Biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và những tác động đến Việt Nam

TS. LÊ THỊ THÙY VÂN - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Sau khi tăng trưởng “nóng” giai đoạn 2014-2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu quá trình sụt giảm từ giữa năm 2015. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, các chỉ số chứng khoán chủ chốt vẫn tiếp tục xu hướng sụt giảm. Cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô, những biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Bong bóng” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992 sau khi SGDCK Thượng Hải (tháng 12/1990) và SGDCK Thâm Quyến (tháng 4/1991) được thành lập. Năm 1992, Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc ra đời, đánh dấu thời điểm TTCK Trung Quốc tiến tới cơ chế giám sát thống nhất trên cả nước. Theo sau đó, Luật Chứng khoán được ban hành vào cuối năm 1998 đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của TTCK, tạo điều kiện cho sự vận hành và phát triển của TTCK Trung Quốc.

Kể từ khi thành lập, TTCK Trung Quốc đã trải qua hơn 10 đợt thăng trầm lớn, trong đó, giai đoạn 2007-2008 là năm thị trường chứng kiến đợt suy giảm mạnh nhất trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau 5 năm duy trì diễn biến ổn định trong giai đoạn 2009-2013, TTCK Trung Quốc bắt đầu quá trình tăng điểm nhanh và hình thành “bong bóng” từ tháng 6/2014. Trong đó, các yếu tố tiêu biểu cho thấy hiện tượng “bong bóng” trên TTCK Trung Quốc gồm: (i) Một là, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải (SSEC) đặc biệt tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015 và đạt đỉnh 5.166,35 điểm vào ngày 12/6 (tăng 153% trong vòng 1 năm). Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thâm Quyến (SZSC) cũng tăng 180% trong cùng giai đoạn và đạt đỉnh 3.140,66 điểm vào ngày 12/6; (ii) Hai là, khối lượng giao dịch trên thị trường có dấu hiệu tăng dần kể từ đầu năm 2015, đạt trung bình 43 tỷ cổ phiếu/phiên trên Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2014; (iii) Ba là, với khoản nợ margin kỷ lục và số lượng nhà đầu tư mới tăng mạnh (Trung Quốc đã có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở trong giai đoạn 5/2014-5/2015), quy mô vốn hóa thị trường của Trung Quốc đã tăng 3 lần trong năm 2014-2015 và đạt giá trị 9.601 tỷ USD (tính đến tháng 6/2015), cao gấp 10 lần GDP của Hy Lạp và lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ (26.701 tỷ USD).

Biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và những tác động đến Việt Nam - Ảnh 1

Tuy nhiên, kể từ sau ngày 12/6/2015, TTCK Trung Quốc đã giảm điểm liên tục trên cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán với khoản thiệt hại về vốn hóa thị trường gần 4.000 tỷ USD. Chỉ số SSEC giảm 37% (tính đến ngày 24/8/2015) và chỉ số SZSC giảm 40% (tính đến ngày 24/8/2015) so với mức đỉnh được thiết lập ngày 12/6. Chỉ số CSI 300 (300 cổ phiếu hạng A) cũng giảm tới 38,6% so với mức đỉnh được thiết lập ngày 12/6.

Mặc dù các biện pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ Trung Quốc đã giúp thị trường phục hồi trong một số thời điểm ngắn (9/7-23/7), tuy nhiên, sự phục hồi này thiếu bền vững khi cả hai thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh trở lại với tốc độ lao dốc ngay sau những đợt phục hồi ngắn (với những đợt biến động giảm từ 8-10%/ngày ở cả SGDCK Thượng Hải và SGDCK Thâm Quyến). Trong đó, có hai đợt suy giảm mạnh sau đợt phục hồi ngắn của thị trường được ghi nhận gồm: (i) TTCK Thâm Quyến và TTCK Thượng Hải giảm 10% - 11% trong vòng chỉ hai ngày 27-28/7 (so với ngày 23/7) khi các thông tin bất lợi về nền kinh tế Trung Quốc được công bố khiến nhà đầu tư lo ngại Chính phủ sẽ không thể can thiệp để tiếp tục chống bán tháo; (ii) TTCK Thâm Quyến và TTCK Thượng Hải giảm tương ứng 17,5% và 18,2% trong vòng gần 2 tuần (11-24/8) sau khi Chính phủ giảm giá NDT tổng cộng 4,6% (trong 3 ngày liên tiếp,11-13/8/2015).

TTCK Trung Quốc giảm điểm mạnh đã khiến cho hơn 1.400 công ty phải thông báo ngừng giao dịch trên thị trường, chiếm khoảng 50% tổng số công ty đang niêm yết nhằm tránh việc giá cổ phiếu tiếp tục đi xuống. Điều này có nghĩa là khoảng 2.600 tỷ USD bị đóng băng, tương đương gần 40% vốn hóa thị trường trong tình trạng không được giao dịch trong thời gian tới.

Các nguyên nhân dẫn đến sự đỗ vỡ “bong bóng” chứng khoán Trung Quốc:

Thứ nhất, khác với sự bùng nổ của TTCK Trung Quốc trong giai đoạn 2006 – 2007, quá trình tăng điểm gần một năm qua của TTCK nước này không đi kèm với tăng trưởng kinh tế và không được hỗ trợ bởi tình hình hoạt động của DN.

Trong năm 2014-2015, kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn suy giảm với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 7% (mức thấp nhất trong 15 năm qua) và đi kèm với nhiều hiện tượng bất ổn về kinh tế vĩ mô (sản xuất công nghiệp suy giảm, cầu tiêu dùng chững lại; xuất khẩu tăng chậm và có xu hướng giảm, thị trường bất động sản ảm đạm). Trong khi đó, TTCK Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng gần 200% trong vòng 1 năm (tháng 6/2014 – tháng 6/2015) trên 2 SGDCK Thượng Hải và Thẩm Quyến do: (i) Từ cuối năm 2014, Trung Quốc bắt đầu thực hiện hạ lãi suất huy động/cho vay, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm đẩy dòng vốn sang TTCK; (ii) Các DN tích cực phát hành cổ phiếu nhằm tận dụng lực cầu từ phía nhà đầu tư (NĐT).

Ngoài ra, giá cổ phiếu lại tăng cao mà không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của DN đã khiến hệ số giá/thu nhập (P/E) bị đẩy lên quá cao, với hệ số P/E của chỉ số chứng khoán Thượng Hải ở mức 23 (Cao hơn nhiều so với mức 12 của chỉ số Hang Shen trên thị trường Hong Kong – nơi mà nhiều trong số các công ty tương tụ của Trung Quốc niêm yết).

Thứ hai, số tài khoản NĐT tăng nhanh nhưng không chuyên nghiệp, chất lượng NĐT ở mức thấp, tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao. Kể từ khi Trung Quốc cho phép các NĐT cá nhân được mở nhiều tài khoản (đầu tháng 3/2015), số lượng NĐT tham gia trên TTCK ngày càng lớn, tập trung vào NĐT cá nhân (chiếm khoảng 85% thị trường). Tính đến tháng 5/2015, tổng số tài khoản trên TTCK Trung Quốc là xấp xỉ 200 triệu tài khoản, trong đó 30 triệu tài khoản được mở trong 5 tháng đầu năm 2015, gấp 3 lần số tài khoản mở trong cả năm 2014. Trong khi đó, phần lớn các NĐT mới trên TTCK là cá nhân và có hiểu biết hạn chế về TTCK. Theo khảo sát của Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu về Tài chính hộ gia đình Trung Quốc, hơn 2/3 số NĐT mới (68%) chưa học hết phổ thông (cao hơn nhiều so với tỷ lệ 25,7% chưa học hết phổ thông của số NĐT hiện hữu) trong khi số NĐT mới có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12% (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 40,3% của NĐT hiện hữu). Còn lại là các NĐT có trình độ phổ thông trung học và trung học cơ sở.

Thứ ba, khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường tăng mạnh nhưng chủ yếu nhờ vào việc tăng nguồn vốn vay ký quỹ, khiến cho thị trường nhanh chóng bị đảo chiều khi dòng vốn này bị siết chặt.

Kể từ năm 2010, Chính phủ Trung Quốc thí điểm việc cho vay để mua chứng khoán với yêu cầu về mức tiền tối thiểu để mở tài khoản ký quỹ để vay chứng khoán là 500.000 NDT và có tài khoản hoạt động ở công ty chứng khoán ít nhất 18 tháng. Mặc dù quy định về tỷ lệ vay ký quỹ đã được Chính phủ Trung Quốc quy định theo tỷ lệ 50:50, nhưng việc thực hiện quy định này không được giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện cho một số sản phẩm ra đời như Sản phẩm quản lý tài sản có tác dụng gia tăng tỷ lệ vốn vay trong danh mục đầu tư. Cùng với việc tăng điểm của các mã cổ phiếu, nguồn vốn vay được đưa vào thị trường tăng từ 500 triệu NDT (tháng 6/2014) lên tới mức 2,2 tỷ NDT (tương đương 350 triệu USD vào tháng 6/2015).

Biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và những tác động đến Việt Nam - Ảnh 2

Mức độ cho vay để mua chứng khoán thông qua các sản phẩm của công ty tài chính và các định chế tài chính phi ngân hàng càng tăng nhanh, vượt ngoài kiểm soát khi TTCK Trung Quốc tăng trưởng nóng. Trong bối cảnh đó, từ tháng 4/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc đã siết chặt lại quy định về giao dịch ký quỹ nhằm hạn chế rủi ro. Tâm lý bầy đàn của NĐT nhỏ lẻ kết hợp với các biện pháp siết thanh khoản, thắt chặt cho vay ký quỹ chứng khoán của Chính phủ đã trở thành những tác nhân kích nổ “bong bóng” chứng khoán của nước này.

Những nỗ lực ổn định thị trường chứng khoán

Để ổn định thị trường, hạn chế đà sụt giảm của TTCK, Chính phủ Trung Quốc kết hợp giữa các biện pháp từ phía cầu (kích cầu trên TTCK) và các biện pháp từ phía cung (hạn chế nguồn cung).

Để kích cầu trên TTCK, Chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp:

Một là, Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc thực hiện các biện pháp ổn định thị trường thông qua Công ty Tài chính chứng khoán Trung Quốc: (1) Cho 21 công ty chứng khoán lớn vay 260 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) để các công ty này tăng cường mua vào cổ phiếu và không bán ra khi chỉ số SSEC còn ở dưới mức 4.500 điểm; (2) Tăng giới hạn cho phép các công ty bảo hiểm mua 1 cổ phiếu bluechip duy nhất từ 5% lên 10% nhằm thúc đẩy thị trường; (3) Nới lỏng một phần giao dịch ký quỹ thông qua việc giảm số tiền tối thiểu trong tài khoản cần có để sử dụng giao dịch ký quỹ. Ngân hàng Trung ương sẽ hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ quốc gia, để tăng tính thanh khoản thông qua các kênh như cho vay liên ngân hàng, trái phiếu và các tài sản thế chấp; (4) Đưa ra cam kết sẽ mua một lượng lớn các cổ phiếu hạng vừa và nhỏ. Các biện pháp này là nỗ lực mới nhất của Chính phủ khi TTCK sụt giảm đang đe dọa tới sự phát triển của nền kinh tế cũng như làm suy giảm niềm tin của NĐT.

Hai là, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản 0,25% và tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% (ngày 28/6) nhằm thực hiện mục tiêu kép: (1) Hạ lãi suất để giúp giảm nhẹ chi phí vay vốn của DN (lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 4,85%/năm); (2) Dịch chuyển nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng vào sản xuất và TTCK (lãi suất huy động một năm cũng giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 2%/năm).

Để hạn chế nguồn cung trên TTCK, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp sau:

Một là, tạm dừng 28 đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trên 2 SGDCK Thượng Hải và Thẩm Quyến, và không đồng ý đơn đề nghị IPO của DN bởi việc các DN tiến hành IPO quá nhiều trong thời gian qua đã gây áp lực lên tính thanh khoản của thị trường.

Hai là, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc quy định các cổ đông lớn (tỷ lệ sở hữu >5%) không được bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng tới, đồng thời yêu cầu các đối tượng này tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình.

Ba là, Công ty lưu ký và thanh toán chứng khoán Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát tài khoản chứng khoán. Cụ thể: kiểm tra các tài khoản chứng khoán được mở tại các tổ chức đại diện mở tài khản chứng khoán (công ty chứng khoán, công ty ủy thác, công ty ký quỹ…).

Tác động đến Việt Nam

Bối cảnh quốc tế biến động với sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc và một số TTCK trên thế giới, kết hợp với những biện pháp điều chỉnh tỷ giá VND/USD ở trong nước (sau khi Trung Quốc phá giá liên tiếp đồng NDT) đã tác động mạnh đến TTCK Việt Nam. Chỉ số Vn - Index đã suy giảm mạnh với mức giảm 15% trong tháng 8 sau khi tăng giá 13,8% trong 7 tháng đầu năm 2015. Sau khi giảm 29,37 điểm (5,28%) vào phiên giao dịch ngày 24/8 (mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 08/5/2014 - thời điểm diễn ra sự kiện Giàn khoan 981), chỉ số Vn-Index đóng cửa tại mức 526,93 điểm, giảm 17% so với mức đỉnh của 8 tháng đầu năm 2015 (đạt được vào ngày 14/7) và giảm 3,4% so với cuối năm 2014. Chỉ số Hnx-Index cũng giảm 14% trong tháng 8 sau khi tăng giá 2,6% trong 7 tháng đầu năm 2015 và đóng cửa ở mức 73,09 điểm vào ngày 24/8/2015 (giảm 18% so với mức đỉnh của 8 tháng đầu năm 2015 được thiết lập vào ngày 6/7/2015). Thanh khoản trên TTCK tháng 8 giảm so với tháng 7, nhưng có xu hướng tăng khi chỉ số Vn-Index và Hnx-Index giảm điểm, chứng tỏ lực cầu mua giá thấp khá mạnh. Trung bình 1 phiên trên 2 SGDCK HSX và HNX, khối lượng giao dịch theo phương thức khớp lệnh đạt 149 triệu cổ phiếu, giảm gần 20% so với tháng 7. Mức vốn hoá toàn thị trường (SGDCK Hồ Chí Minh (HSX) và SGDCK Hà Nội (HNX) giảm còn 1,15 triệu tỷ đồng (tính đến 24/8/2015, ước đạt 31% GDP năm 2014), giảm gần 10% so với tháng 7.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới suy giảm bao gồm cả diễn biến trên thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Cụ thể: (i) Một là, Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, kéo theo một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) phải điều chỉnh tỷ giá đã tác động đến DN sản xuất và NĐT. Tình hình TTCK trong nước và quốc tế không thuận lợi cũng làm gia tăng khả năng rút vốn của NĐT nước ngoài; (ii) Hai là, cổ phiếu nhóm dầu khí chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu thế giới giảm mạnh nhất kể từ năm 2009; (iii) Ba là, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh sau thông tin tiêu cực về NHTMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) và NHTMCP Đông Á.

Các yếu tố tích cực như giá xăng giảm hay việc ban hành Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại DN niêm yết là chưa đủ để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, những biến động trên TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ yếu tố nội tại nền kinh tế và yếu tố tâm lý, nhiều hơn là tác động trực tiếp từ sự biến động của TTCK Trung Quốc.

Xét ở khía cạnh gián tiếp, tác động từ biến động của TTCK Trung Quốc đến Việt Nam có thể được nhìn nhận dưới các khía cạnh sau:

Một là, biến động của TTCK Trung Quốc có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các NĐT Trung Quốc và các NĐT quốc tế trên TTCK Trung Quốc. Theo đó, một phần dòng vốn đầu tư tại TTCK Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các TTCK khác, trong đó có Việt Nam nhằm tìm kiếm một thị trường thay thế khác an toàn hơn và cũng có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt. Nghiên cứu số liệu đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015 cho thấy, NĐT nước ngoài có xu hướng mua ròng trên TTCK Việt Nam (Sàn HSX và HNX) với tổng giá trị 5.544 tỷ đồng, trong đó, tháng 5 và tháng 6 có khối lượng mua ròng cao nhất với giá trị lần lượt là 1.394 tỷ đồng và 1.532 tỷ đồng.

Hai là, tổng cầu Trung Quốc suy giảm do sự thất thoát tài sản trên TTCK Trung Quốc có thể tác động đến thương mại Việt Nam - Trung Quốc (giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ Trung Quốc). Xét về khía cạnh tổng cầu, Trung Quốc hiện là quốc gia có sức tiêu dùng rất lớn, nhờ vào dân số đông và thu nhập tăng cao những năm gần đây. Giá trị tài sản của các NĐT nắm giữ chứng khoán Trung Quốc suy giảm (trên 30%) sẽ tác động đến tổng cầu của nước này, do đó nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam cũng có thể giảm. Những ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam vào Trung Quốc như nông nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản và các loại nguyên liệu khác sẽ là những ngành bị ảnh hưởng. Ngoài ra, với tổng cầu suy yếu trong khi năng lực sản xuất đã và đang tiếp tục dư thừa, Trung Quốc một mặt sẽ tìm mọi cách bảo hộ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu, mặt khác sẽ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước khác (trong đó có Việt Nam) bằng nhiều biện pháp. Trong bối cảnh khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên sau các đợt giảm giá liên tiếp đồng NDT, việc suy giảm tổng cầu Trung Quốc do sự thất thoát tài sản trên TTCK sẽ là những nhân tố có thể góp phần gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2015-2016.

Như vậy, những tác động từ biến động trên TTCK Trung Quốc đến Việt Nam có thể được nhìn nhận ở cả góc độ trực tiếp và gián tiếp, với các khía cạnh tích cực và tiêu cực. Để có thể khai thác cơ hội và để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến động trên TTCK Trung Quốc đến Việt Nam, những vấn đề sau nên được chú trọng: (i) Nâng cao năng lực quản lý, giám sát nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các NĐT; (ii) Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; (iii) Mở rộng thị trường với nhiều NĐT, tăng cường sự tham gia của các định chế tài chính và NĐT nước ngoài; (iii) Tăng cường nguồn cung, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường phù hợp với nhu cầu của NĐT; (iv) Đa dạng hóa thị trường hàng hóa xuất khẩu cũng như thị trường nhập khẩu của Việt Nam để giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự suy giảm tổng cầu của Trung Quốc; đồng thời, hạn chế những mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu từ thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế sự gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

1. Minxin Pei (2015), “China’s big, misguided stock market gamble”. Fortune July 6, 2015;

2. The Economist (2015), “China’s botched stockmarket rescue”, Jul 30, 2015;

3. The Economist (2015), “China’s stockmarket: A crazy casino”, May 26, 2015;

4. Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính (2015), “Báo cáo nhanh về biến động trên TTCK Trung Quốc”;

5. http://www.chfsdata.org/;

6. http://www.hnx.vn;

7. http://www.world-exchanges.org/member-exchanges;

8. http://thomsonreuters.com/en.html.