Chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu của Việt Nam
Hàng nông sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ đạo với nhiều mặt hàng, như: gạo, cà phê, điều, thủy sản…, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn hàng nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác. Trong bài viết, nhóm tác giả khái quát tình hình xuất khẩu nông sản và thực trạng chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu hiện nay ở Việt Nam. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Đặt vấn đề
Thời gian qua, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các thị trường khác nhau trên thế giới và các thị trường khó tính với tiêu chuẩn kỹ thuật cao, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù sản lượng nông sản trong thời gian qua đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên chất lượng nhìn chung chưa có nhiều cải thiện. Có rất nhiều nguyên nhân của vấn đề nêu trên, tuy nhiên một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến cho giá trị mặt hàng nông sản chưa đạt như kỳ vọng là do thiếu sự gắn kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu.
Để có chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản hoàn thiện, các chủ thể tham gia cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ. Trên thực tế, người nông dân và các doanh nghiệp chưa thực sự tìm được tiếng nói chung mặc dù từ phía cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực để kết nối tiêu thụ. Sản xuất chỉ thực sự phát triển bền vững khi có sự gắn kết với thị trường tiêu thụ để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”. Ở phía người nông dân, vẫn chủ yếu tiến hành giao dịch với thương lái thay vì các doanh nghiệp lớn. Ở phía doanh nghiệp, chưa thực sự chú trọng vào việc thiết kế các chuỗi cung ứng khép kín để việc tiêu thụ nông sản ra thị trường bảo đảm yếu tố bền vững. Vì vậy, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản nói chung và chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu nói riêng sẽ góp phần nâng cao giá trị mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, là cơ sở tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.
Đánh giá khái quát về tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới và đứng thứ hai của khu vực Đông Nam Á về quy mô xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng, như: gạo, điều, cà phê, thủy sản… Xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian qua liên tục ghi nhận sự tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2022, góp phần cân bằng cán cân thương mại (Hình 1). Giá trị xuất khẩu nông sản chạm ngưỡng 50 tỷ USD trong năm 2022, các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại với chất lượng ngày càng được nâng cao theo hướng tăng cường các mặt hàng đã qua chế biến.
Hình 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam giai đoạn 2011-2022
Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng nông sản xuất khẩu cũng được chuyển dịch theo hướng thỏa mãn cao hơn nhu cầu của thị trường trên cơ sở tận dụng có hiệu quả lợi thế cạnh tranh quốc gia. Trong những năm gần đây, tỷ trọng các mặt hàng gỗ, rau quả và hạt điều tăng lên trong cơ cấu hàng xuất khẩu, thay vào đó các mặt hàng có xu hướng giảm, như: cà phê, chè, cao su. Hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường có sức tiêu thụ lớn và tiêu chuẩn cao, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thực trạng chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam
Chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam có thể khái quát theo Hình 2, với các thành phần của chuỗi bao gồm:
(1) Người sản xuất nông sản. Trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam, toàn bộ từ hạt giống, cây trồng đến phân bón… được mua ở các nhà cung cấp địa phương, người nông dân nuôi trồng đóng vai trò là nhà sản xuất ra nông sản hoặc ngư dân thực hiện đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, trong khâu sản xuất nông sản, nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi. Trong số các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu (nông dân, thương lái, người chế biến/sơ chế, doanh nghiệp xuất khẩu), nông dân phải bỏ mức chi phí cao nhất, nhưng lại là thành viên được hưởng lợi gần như thấp nhất.
Hình 2: Chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam
Nguồn: An Thị Thanh Nhàn, 2019 |
(2) Người chế biến/sơ chế. Những nhà chế biến/sơ chế thường là những trung gian chuyên thu gom nông sản; hải sản từ người nông dân hay ngư dân đánh bắt. Một số loại nông sản có thể người xuất khẩu thu mua và đưa ngay vào hệ thống phân phối và đến tay người tiêu dùng cuối cùng như hoa quả, hải sản tươi… Một số loại phải được đưa qua chế biến trước khi đưa vào hệ thống phân phối tiêu thụ như lương thực, thực phẩm. Các khâu thu gom, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa hoàn chỉnh và thiếu bền vững, nhiều cấp trung gian. Nông dân chủ yếu bán nông sản cho các thương lái, đại lý thu mua. Mặt khác, do khâu thu gom và chế biến chưa được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng nông sản chưa cao, giá thành thấp.
(3) Người xuất khẩu. Là những doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản (xuất khẩu và phân phối bán lẻ), các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các nông sản ra nước ngoài phải gắn nhãn hiệu của các trung gian thương mại tại thị trường nước sở tại. Nói cách khác là nông sản Việt Nam phần lớn đang tham gia vào các chuỗi cung ứng nhưng không có thương hiệu, nên chỉ bán phần hữu hình với giá khoảng 25% trên giá đến tay người tiêu dùng (An Thị Thanh Nhàn, 2019).
(4) Người bán buôn/Bán lẻ. Đây là những nhà bán buôn lớn, có hệ thống phân phối gồm các nhà bán sỉ, bán lẻ lâu năm trên thị trường của nước sở tại. Phần công việc của họ là khâu phân phối cuối cùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó chính là khâu dán nhãn và phân phối nhưng chiếm tỷ lệ lãi là cao nhất.
(5) Người sản xuất. Các nhà nhập khẩu có thể là các nhà sản xuất, họ nhập khẩu nông sản thô của Việt Nam sau đó thực hiện chế biến những mặt hàng nông sản. Những nhà sản xuất lớn, nổi tiếng trên thế giới họ tập trung vào cảm xúc của khách hàng “chất lượng theo người tiêu dùng”. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không cung cấp nguồn nông sản đầu vào đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của họ thì việc đơn giản họ sẽ thay đổi nhà cung cấp và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng tại thị trường này.
(6) Người tiêu dùng cuối cùng. Là người nước ngoài ở các nước có nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, thành phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu. Với vai trò người tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, khách hàng là đối tượng phục vụ của toàn chuỗi cung ứng. Với những người tiêu dùng nước ngoài họ thường chọn thương hiệu của các doanh nghiệp nhập khẩu ở nước sở tại.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang triển khai tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Một số loại nông sản của Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu đã tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó cà phê là một trong những mặt hàng thành công nhất. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Néscafe, Metro... đã đưa hàng nông sản của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam hiện đang có một số hạn chế điển hình, đó là:
- Quy mô nông hộ nhỏ. Đây là trở ngại lớn nhất để cải thiện quy trình nông nghiệp của nông dân với việc giới thiệu các công nghệ mới, thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp.
- Các hộ nông dân quy mô nhỏ không được kết nối với các yêu cầu của thị trường quốc tế, do đó có rất ít động lực để họ cải thiện chất lượng.
- Khâu trồng trọt thường phân tán, nhỏ lẻ, nhưng thị trường xuất khẩu lại đòi hỏi một khối lượng lớn tập trung, nên chức năng thu gom giữ một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng và thường có quá nhiều cấp độ trung gian tham gia vào công tác thu mua trong chuỗi.
- Cấu trúc chuỗi cung ứng mang nặng tính tự phát và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên; liên kết ngang giữa các hộ nông dân (thông qua các hợp tác xã), cũng như giữa các nông trại còn hạn chế; liên kết dọc giữa các nông trại với nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu còn khá lỏng lẻo.
- Nông sản cùng loại thường không đồng nhất về chất lượng, kích cỡ, hình dáng, trọng lượng và tính an toàn thực phẩm bởi có sự tham gia của số lượng rất đông các hộ nông dân, với trình độ sản xuất, ý thức kinh doanh và nhận biết về thị trường rất khác nhau.
- Biến động giá theo mùa là khá lớn đối với hầu hết các nông sản, bởi yếu tố vụ mùa khách quan của sản xuất nông nghiệp, đồng thời lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết và điều kiện tự nhiên.
- Tỷ trọng chế biến rất nhỏ trong chuỗi cung ứng, hầu hết là xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị gia tăng thấp và mức giá thấp.
- Công nghệ chế biến sau thu hoạch khá lạc hậu, trang thiết bị cũ kỹ, sản phẩm sơ chế còn nhiều tạp chất; công nghệ bảo quản còn hạn chế, nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát. Tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển trong chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt Nam là khá lớn.
- Chứng chỉ chất lượng Việt Nam hiện nay chưa được công nhận trên thị trường quốc tế.
Giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam
Phát triển xuất khẩu hàng nông sản cần phải giải quyết triệt để những vấn đề nêu trên, đồng thời đảm bảo yếu tố bền vững trong chuỗi cung ứng. Mục tiêu của chuỗi cung ứng bền vững là sáng tạo, phát triển và bảo vệ các giá trị dài hạn về kinh tế, xã hội và môi trường cho tất cả các thành viên tham gia quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi. Trong chuỗi cung ứng bền vững, các tập thể và cá nhân cần duy trì và mở rộng hoạt động của mình trong khuôn khổ tiêu chuẩn môi trường và đáp ứng các yêu cầu phát triển xã hội lành mạnh (Schulze và Bals, 2017). Theo đó, giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam gồm:
Về phía Nhà nước
- Nhà nước cần tăng cường tổ chức nghiên cứu và quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông sản trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp hiện đại; đồng thời, xây dựng và quản lý quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản xuất khẩu theo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm phù hợp với các thị trường nhập khẩu. Từng bước điều chỉnh, chuyển định hướng chiến lược từ phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản theo số lượng và tốc độ cao như hiện nay sang phát triển theo hướng coi trọng chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát thải thấp, phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
- Cần xây dựng cơ chế sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó có thể tiếp cận nguồn vốn, công nghệ cũng như tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu hàng nông sản.
- Đầu tư hạ tầng logistics. Trong chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản toàn cầu, các công đoạn sản xuất bị phân mảnh về mặt địa lý, nên đòi hỏi di chuyển nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hàng hóa qua biên giới quốc gia. Do vậy, việc đầu tư hạ tầng logistics nâng cao khả năng kết nối giữa các phương thức vận chuyển, giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp và chi phí lưu thông, đồng thời gia tăng giá trị nông sản.
- Tăng cường kết nối cung - cầu và đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản. Nhà nước cần có biện pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, nhanh chóng tổ chức sàn giao dịch nông sản cho từng khu vực cũng như trên phạm vi cả nước. Sàn giao dịch nông sản sẽ giúp mua bán nông sản với khối lượng lớn; các thương lái trong và ngoài nước đều có thể tham gia mua bán trên sàn giao dịch.
- Tăng cường công tác đào tạo nhân lực. Phải có những biện pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cả năng lực kinh doanh cho người lao động ngành nông nghiệp. Thay vì sản xuất theo tập quán mùa vụ, người nông dân cần phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng sản xuất; Tiếp thu và ứng dụng được công nghệ vào sản xuất; Đưa cơ giới hóa vào sản xuất; Có những kỹ thuật bảo quản nông sản sau thu hoạch; Biết sử dụng vốn đầu tư một cách có hiệu quả; Bên cạnh đó người lao động ngành nông nghiệp cũng cần được trang bị cả những kiến thức thương mại như marketing, kỹ năng giao tiếp, đàm phán và ký hợp đồng, đưa công nghệ thông tin về nông thôn; đào tạo cho người lao động ngành nông nghiệp biết sử dụng các phương tiện và công nghệ để nghiên cứu thị trường và thu thập những thông tin hữu ích cho sản xuất nông sản.
Về phía hiệp hội
- Các hiệp hội và câu lạc bộ cần tạo ra sân chơi chung nhằm tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ, như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường.
- Hiệp hội cần nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển những dự án phát triển nông nghiệp với quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam. Các hiệp hội cần là cầu nối thực hiện giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo lao động cho ngành nông nghiệp
- Các hiệp hội cần nâng cao vai trò điều phối hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ việc phát triển các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng… Hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, tham gia phát triển thương hiệu, bảo hộ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật; đồng thời, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước phát triển ngành hàng.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
- Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tích cực và chủ động lựa chọn đúng các khâu cần ưu tiên nhằm khai thác lợi thế so sánh, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hoạt động xuất khẩu trên thị trường thế giới.
- Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần thay đổi cách nhìn về vấn đề chất lượng của nông sản, thay vì chỉ loay hoay nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản từ phía nhà sản xuất mà cần phải chú trọng và dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề chất lượng từ góc nhìn của thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng.
- Doanh nghiệp với vai trò thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản cần bám sát thị trường, đầu tư mạnh cho hoạt động marketing và nghiên cứu thị trường để có được các thông tin hữu ích về nhu cầu sản phẩm, tối ưu hóa mạng lưới phân phối để đưa nông sản ra thị trường thế giới với chi phí hợp lý.
- Trên cơ sở thông tin thị trường, doanh nghiệp cần gắn kết chặt chẽ với nhà nông, định hướng, đặt hàng nhà nông trong sản xuất theo nhu cầu thị trường về sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hỗ trợ về vật tư, tài chính để người nông dân yên tâm tập trung sản xuất.
- Lựa chọn những sản phẩm nông sản mà Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu cao để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu. Thực hiện việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến lớn có thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cần có giải pháp tổng thể bảo đảm an toàn thực phẩm tuân theo những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc tế đáp ứng yêu cầu khách hàng quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. An Thị Thanh Nhàn (2019), Nông sản Việt Nam nhìn từ góc độ chuỗi cung ứng, truy cập từ https://vilas.edu.vn/nong-san-viet-nhin-tu-goc-do-chuoi-cung-ung.html.
2. Bộ Công Thương (2012-2023). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam các năm, từ năm, từ năm 2011 đến năm 2022.
3. Schulze H., and Bals L. (2017), Implementing sustainable supply chain management – a literature review on required purchasing and supply management competences, in Greening of Industry Networks Studies, Springer.
4. Trần Vang Phủ (2022), Vai trò của việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ, 58.