Chuyển biến tích cực trong phát triển tín dụng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

PV.

Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được xác định là một trong những định hướng Việt Nam hướng tới trong giai đoạn 2021-2030 nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, huy động và khai thác các nguồn lực hướng tới nền KTTH, ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Chính sách tín dụng xanh là một giải pháp quan trọng được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu KTTH trong thời gian qua.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Nhằm phát huy vai trò tín dụng xanh trong thúc đẩy KTTH, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng các giải pháp, chương trình tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển KTTH.

Theo đó, nhiều chính sách thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam...

Theo thống kê, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng lên 340.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2020. Tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng đều từ 1,55% năm 2015 lên 3,7% năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh tính đến hết quý I/2021 là khoảng 335.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dự nợ toàn nền kinh tế, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp xanh (hơn 39%) và năng lượng tái tạo (37%)...

Mặc dù, phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, khung pháp lý về tín dụng xanh còn hạn chế khi thiếu các quy định về tiêu chí thẩm định, đánh giá tăng trưởng và rủi ro đối với các dự án xanh.

Bên cạnh đó, tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng chưa phổ biến rộng rãi, hiện dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm dưới 5% tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế. Một trong những khó khăn của việc triển khai tín dụng xanh là những dự án về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... thường yêu cầu nguồn vốn lớn, duy trì trong một thời gian dài, đòi hỏi ngân hàng phải có lượng vốn lớn và dài hạn.

Nhằm phát triển tín dụng xanh góp phần thúc đẩy KTTH ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng xanh, đưa ra các tiêu chuẩn tín dụng xanh, cung cấp danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để các tổ chức áp dụng. Hoàn thiện hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh. Tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành liên quan trong việc huy động nguồn lực cho tín dụng xanh như ngân sách nhà nước, các nguồn vốn ưu đãi quốc tế... Tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Nghiên cứu thành lập các quỹ liên quan đến tăng trưởng xanh và sử dụng nguồn vốn của quỹ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng xanh. Xem xét đưa ra các chính sách, cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng xanh.

Về phía các tổ chức tín dụng, cần đa dạng hoá nguồn vốn cho tín dụng xanh thông qua hợp tác giữa các ngân hàng trong tổ hợp tín dụng, thị trường trái phiếu xanh hay các nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ tín dụng xanh từ các định chế tài chính quốc tế như World Bank, IFC, ADB...

Ngoài ra, các NHTM cần chủ động nghiên cứu xây dựng chính sách tín dụng xanh, đa dạng các sản phẩm tín dụng xanh phù hợp với hoạt động ngân hàng, chiến lược quốc gia và đáp ứng yêu cầu quốc tế.