn 1,4 m; đối với phòng dưới tầng 9 phải không thấp hơn 1,1 m. Đối với căn hộ không có lô gia, cần bố trí tối thiểu một cửa số có kích thước lỗ mở thông thủy không nhỏ 600x600 mm phục vụ cứu hộ, cứu nạn”.

Đồng thời, cũng tại các quy chuẩn trên, quy định cụ thể về hành lang giữa, thoát hiểm, diện tích để xe, không gian công cộng, cầu thang…

Khảo sát nhiều tòa chung cư ở Hà Nội cho thấy khá nhiều tiêu chuẩn không đạt được. Trước đây, chủ nhà sau khi nhận nhà thường gia cố lan can, cửa sổ bằng khung sắt. Tuy nhiên, vấn đề an toàn cháy nổ lại được đặt ra khi khung sắt được hàn quá kiên cố. Hiện nay, chủ nhà thường dùng dây sắt nhỏ bọc nhựa để gia cố cửa sổ và lan can.

Nhưng còn đó những bất cập

Tuy nhiên, theo ThS. Trần Thanh Ý, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, sự phát triển đa dạng của các ngôn ngữ kiến trúc, bố trí tiện ích mới khiến tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn trở nên lạc hậu, cần sớm bổ sung. Ngay tại một số khu chung cư cao cấp cũng có số căn hộ trên một cụm thang quá lớn, hành lang giữa hẹp, nhiều phòng ngủ của các căn hộ ở hướng không bố trí được cửa sổ nên ảnh hưởng đến thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Một số chung cư thường ít chú ý đến hệ thống thông gió, hút khói, cửa thoát hiểm. Cầu thang thoát hiểm không có hệ thống điều áp để giữ cho khói và khí độc không bị hút vào cầu thang, giúp người trong vùng cháy có thể thoát hiểm hoặc tìm nơi lánh nạn an toàn.

Nhiều chung cư biến lối thoát hiểm tầng 1 thành nơi bán hàng. Ban công thường bị bịt nên không trở thành lối thoát hiểm khi có sự cố. Điều này đã gieo rắc mối nguy hiểm về an toàn cháy trong các tòa nhà chung cư hiện nay. Một số công trình nhà cao tầng hiện nay các khu cầu thang bộ thường được bố trí tập trung ở giữa mặt bằng. Xét về mặt đảm bảo an toàn cháy, cách bố trí này có thể dẫn đến việc không thỏa mãn các yêu cầu về độ phân tán của đường thoát nạn…

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong hệ thống văn bản quy chuẩn của Bộ Xây dựng về thiết kế, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em rất được quan tâm, song thực tế thời gian gần đây liên tiếp các sự việc thương tâm xảy ra.

Nếu xét theo nội dung của các văn bản Luật, các tòa nhà chung cư hiện nay cơ bản đảm bảo được những yêu cầu về thiết kế, lan can ban công cao từ 1,1 – 1,4 m. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, nhà cao tầng từ tầng 6 trở lên không được làm ban công mà chỉ làm lô gia. Với lan can, chiều cao tối thiểu là 1,2 m và không được để hở chân.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, quy chuẩn này đang bộc lộ nhiều bất cập, vì mới quy định chung chung chứ chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về các thông số kỹ thuật, an toàn cho các loại lan can, lô gia. Nhiều chung cư thiết kế lỗ lan can rộng nên trẻ nhỏ vẫn có thể chui lọt, nhiều chung cư lan can thiết kế có tay vịn nên trẻ em cũng dễ dàng bắc ghế để trèo lên...

Tất cả những vấn đề này đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cư dân sinh sống tại các chung cư, đặc biệt là trẻ em. Đáng quan ngại là tất cả các chung cư cao tầng, cửa sổ hầu hết không làm chấn song để đảm bảo mỹ quan cho tòa nhà và để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, chung cư vẫn là nơi cứ trú phổ biến nhất tại các đô thị trong tương lai. Do đó, cần có hệ thống văn bản luật về thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng chung cư, nhà cao tầng rất chặt chẽ.

Chẳng hạn, ở TP. New York (Mỹ), chính quyền địa phương yêu cầu tất cả các tòa nhà chung cư phải lắp đặt hệ thống cửa sổ bảo vệ, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ. Thành phố này còn triển khai chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức cho các bậc phụ huynh về cách đảm bảo an toàn cho con nhỏ.

Trong khi đó, ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất), chính quyền thành phố thành lập hàng trăm tổ giám sát về quy chuẩn kỹ thuật của các tòa nhà chung cư khi xây dựng. Khi được đưa vào sử dụng, những tổ giám sát này tiếp tục hoạt động để theo dõi mức độ an toàn và hướng dẫn cư dân sinh sống tại các chung cư trong việc đảm bảo an toàn, đặc biệt là cho trẻ nhỏ.

Các chuyên gia cho biết thêm, kinh nghiệm từ Singapore cũng sẽ mang lại nhiều bài học quý cho Việt Nam. Chính phủ Singapore đã thành lập một Ủy ban Nhà ở để quản lý toàn bộ những vấn đề liên quan đến chung cư, nhà cao tầng. Cơ quan này chịu trách nhiệm trong việc lập quy hoạch, tái định cư, thiết kế kiến trúc và xây dựng.

Ở góc độ khác, tại Chương 3 của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành, quy định về việc bảo vệ khỏi ngã và va đập.

Cụ thể, Mục 3.1.2 về lan can quy định rõ: “Phải có lan can hoặc vật chắn đủ khả năng ngăn người đi lại không bị ngã tại các sàn nền có cao độ chênh nhau từ 2 bậc thang (hoặc 380 mm nếu không có bậc thang) trở lên và ở các vị trí: Cầu thang bộ, bậc thang, đường dốc, sàn, ban công, lô gia, hành lang và mái có người đi lại; giếng trời, khu vực tầng hầm hoặc các khu vực ngầm tương tự nối với công trình có người đi lại”.

Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhiều chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, có những chủ đầu tư để giảm chi phí cho dự án đã cắt xén bớt các hạng mục kỹ thuật liên quan đến phòng chống cháy, nổ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc các chủ đầu tư phải tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng, cư dân sống trong chung cư cũng phải tăng cường giám sát, đồng thời huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm như không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia, bởi thực tế cuộc sống luôn luôn vận động, biến chuyển mà chỉ người sử dụng mới lường hết được các nguy hiểm để đề phòng và xử lý trước khi những rủi ro xảy ra.