Chứng khoán tuần tới: Nghiêng về kịch bản điều chỉnh và tích lũy
Dù thị trường đang thu hút được giới đầu tư giải ngân mạnh nhưng giới phân tích vẫn nhận định không mấy lạc quan về thị trường chứng khoán trong nước tháng Ba này.
Những nhóm cổ phiếu, mã cổ phiếu quan trọng nhất đang rơi vào điều chỉnh.
Cùng với đó là thị trường chứng khoán thế giới đang diễn biến tiêu cực, các thông tin vĩ mô trên thế giới cũng không ủng hộ nên xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường đang gặp nhiều khó khăn trước vùng kháng cự mạnh quanh 1.000 điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co và rung lắc mạnh. Nhiều thời điểm VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm nhưng đều không giữ được do lực chốt lời tăng mạnh.
Kết thúc tuần giao dịch từ 4-8/3, VN-Index tăng nhẹ 5,62 điểm lên 985,25; HNX-Index tăng 0,961 điểm lên 108,22 điểm. Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường giúp thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt 5.450 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Dù thị trường đang thu hút được giới đầu tư giải ngân mạnh nhưng giới phân tích vẫn nhận định không mấy lạc quan về thị trường chứng khoán trong nước tháng Ba này.
Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS), tháng Ba, với lịch thông tin dày đặc như hai quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) cơ cấu danh mục; cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC), cơ quan trực thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ diễn ra từ 19-20/3; sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit (29/3); đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết...thì thị trường rất có có thể khó tăng nhanh và mạnh mà thiên về trạng thái điều chỉnh và tích lũy.
Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Clete Willems ngày 8/3 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện chưa có kế hoạch mới cử đoàn sang Trung Quốc tiến hành đàm phán thương mại trực tiếp dù vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể đạt một thỏa thuận.
Phát biểu với báo giới bên lề một sự kiện tại trường Đại học luật Georgetown, ông Willems thông tin các quan chức thương mại của Mỹ và Trung Quốc vẫn trao đổi "hằng ngày" nhưng hiện chưa bên nào có kế hoạch cho một chuyến thăm đàm phán trực tiếp.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang mắc kẹt trong một cuộc chiến trả đũa lẫn nhau bằng thuế trong nhiều tháng qua. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị tăng thuế của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Cùng với đó, tuần qua, chứng khoán Mỹ có năm phiên liên tiếp chìm trong sắc đỏ, đánh dấu chuỗi ngày giảm điểm dài nhất của các chỉ số chủ chốt trong nhiều tháng, giữa bối cảnh thị trường tiếp nhận số liệu đáng thất vọng về việc làm của Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó dấy lên quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones hạ 2,2%, đánh dấu chuỗi ngày giảm điểm dài nhất kể từ ngày 21/6/2018. Chỉ số S&P 500 cũng mất 2,2%, ghi nhận chuỗi ngày đi xuống dài nhất kể từ ngày 14/11/2018. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq mất 2,5% cả tuần qua, đồng thời chứng kiến chuỗi ngày giảm điểm dài nhất kể từ 25/4/2018.
Việc thị chứng chứng khoán Mỹ giảm mạnh có thể tác động tiêu cực đến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xét về diễn biến nội tại của thị trường, tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với PVB tăng 19,6%, PVC (6,7%), PVD (6%), BSR (3,6%), PLX (3,2%), PVS (0,9%),...
Cổ phiếu dầu khí diễn biến khá tương đồng với thị trường chung, tăng mạnh vào phiên đầu tuần và điều chỉnh giảm vào những phiên cuối tuần. Diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí cho thấy, chưa thể loại trừ khả năng tiếp tục điều chỉnh của nhóm cổ phiếu này trong tuần tới.
Nhóm cổ phiếu trụ cột, có tỷ trọng vốn hóa đứng đầu thị trường là ngân hàng cũng tăng trưởng khá tốt với các mã như VCB và ACB đều tăng 1%, BID (3,5%), CTG (1,9%), VPB (0,7%), MBB (0,2%), SHB (2,6%)...
Đến phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng rơi vào nhịp điều chỉnh. Tuần tới, kịch bản điều chỉnh, tích lũy có thể diễn ra tại nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thị trường tuần qua cũng được nâng đỡ bởi các mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc Vingroup với các mã VIC, VRE, VHM. Cụ thể, VIC tăng 2,6%, VRE tăng 2,06%, VHM tăng 0,62%.
Bên cạnh đó, một số mã cổ phiếu thuộc nhóm thực phẩm - đồ uống cũng ở chiều tăng giá như SAB tăng 1,25% và MSN tăng 0,9%.
Hầu hết những cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đang trong trạng thái điều chỉnh. Với diễn biến không mấy tích cực của thị trường chung thì sự điều chỉnh này có lẽ còn tiếp tục trong tuần tới.
Như vậy, những nhóm cổ phiếu, mã cổ phiếu quan trọng nhất đang rơi vào điều chỉnh. Việc thị trường chứng khoán thế giới đang diễn biến tiêu cực, các thông tin vĩ mô trên thế giới cũng không ủng hộ thị trường. Hơn nữa, khối ngoại trong tuần qua dù đã mua ròng trở lại nhưng giao dịch ảm đạm so tuần trước đó.
Cụ thể, khối ngoại thực hiện mua vào 113 triệu cổ phiếu, trị giá 4.157 tỷ đồng, trong khi bán ra 98,8 triệu cổ phiếu, trị giá 3.977 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 14 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng gần 180 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn và tác dụng nâng đỡ thị trường không nhiều.
Trước những diễn biến của thị trường, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường đã có ba tuần liên tiếp chỉ dao động trong khoảng 960-1.000 điểm và chưa có dấu hiệu bứt phá.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (11-15/3), VN-Index có thể có tuần thứ 4 liên tiếp giằng co và rung lắc trong biên độ 960-1.000 điểm.
Có góc nhìn khá tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhận định, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường đang gặp nhiều khó khăn trước vùng kháng cự mạnh quanh 1.000 điểm. Rủi ro giảm mạnh của thị trường có thể sẽ hình thành nếu chỉ số phá vỡ vùng hỗ trợ 970-980 điểm.
Các nhà phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC nêu quan điểm, sau ba lần nỗ lực chinh phục ngưỡng 1.000 điểm bất thành, tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan và lực bán nhanh chóng áp đảo lực mua.
Sóng cổ phiếu vốn hóa nhỏ nổi lên trong những phiên vừa qua là một dấu hiệu cho thấy có thể thị trường đã chạm đỉnh ngắn hạn và sẽ có nhịp điều chỉnh đáng kể.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên nhanh chóng hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, tận dụng những thời điểm phục hồi kỹ thuật để có giá bán tốt nhất.