Chứng khoán Mỹ hồi phục, thị trường "nín thở" theo dõi động thái của Fed
Chứng khoán Mỹ đã xoá bỏ phần nào mức giảm sâu và khép phiên biến động ngày thứ Tư (19/5) rút khỏi mức đáy, khi giá đồng tiền điện tử phần lớn phục hồi, tuy nhiên, đà suy giảm trong dòng tiền đầu cơ của thị trường vẫn gây áp lực lên tâm lý.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa thấp hơn 164,62 điểm, tương đương 0,5% xuống 33.896,04 sau khi giảm 586 điểm ở mức thấp nhất trong ngày.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 4.115,68 do 9 trong số 11 lĩnh vực ghi nhận mức giảm. Chỉ số Nasdaq Composite đã phục hồi từ mức giảm 1,7% trước đó và đóng cửa gần như đi ngang tại mức 13,299.74 điểm khi một số cổ phiếu công nghệ lớn tăng cao hơn bao gồm Facebook, Netflix, Microsoft và Alphabet.
Các chỉ số chính đã nới rộng đà lao dốc trong phiên giao dịch buổi chiều, sau khi biên bản cuộc họp tháng 4 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gợi ý về việc xem xét lại các chương trình mua sắm tài sản của Cơ quan này trong các cuộc họp sắp tới.
Phố Wall đã có một phiên đầy biến động khác với việc nhóm cổ phiếu công nghệ trượt giá vào buổi sáng khi nhà đầu tư lo lắng về đà lao dốc đột ngột của tiền điện tử, bao gồm cả Bitcoin. Sau đó, đà suy giảm đã lan sang các lĩnh vực khác với chỉ số S&P 500 giảm 1.6% xuống mức đáy trong phiên. Ngoại lệ là có một số ít công ty bán lẻ báo cáo lợi nhuận ổn định, bao gồm Target.
Theo Coin Metrics, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã giảm 30% ở mức thấp nhất trong phiên, chỉ còn trên 30.000 USD. Vào thứ Ba, Trung Quốc đã cảnh báo các tổ chức tài chính không tiến hành hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền điện tử, qua đó gây ra một đợt bán tháo.
Tiền điện tử đã phục hồi phần lớn đà sụt giảm vào phiên buổi chiều và cuối cùng sụt 7%. Các chỉ số chứng khoán chính sau đó đã xóa bớt đà giảm điểm của mình, khi giá Bitcoin tăng trở lại.
Nhóm cổ phiếu công nghệ liên quan đến Bitcoin chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong lĩnh vực này. Cổ phiếu Tesla, một công ty nắm giữ Bitcoin lớn, đã lùi 2.5%. Cổ phiếu MicroStrategy, một công ty khác đã mua một lượng lớn Bitcoin cho trái phiếu công ty, sụt 6.6%. Cổ phiếu Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử mới công khai, mất gần 6%.
Các cổ phiếu tăng trưởng gần đây đang chịu áp lực, khiến Nasdaq Composite giảm gần 5% trong tháng 5 do lo ngại lạm phát gia tăng. Việc áp lực giá tăng lên liên tục có thể tác động đến các chính sách hỗ trợ của Fed, điều này có thể ảnh hưởng đến các công ty công nghệ vốn đã nhiều năm phụ thuộc vào chi phí đi vay thấp để tăng trưởng vượt trội.
Mới đây, biên bản của Fed cho biết việc hoạt động kinh tế tăng mạnh sẽ dẫn đến các cuộc thảo luận liên quan đến thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
“Một số người tham gia đề xuất rằng nếu nền kinh tế tiếp tục đạt được tiến bộ nhanh chóng đối với các mục tiêu của Ủy ban, thì có thể trong các cuộc họp sắp tới, việc thảo luận về kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua tài sản sẽ được bắt đầu”, biên bản của Fed cho biết.
Các thị trường đã theo dõi sát sao các manh mối về thời điểm ngân hàng trung ương có thể bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu của mình, hiện có giá trị ít nhất là 120 tỷ USD một tháng. Bảng cân đối kế toán của Fed hiện chỉ là 7,9 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi mức trước đại dịch COVID-19.
Các quan chức Fed đã kiên định rằng họ sẽ không thay đổi chính sách cho đến khi đạt được các mục tiêu kinh tế của họ, đặc biệt là về việc làm và lạm phát. Cuộc thảo luận được tiết lộ trong biên bản là lần đầu tiên ngân hàng trung ương chỉ ra rằng việc giảm mua có thể xảy ra trước mắt, mặc dù không có thời gian biểu.
Chủ tịch Jerome Powell cho biết sau cuộc họp rằng sự phục hồi vẫn “không đồng đều và còn lâu mới hoàn thành” và nền kinh tế vẫn chưa cho thấy tiêu chuẩn “tiến bộ đáng kể hơn nữa” mà Ủy ban đã đặt ra trước khi thay đổi chính sách.
Chứng khoán châu Á giảm điểm nhẹ
Thị trường ở Châu Á - Thái Bình Dương đã biến động trái chiều trong giao dịch sáng thứ Năm, với dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh trong tháng Tư.
Trong giao dịch buổi sáng, chỉ số Nikkei 225 phần lớn đi ngang trong khi chỉ số Topix tăng khoảng 0,1%.
Xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 38% trong tháng 4 so với một năm trước, dữ liệu từ Bộ Tài chính của nước này cho thấy hôm thứ Năm. Con số này cao hơn mức tăng dự kiến 30,9% mà các nhà kinh tế dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm, với Shanghai composite giảm 0,34% trong khi Shenzhen component giảm nhẹ. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm 0,56%.
Lãi suất cho vay chuẩn của Trung Quốc được giữ nguyên vào tháng 5, với lãi suất cơ bản cho vay một năm (LPR) ở mức 3,85%. LPR 5 năm cũng được giữ ổn định ở mức 4,65%. Điều đó phù hợp với kỳ vọng của đa số các nhà giao dịch trong một cuộc thăm dò nhanh chóng của Reuters.
Trong phiên giao dịch sáng, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 0,49%.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,57%. Cục Thống kê của nước này cho biết hôm thứ Năm, tỷ lệ thất nghiệp của Úc đã giảm xuống còn 5,5% vào tháng 4.
Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) MSCI đã giao dịch thấp hơn khoảng 0,1%. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ (U.S. dollar index) ở mức 90,209, tăng nhẹ từ mức dưới 90 gần đây.
Đồng Yên Nhật được giao dịch ở mức 109,11 mỗi USD trong khi đồng đô la Úc được giao dịch ở mức 0,7736 USD, yếu hơn so với mức trên 0,78 USD được thấy vào đầu tuần này.
Giá dầu ở mức thấp hơn vào buổi sáng theo giờ giao dịch châu Á, với giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm 0,1% xuống 66,60 USD/thùng. Dầu thô giao sau của Mỹ cũng giảm 0,11% xuống 63,29 USD/thùng.