Chứng khoán toàn cầu năm 2017: Ổn định hay bất định?
Khác với một năm 2016 đầy biến động, thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu khởi đầu năm 2017 với những diễn biến thuận lợi, từ đó tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong quý I/2017. Hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt đều giữ được đà tăng điểm, trái ngược hoàn toàn với xu hướng mất điểm mạnh của quý I/2016.
Thị trường đang trên đà tăng
Thị trường chứng khoán Mỹ với sự tiếp sức của nhiều thông tin hỗ trợ như đà cải thiện kinh tế vĩ mô, kỳ vọng về các chương trình kích thích tài khóa của chính quyền mới và hai đợt tăng lãi suất liên tiếp đã duy trì đà tăng điểm liên tục suốt từ tháng 11 năm ngoái đến giữa tháng 3 năm nay.
Diễn biến các chỉ số chứng khoán chủ chốt quý I/2016 so với quý I/2017
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 3, các chỉ số chủ chốt đã bắt đầu quay đầu giảm nhẹ khi yếu tố tác động từ các thông tin hỗ trợ bắt đầu trở nên bão hòa và những lo ngại mới phát sinh từ các mâu thuẫn chính trị trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Mặc dù vậy, kết thúc quý I, các chỉ số chủ chốt tại Mỹ vẫn tăng điểm khá cao so với cuối năm ngoái, trong đó, Dow Jones tăng 3,64%; S&P 500 tăng 4,52% và Nasdaq tăng 8,76%.
Tại khu vực châu Âu, sự hồi phục của kinh tế khu vực, những diễn biến khả quan của bầu cử tại Hà Lan đã tiếp sức cho đà leo dốc của các chỉ số chứng khoán trong khu vực. Sự gia tăng diễn ra mạnh mẽ hơn trong nửa cuối tháng 3 khi các nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng chuyển vốn từ thị trường Mỹ có dấu hiệu bão hòa sang thị trường khu vực EU.
Chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 3, theo dữ liệu của Bank of America Merrill Lynch, nhà đầu tư đã rút tổng cộng 800 triệu USD khỏi các quỹ chứng khoán Mỹ và đổ 1,9 tỷ USD vào các quỹ chứng khoán châu Âu. Đây là tuần hút vốn mạnh nhất của chứng khoán EU trong 60 tuần qua.
Nhờ đó, chỉ số Euro Stock đã đạt mức tăng 2,79% trong quý I với sự gia tăng trên hầu khắp các thị trường chủ chốt: chỉ số DAX của Đức tăng 4,15%, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 5,34%, chỉ số FTSE của Ý tăng 7,79%... Duy chỉ có thị trường chứng khoán Anh với những lo ngại xung quanh việc Anh đã chính thức khởi động Brexit nên kết thúc quý I chỉ đạt mức tăng nhẹ 0,74%.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn biến khả quan về kết quả kinh tế những tháng đầu năm của các nền kinh tế trong khu vực và đà gia tăng của giá cả hàng hóa toàn cầu là những lực đẩy kéo chứng khoán khu vực đi lên trong quý I. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng lên đến 8,79% chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm.
Trong đó, Hồng Kông là thị trường đón nhận mức tăng trưởng tích cực nhất khu vực với chỉ số Hang Seng đạt mức tăng lên đến 10,28% so với cuối năm trước do lực mua từ phía các nhà đầu tư đại lục gia tăng. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng tăng trưởng tương đối tích cực với mức tăng 4,52% của chỉ số Shanghai.
Ngay cả chứng khoán Hàn Quốc trong bê bối chính trị cũng vẫn đứng vững với chỉ số Kopsi đạt mức tăng 6,61% trong quý I. Trong diễn biến tích cực chung của toàn khu vực, chỉ duy có chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 2,66% trong quý I do những kỳ vọng về những đợt nới lỏng chính sách mạnh tay hơn của Ngân hàng trung ương Nhật đã không thành hiện thực.
Triển vọng chứng khoán toàn cầu cuối năm 2017
Mặc dù diễn biến khả quan trong quý I, tuy nhiên nhiều nhà phân tích vẫn đưa ra các dự báo không mấy lạc quan đối với thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2017.
Về dài hạn, việc lãi suất tăng lên ở nhiều thị trường để chống lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Hiện nay, các thông số đo lạm phát đang có thay đổi mạnh. Lạm phát tại Mỹ đã vượt mức 2% trong 2 tháng liên tiếp gần đây; lạm phát của Eurozone trong tháng 2 cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Trong bối cảnh đó, kỳ vọng lạm phát đo qua TIPS Breakeven Rate của trái phiếu chính phủ 10 năm cũng đã lên mức cao 2,1% vào tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 2013.
Theo Tom Leveroni và Shourui Tian của Nautilus Investment Research, việc tăng lãi suất có hại cho thị trường chứng khoán. Thực tế, thị trường chứng khoán thường tổn thương mạnh khi lãi suất tăng và cũng là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng mạnh nhất của việc FED tăng lãi suất.
Số liệu khảo sát từ năm 1950-2009 cảnh báo việc Fed liên tục tăng lãi suất đến lần thứ 3 có thể khiến thị trường chứng khoán sụt giảm trong vòng 1 năm sau đó. Lần tăng lãi suất của Fed vào tháng 3/2017 vừa qua là lần thứ 3 kể từ tháng 5/2008 và liệu lịch sử có lặp lại?
Ngoài ra, hàng loạt sự kiện chính trị quan trọng như Anh chính thức khởi động Brexit, kết quả các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra tại châu Âu và chính sách của tân tổng thống Donald Trump có thể xảy ra trong thời gian tới sẽ tiềm ẩn thêm nhiều rủi ro, từ đó tạo ra những tác động khó đoán định với chứng khoán toàn cầu.
Các chuyên gia dự báo, chỉ số chứng khoán của các nền kinh tế chủ chốt có thể đạt mức tăng từ 6% - 10,2% nếu có tín hiệu tốt về lãi suất và các gói kích cầu của Chính phủ Mỹ. Trong tình huống xấu nhất, nếu các nhà đầu tư quan ngại vấn đề giá cổ phiếu quá cao và nợ công vượt trần thì thị trường chứng khoán toàn cầu có thể giảm trung bình 6,5% trong năm 2017.