Sự thận trọng cần thiết của Fed
Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và tác động đối với phần còn lại của thế giới đang làm sâu sắc hơn cuộc tranh luận tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về thời điểm tăng lãi suất cơ bản, vốn đã được duy trì ở mức thấp kỷ lục 0,25% kể từ tháng 12.2008. Hiếm có chính sách tiền tệ nào gây chia rẽ giới hoạch định chính sách và các nhà kinh tế nhiều như vậy.
4 lý do để tăng lãi suất
Nhiều chuyên gia nhận định FED sẽ tăng lãi suất trong năm nay và họ đưa ra 4 lý do. Thứ nhất, có thể nói FED đã hoàn thành nhiệm vụ kép của mình khi giữ nước Mỹ có một tỷ lệ thất nghiệp ở mức lý tưởng (5,1%), kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ mà việc làm gần như đầy đủ và chính sách của FED, trong đó có việc thực hiện nới lỏng tiền tệ đã bước sang năm thứ bảy. Giai đoạn tăng trưởng hiện nay được đánh giá có thời gian dài kỷ lục kể từ năm 1945, với hơn 16 tháng liên tục. FED cũng đã gần như đạt được mục tiêu về lạm phát khi tỷ lệ lạm phát ở mức 1,8%, rất gần mục tiêu 2%. Với tình hình như vậy, FED hoàn toàn “rảnh tay” trong việc ra quyết định chiến lược về chính sách tiền tệ.
Thứ hai, FED nhận thức được nguy cơ tạo ra bong bóng đầu cơ. Mặc dù việc phòng chống sự hình thành của bong bóng đầu cơ không phải nhiệm vụ chính thức của FED, nhưng đây cũng là một mối quan tâm khi FED có nhiệm vụ bảo đảm tài chính cho nền kinh tế. Trong lý thuyết kinh tế kinh điển từ đầu thế kỷ XX, các ngân hàng trung ương có nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm thị trường bất động sản, thị trường tài chính để giữ cân bằng bức tranh kinh tế và cái nhìn đầy đủ về tỷ lệ lạm phát thực tế. Các bong bóng đầu cơ gần đây trên thị trường chứng khoán và bất động sản tại một số nước công nghiệp phát triển khẳng định sự cần thiết này. Tại Mỹ hiện nay đã xuất hiện một số biểu hiện thái quá có thể dẫn đến khủng hoảng tương tự như năm 2007: Nhiều mã chứng khoán tăng trưởng mạnh mà không liên quan các chỉ số kinh tế của công ty và một lần nữa người mua có thể vay vốn tới 97% giá trị bất động sản. Vì thế, một chính sách tiền tệ kinh điển đang là yêu cầu đem lại lợi thế cơ bản về giá trị “thực sự” của đồng tiền.
Thứ ba, các điều kiện tín dụng vẫn sẽ được áp dụng linh hoạt. FED sẽ thực hiện việc thắt chặt tiền tệ từng bước với liều lượng nhỏ, do đó không lo ngại nguy cơ dòng USD chảy khỏi Mỹ. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thực hiện gói nới lỏng định lượng (QE) nên không thể tăng lãi suất ít nhất trước khi kết thúc năm 2016. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế theo kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe.
Thứ tư, bảo đảm uy tín của FED. Nhiều tháng qua, dư luận đã gần như chắc chắn về việc FED tăng lãi suất vào tháng 9, dẫn đến một việc tập trung đầu tư vào các tài sản bằng đồng USD. Sự trì hoãn của FED có thể gây tác hại cho uy tín và chiến lược của mình. Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ tuyên bố bỏ neo giá đồng franc Thụy Sĩ hồi đầu năm 2015 đã khiến sự tín nhiệm đối với ngân hàng trung ương này bị sụt giảm nghiêm trọng. Do vậy, nếu FED tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất, độ tin cậy trong những tuyên bố của FED sẽ bị lu mờ dần.
Sự thận trọng cần thiết
Tuy nhiên, ngay chính trong nội bộ FED, nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể tăng lãi suất cơ bản trong năm nay do tình hình bất ổn tại khu vực tài chính, kinh tế, chứng khoán Trung Quốc và kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể cuộc khủng hoảng năm 2008.
Ngày 19.10, Bắc Kinh thông báo tăng trưởng kinh tế quốc gia này trong quý III chỉ ở mức 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng hơn 6 năm qua. Con số này dù cao hơn những gì các chuyên gia kinh tế dự đoán song đây là bằng chứng cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu nhiều hơn dự đoán ban đầu. Đây là một trong những lý do khiến IMF hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ mức 3,3% đưa ra hồi tháng 7 xuống còn 3,1%, mức thấp nhất kể từ sau cuộc suy thoái năm 2009.
Trong khi đó, trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư, vốn từng quen với vai trò của Trung Quốc là động lực kinh tế, hiện đã cảm thấy lòng tin bị lung lay bởi những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế nước này. Bắc Kinh đã đã bỏ ra một số tiền lớn để nâng giá cổ phiếu và truy tố các nhà đầu tư đầu cơ làm giá cổ phiếu giảm. Sau đó, Trung Quốc đã bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ, động thái được các nhà phân tích nhận định là nỗ lực “tuyệt vọng” để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc (những người có lợi thế lớn hơn từ đồng nội tệ giảm giá) và là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế còn tồi tệ hơn.
Trước thực tế này, FED buộc phải thận trọng hơn với quyết định nâng lãi suất. Tại cuộc họp hồi tháng 9, các nhà hoạch định chính sách của FED đã quyết định trì hoãn nâng lãi suất do lo ngại về sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc tới phần còn lại của thế giới. Nếu mối lo ngại này chưa có cơ sở để giải tỏa, chắc chắn một quyết định tăng lãi suất sẽ không được đưa ra trong năm nay.