Trung Quốc: "Nhất bên trọng, nhất bên khinh" với tiền điện tử

Theo Diễm Ngọc/enternews.vn

Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền điện tử, đồng thời hướng đến sự tập trung hơn cho đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên cấm giao dịch tiền điện tử, với lý do đe dọa đến chủ quyền tài chính của họ.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên cấm giao dịch tiền điện tử, với lý do đe dọa đến chủ quyền tài chính của họ.

Từ cấm đến "cấm triệt để" tiền điện tử

Mới đây, ba cơ quan liên kết bao gồm Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc đã ban hành tài liệu cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử như đăng ký, giao dịch, thanh toán bù trừ; đồng thời, cảnh báo các nhà đầu tư giao dịch tiền điện tử đầu cơ. Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của thị trường giao dịch kỹ thuật số trong thời gian vừa qua.

"Gần đây, giá tiền điện tử đã tăng vọt và giảm mạnh, giao dịch đầu cơ tiền điện tử đã phục hồi trở lại, xâm phạm nghiêm trọng đến sự an toàn tài sản của mọi người và phá vỡ trật tự kinh tế, tài chính bình thường”, bản tuyên bố của ba tổ chức trên nêu.

Văn bản được ban hành nhấn mạnh rằng, giao dịch tiền ảo bị cấm trong nước và không được pháp luật bảo vệ. Cảnh báo được đưa ra vào thời điểm các đồng Altcoin ngày càng phổ biến tại Trung Quốc cũng như mối quan tâm đầu tư của người dân có xu hướng tăng cao.

Mặc dù giao dịch tiền điện tử dưới hình thức Fiat đã bị cấm vài năm trước ở quốc gia này, nhưng không có luật nào cấm giao dịch dùng tiền điện tử để mua tiền điện tử. Chính vì vậy, trong mùa tăng giá, thị trường tiền điện tử đạt đến mức cao mới và thu hút sự chú ý của các nhà chức trách.

Bên cạnh đó, khai thác tiền điện tử là một quá trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng, đòi hỏi lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ. Theo số liệu, Trung Quốc là quốc gia cung cấp gần 80% năng lượng cho các hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử toàn cầu, dựa vào một loại than đặc biệt gây ô nhiễm là than non.

Các nhà phân tích nhận định, với vai trò là trung tâm lớn của hoạt động khai thác Bitcoin, lệnh cấm sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với hệ sinh thái Bitcoin (BTC), khi đã xuất hiện những chính sách ngăn cản từ Chính phủ, dẫn tới khả năng cấm khai thác BTC ở nước này.

Điều này sẽ khiến các cá nhân khó mua tiền điện tử hơn bằng các kênh thanh toán và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các thợ đào, dẫn đến việc khó trao đổi tiền điện tử sang Nhân dân tệ hơn. Các ngân hàng và công ty thanh toán cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc xác định dòng tiền liên quan đến tiền điện tử.

Hiệp hội Bitcoin của Hồng Kông cho biết trong một tweet để thông tin quanh lệnh cấm vừa đưa ra: “Đối với những người mới sử dụng Bitcoin, theo thông lệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cấm Bitcoin ít nhất một lần trong chu kỳ tăng giá”.

Tập trung cho Nhân dân tệ kỹ thuật số

Trung Quốc: "Nhất bên trọng, nhất bên khinh" với tiền điện tử - Ảnh 1
Chính quyền Trung Quốc muốn khuyến khích nhân dân tệ kỹ thuật số chi tiêu tại các lễ hội mua sắm ở Thượng Hải và các thành phố khác

Trong làn sóng tiền điện tử toàn cầu, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên cấm giao dịch tiền điện tử với lý do đe dọa đến chủ quyền tài chính của họ, đồng thời bắt đầu hướng tới đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC, Nhân dân tệ kỹ thuật số).

Đồng tiền ảo CBDC đã được Trung Quốc ra mắt đầu tiên từ năm 2014, hiện đang trên đà thử nghiệm ngày càng quy mô hơn. Trong khi nhiều quốc gia khác còn đang thảo luận về việc tung ra CBDC hoặc mới bắt đầu phát triển, thì đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc lại đã được thử nghiệm trên nhiều tỉnh, với hàng trăm chương trình khác nhau.

Gần nhất, Chính quyền Trung Quốc thể hiện mong muốn khuyến khích Nhân dân tệ kỹ thuật số chi tiêu tại các lễ hội mua sắm ở Thượng Hải và các thành phố khác. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng chuẩn bị đón nhận sự thay đổi này.

Cụ thể, cùng với MYbank, WeBank do Tencent hậu thuẫn đã bắt đầu thử nghiệm thí điểm các giao dịch Nhân dân tệ kỹ thuật số. Trong tháng trước, PBoC bắt tay với Ant Group và các công ty tư nhân lớn khác để nhanh chóng mở rộng thử nghiệm. Còn gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com thì trả lương cho một số nhân viên công ty bằng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Ngoài ra, MasterCard cũng đang trong quá trình làm việc với PBoC để hỗ trợ các giao dịch Nhân dân tệ kỹ thuật số trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có sự quan tâm và theo dõi sát sao các diễn biến của thị trường tiền ảo và có quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xác định, các loại tiền ảo như Bitcoin không phải là tiền pháp lệnh, đây chỉ là tài sản ảo, được mã hoá nhờ sự phát triển công nghệ. Những loại này không có chức năng thanh toán và pháp luật không cho phép, do đó việc sử dụng tiền ảo này để thanh toán là không có.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nhìn nhận một cách khách quan, tiền ảo cũng là một loại sản phẩm, giống như tất cả các loại hàng hóa khác. Ngân hàng Nhà nước nên lấy ý kiến của các thành phần kinh tế khác nhau như chuyên gia tài chính, các sàn giao dịch, các tổ chức, người dân và các ngân hàng để đưa ra một chương trình nghị sự mang tính toàn diện, phổ cập. Thông qua những trao đổi đó để đi đến kết luận về vấn đề nên “siết” hay “mở” cho lĩnh vực tiền ảo.

“Mặc dù vậy, không thể mở cửa một cách quá tự do, mà nên mở cửa ở mức độ cho giao dịch thông thoáng hơn, chẳng hạn như có thể nghiên cứu cho phép thí điểm dùng Bitcoin để tham gia vào hệ thống thanh toán với sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, ngăn chặn những hành động mang tính lừa đảo, vi phạm pháp luật, rửa tiền...”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Trước đó, một số chuyên gia cũng nêu ý kiến cho rằng trong xu thế chung, Việt Nam có thể chọn một "đặc khu" với cơ chế tài chính đặc biệt, như dạng trung tâm tài chính đặc biệt để nghiên cứu, kết hợp và thí điểm cho ra mắt CBDC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dù sao, việc cấm hay mở tiền ảo, có nên phát triển CBDC hay không... các vấn đề này hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi.