Vốn chứng khoán cần được ưu tiên phát triển
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) cuối tuần qua, nhiều thành viên thị trường cho rằng cần xây dựng thể chế đủ mạnh để chứng khoán thực sự cạnh tranh với ngân hàng (NH) và là nơi cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; có các giải pháp về sản phẩm mới để TTCK thu hút hơn nữa NĐT tham gia…
Thị trường chứng khoán cần thể chế đủ mạnh
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, hiện nay tổng tín dụng được cấp qua kênh NH khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP. Điều đó cho thấy, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp dựa rất lớn vào hệ thống NH, trong khi bản chất nhà băng là nơi cung cấp vốn ngắn hạn, đã tạo áp lực rất lớn cho hệ thống NH trong cung ứng vốn dài hạn, cân đối vốn và xử lý nguồn vốn để tránh rủi ro kỳ hạn.
Vì thế, trong thị trường vốn, rất cần phát triển thị trường trái phiếu DN (TPDN). Bình luận về việc năm 2018 HOSE đã cấp quyết định niêm yết chính thức cho 14 TPDN, nâng khối lượng TPDN được đưa vào giao dịch tăng khoảng 70% so với năm 2017, bà Hồng cho rằng đây là điều rất đáng mừng, vì sẽ giảm áp lực cho NHNN trong việc ung ứng vốn trung, dài hạn, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường tài chính phát triển lành mạnh.
Là một trong những người đóng góp xây dựng TTCK từ những ngày đầu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK SSI, ông Nguyễn Duy Hưng trăn trở về vấn đề làm sao xây dựng các thể chế giúp TTCK có thể cạnh tranh với NH, làm sao để cân bằng giữa thị trường vốn và tiền tệ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn.
Để làm được điều đó TTCK phải được NĐT quan tâm. Điều quan trọng, với thị trường là phải minh bạch, với nhà đầu tư (NĐT) phải có niềm tin, có quyền lợi khi tham gia thị trường.
Và để TTCK phát triển song song với NH, phải xây dựng thể chế để cạnh tranh trực tiếp với NH. Quy mô TTCK hiện tại ở mức 3 triệu tỷ đồng, nhưng con số này là vốn hóa thị trường, còn phần tài sản thật thấp hơn rất nhiều. Toàn bộ TPDN hiện khoảng 100.000 tỷ đồng, nhưng chỉ tập trung một số DN như Massan, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai… Và những đối tượng giữ TPDN lại là NH.
Một trong các giải pháp, theo ông Hưng, cần xây dựng các rổ chỉ số linh động hơn, cho phép các định chế tài chính trung gian được tham gia xây dựng chỉ số. Với hàm ý để các tổ chức tự xây dựng chỉ số cung cấp cho NĐT, ông Hưng cho rằng điều này sẽ giúp các chỉ số gắn với thị trường hơn và các sở giao dịch chứng khoán chỉ nên giữ vai trò xét duyệt.
Về NĐT, vấn đề của họ trên TTCK Việt Nam là nhỏ lẻ. Vì vậy cần hướng dòng tiền của họ đến các quỹ đầu tư chỉ số trung gian. Về nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), ông Hưng nhấn mạnh họ không sợ thua lỗ mà muốn có môi trường đầu tư công bằng và minh bạch; phải làm sao hài hòa được họ.
Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho biết ở các thị trường phát triển, tỷ trọng NĐT tổ chức tham gia chiếm 50-70%, còn lại là NĐT cá nhân. Tuy nhiên, Việt Nam có tình trạng ngược lại. TTCK thiếu các tổ chức, DN tham gia và bị ảnh hưởng bởi quyết định của NĐT cá nhân, đồng thời cũng gây khó khăn cho các NĐT này, khiến thị trường thiếu ổn định.
Xem xét lại khái niệm nhà đầu tư nước ngoài
Theo ông Dominic Scriven, cần xem xét các vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu của khối ngoại chiếm 80%, những ý kiến bức xúc của NĐTNN, MSCI với chứng khoán Việt Nam và ảnh hưởng đến việc nâng hạng thị trường.
TTCK vẫn là nơi NĐT mua vào, rút ra nhanh để kiếm tiền, nhưng chưa tạo được niềm tin giúp họ thấy rằng TTCK là nơi đầu tư, giữ tiền, tài sản. Đồng thời các DN hiện nay cũng chưa đồng hành cùng NĐT, coi họ là chủ thực sự mà chỉ coi NĐT là nơi hút tiền để làm việc của DN. Đã có nhiều thương vụ xảy ra khi đi huy động vốn ở nước ngoài, một số NĐT phản ánh việc DN sau khi huy động vốn xong không đồng hành và coi họ là máy ATM, thích rút tiền lúc nào thì rút.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI
Một trong những kiến nghị được ông Dominic Scriven nêu ra là Chính phủ cần xem xét lại Điều 23 của Luật Đầu tư, liên quan đến việc DN Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% được xem là DN ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các DN. Vì thế, điều khoản này cần phải được sửa đổi phục vụ cho nhu cầu đồng bộ hóa pháp luật Việt Nam.
Về các giải pháp thu hút vốn ngoại khác, ông Dominic Scriven cũng đề xuất có thể cho phép room ngoại tại các tổ chức tín dụng nâng từ 30% lên 49%, trong bối cảnh nhiều NH đang nỗ lực tăng huy động vốn theo Basel II; sớm nghiên cứu và đưa vào loại hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết theo mô hình của Thái Lan hoặc Malaysia; thực hiện phương pháp dựng sổ trong việc thoái vốn nhà nước và đẩy mạnh bán vốn nhiều hơn để DN có yếu tố mới trong bộ máy quản trị; giải quyết các vướng mắc còn lại sớm thành lập quỹ hưu trí tự nguyện và mở đường cho loại hình tổ chức khác tham gia thị trường, đồng thời đa dạng sản phẩm đầu tư.
Theo Phó Tổng giám đốc Vietjet Trần Hoài Nam, cần đa dạng hóa số lượng CP trên thị trường bằng việc thêm nhiều DN niêm yết mới trong năm 2019, thông qua đẩy mạnh tiếp công tác cổ phần hóa DNNN. Ngoài ra, việc đa dạng hóa thêm các sản phẩm chứng khoán là cần thiết, ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu để DN có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.