Chứng khoán Trung Quốc, cơn ác mộng chưa dứt

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Những tín hiệu hồi phục tích cực trong thời gian gần đây trên TTCK Trung Quốc, sau cơn “địa chấn” khiến hơn 5 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường quý III vừa qua, dường như khiến giới chức nước này quá vội vàng đặt niềm tin vào sự ổn định tạm thời này khiến sai lầm tiếp diễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cuối tuần trước, TTCK Trung Quốc lại rúng động mạnh mẽ khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo trước thông tin 3 trong số các công ty chứng khoán lớn nhất Đại lục đang bị điều tra, cùng với tác động của tình hình kinh tế không tích cực.

Cụ thể, Citic Securities Co và Guosen Securities Co nhận được thông báo từ Uỷ ban Quản lý chứng khoán quốc gia Trung Quốc (CSRC) rằng, họ đang bị điều tra vì đã vi phạm các quy định về giám sản và quản lý tại công ty chứng khoán. Ngay lập tức, cổ phiếu của 2 công ty giảm tới mức giới hạn tối đa trong ngày (10%) tại Thượng Hải. Haitong Securities Co cho biết họ đang bị điều tra nhưng không nêu rõ lý do và cổ phiếu của Công ty đã bị ngừng giao dịch.

Trước đó, Chủ tịch Citic Securities Cheng Boming là 1 trong 7 lãnh đạo các công ty chứng khoán từng được Xinhua News Agency tiết lộ rằng đang bị điều tra. Thêm vào đó, công ty chứng khoán Guotai Junan International Holdings Ltd hồi đầu tuần cho biết họ không thể liên lạc được với Chủ tịch Công ty, khiến cổ phiếu của hãng giảm 12% trong tuần.

Sau khi các thông tin trên lần lượt được công bố, chỉ số Shanghai Composite giảm 5,5% trong phiên giao dịch thứ Sáu (27/11), mức mạnh nhất kể từ tháng 3/2015. Chỉ số Bloomberg Intelligence China H Share Institutional Brokerage, theo dõi diễn biến của cổ phiếu 7 công ty môi giới chứng khoán Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong giảm 4,9% trong ngày thứ Sáu.

Các vụ điều tra liên tục được công bố tại lĩnh vực tài chính khi Chính phủ Trung Quốc mở rộng chiến dịch chống tham nhũng, cũng như tìm kiếm nguyên nhân gây ra đợt bán tháo khiến 5 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi TTCK Trung Quốc hồi quý III. Trước đó, nhà chức trách đã “thử thách” đà hồi phục gần đây của thị trường bằng cách gỡ bỏ lệnh cấm hoạt động IPO và giảm bớt các quy định về tỷ lệ nắm giữ đối với các nhà môi giới.

“Việc thị trường giảm điểm mạnh làm dấy lên câu hỏi liệu nhà chức trách có quá vội vã tự tin vào sự bình ổn gần đây trên thị trường hay không? Việc thị trường hồi phục trở lại sau khi sụp đổ vào tháng 8/2015 không phải nhờ những trợ lực cơ bản mà nhờ sự can thiệp của chính quyền Đại lục. Việc gỡ bỏ các giới hạn đối với các nhà môi giới và nối lại hoạt động IPO có vẻ đã không được đưa ra đúng lúc”, Bernard Aw, chiến lược gia tại IG Asia Pte cho biết.

Trước đó, để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường cũng như nhằm nâng giá cổ phiếu, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh dừng tất cả hoạt động IPO. Gần đây, sau gần 5 tháng tạm dừng, với sự hồi phục trở lại của thị trường, giới chức Trung Quốc cho phép nối lại hoạt động này. Trong tuần này, 10 công ty sẽ thực hiện IPO và từ nay tới cuối năm sẽ có 28 công ty được phép IPO.

“Cần có sự ổn định trở lại sau khi thị trường hồi phục khá tốt gần đây, vậy nhưng việc điều tra các công ty chứng khoán và nối lại IPO là một trong những lý do “tuyệt vời” để giới đầu tư tháo chạy. Thị trường cần phải được ổn định trong 1 hoặc 2 tháng nữa để có thể chịu đựng những thông tin như vậy”, Sun Jianbon, chiến lược gia tại Galaxy Securities Co cho biết.

Chưa kể tới việc TTCK chưa hoạt động vững chắc, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng. Với các số liệu mới công bố, mà gần đây nhất là chỉ số nhà quản trị mua hàng khu vực tư nhân và lợi nhuận công nghiệp giảm mạnh trong tháng 10, thật khó để giới đầu tư cảm thấy an tâm trên thị trường.

Thêm vào đó, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đặt gánh nặng lên khả năng trả nợ trái phiếu của các công ty Trung Quốc. China Shanshui Cement Group Lts trong tháng này vừa trở thành công ty thứ 6 trong năm 2015 phá sản bởi không trả được nợ trái phiếu phát hành bằng đồng nhân dân tệ. Công ty thép thuộc sở hữu nhà nước Sinosteel Co tạm hoãn trả nợ trái phiếu lần thứ hai trong tuần vừa qua. Bên cạnh đó, các công ty phân bón và sắt thép trở thành những cái tên mới nhất xin trợ giúp để có thể trả những khoản nợ đến hạn.

Với các thông tin tiêu cực kể trên, có lẽ thế giới sẽ còn chứng kiến những rung động khác trên thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới này.