Chứng khoán thật khó lường
(Tài chính) Chứng khoán đã cho thấy sức hút đặc biệt của mình trước đám đông. Trong lúc mọi người đang kỳ vọng, đồn đoán thị trường sẽ tăng sau vài phiên tích lũy giảm điểm, thì thị trường lại quay đầu giảm điểm rất mạnh. Một số cổ phiếu chống chọi mạnh nhất lại là cổ phiếu của những doanh nghiệp (DN) cải tổ thành công vẫn thu hút dòng tiền lớn đổ vào đây.
Giới chuyên gia vẫn đồn đoán, kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm mạnh trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, nếu ngắn hạn gặp nhiều có khăn, sụt giảm mạnh thì nguy cơ thị trường sụt giảm nữa là rất cao.
Thị trường đang đón nhận khá nhiều tin tốt, hấp dẫn kết quả kinh doanh khả quan của nhiều DN đã được công bố với lợi nhuận cao. Tuy nhiên, có lẽ thị trường đã tăng khá mạnh trong thời gian ngắn nên cần phải tiếp tục tích lũy thay vì tăng mạnh trở lại. Nhóm cổ phiếu dầu khí từng là tâm điểm kéo thị trường đi lên đã suy giảm mạnh.
Tin tốt vẫn giảm
Mấy phiên vừa qua, dòng cổ phiếu này đã thu hút dòng tiền đổ vào đây nhưng không thể tạo được sự hấp dẫn như trước. Một nhóm ngành khác là bất động sản mới nhen nhóm tăng điểm được kỳ vọng dẫn sóng nhưng chỉ được vài phiên lại bị bán rất rất mạnh.
Các nhóm cổ phiếu chứng khoán, xây dựng, vận tải cũng không còn nóng khiến cho thanh khoản sụt giảm. Điều này khiến giới phân tích lo ngại dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường dẫn đến tình trạng bán tháo.
Hiện tại, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh về sát mốc hỗ trợ tâm lý 600 điểm, nhiều cổ phiếu đã về mức giá hợp lý. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ mới điều chỉnh khoảng 15% so với mức tăng mạnh từ 80 - 100% chưa chắc đã hợp lý. Cho nên, thị trường vẫn có thể điều chỉnh tiếp về mức giá hấp dẫn hơn.
Thực tế, cái khó nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) là phân tích, dự đoán sự tăng giảm trên TTCK. Theo chu kỳ, vào cuối năm, mọi thứ từ vĩ mô đến các hoạt động của DN đều tích cực.
Các thông tin cứ được lặp đi lặp lại như các gói hỗ trợ cho bất động sản, hiệp định TPP, FTA… Điều này đã tác động tích cực đến kênh chứng khoán, nhưng với tầm nhìn chiến lược đầu tư trung và dài hạn chứ không thể là ngắn hạn nữa.
Ở thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ chỉ thích mua vào là kiếm lời ngay, còn lỗ là sẵn sàng bán ra với bất cứ giá nào. Với tầm nhìn ngắn hạn thì khả năng kiếm lời và chiến thắng trên thị trường là không cao. Vì vậy, thị trường vẫn chịu sự tác động và biến động rất lớn của NĐT nhỏ lẻ.
Thị trường đã tạo ra khá nhiều cơ hội cho NĐT kiếm lời nhưng không khéo chỉ vài phiên sẽ lấy đi tất cả thành quả mà họ đạt được. Chứng khoán luôn cho người ta lợi nhuận lớn, nên cũng kéo theo rủi ro rất cao.
Rủi ro khó lường
Những phiên vừa qua, áp lực thị trường phải chịu sức ép từ khối ngoại là rất lớn khi thị trường thế giới biến động. Hơn nữa, biến động tỷ giá và tỷ lệ Vietnam CDS (Credit Default Swap) trong kỳ 5 năm và 10 năm đang có dấu hiệu gia tăng mạnh nên áp lực bán của khối ngoại gia tăng. Đây là rủi ro ngắn hạn khiến giới đầu tư lướt sóng ngắn hạn phải gánh chịu hậu quả ở những đợt bán tháo vừa qua.
Một vấn đề nữa là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT đang ở mức cao. Trong xu thế đi lên, giới đầu tư thường sử tỷ lệ margin rất lớn để tìm kiếm lợi nhuận khi sóng tăng.
Ở giai đoạn hiện tại, tỷ lệ margin vẫn đang ở mức rất lớn vượt đỉnh sóng tăng đầu năm nên thị trường luôn duy trì thanh khoản từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng/phiên.
Do vậy, dư địa của đòn bẩy vẫn rất lớn nếu thị trường tiếp tục giảm thì áp lực bán càng lớn thêm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự báo lạc quan khi dòng tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán do các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn. Lãi suất tiết kiệm sụt giảm mạnh sẽ kéo theo làn sóng rút tiền đổ vào chứng khoán nên thị trường tiếp tục thu hút nguồn tiền mạnh hơn.
Sự vận động của nền kinh tế luôn đi theo một chu kỳ nhất định, khi nền kinh tế đã ổn định. Các dự báo tăng trưởng sau giai đoạn khủng hoảng vẫn đang ở mức cao, nên kênh đầu tư chứng khoán bao giờ cũng là chỉ báo của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát đã ổn định nên các kênh đầu tư an toàn như tiền gửi tiết kiệm, vàng không còn là nơi trú ẩn của dòng tiền. Cho nên, chứng khoán vẫn đang hoạt động rất tích cực để thu hút mọi nguồn lực vào đây.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường khó thể tăng nóng giống như giai đoạn trước mà cần thời gian ổn định với mặt bằng giá mới. Vì vậy, NĐT ngắn hạn đừng quá kỳ vọng kiếm lời nhanh chóng mà đối diện với những rủi ro ngắn hạn khó lường.