Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam


Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt trên toàn cầu, việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của các quốc gia, khu vực trên thế giới nhằm tạo ra một vòng khép kín của việc khai thác, sản xuất, sử dụng và tái chế.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Ở Việt Nam, phát triển kinh tế tuần hoàn đang ở những bước khởi đầu, do đó việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn là cần thiết. Bài viết phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia như: Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Trung Quốc... qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Liên minh châu Âu (EU) định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình sản xuất và tiêu dùng, trong đó bao hàm việc chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, cải tạo, tái chế các nguyên vật liệu và thành phần hiện có nhiều nhất có thể, nhằm kéo dài vòng đời sử dụng của các sản phẩm (EU, 2021a).

Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), nền KTTH được hiểu là một hệ thống ngành có thể được phục hồi hoặc tái sinh một cách chủ động, có kế hoạch. Nền kinh tế này sẽ thay thế hình thái nền kinh tế theo vòng đời sản phẩm hay nền kinh tế tuyến tính. 

Circle Economy (2018) cho biết, tính đến năm 2018, kinh tế toàn cầu chỉ có 9,1% là tuần hoàn, nhấn mạnh việc thúc đẩy tuần hoàn hóa các nền kinh tế quốc gia nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường sống và bất công bằng trong xã hội. Với hơn 67% lượng khí nhà kính đến từ việc quản lý tài nguyên trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng (Circle Economy, 2018), lượng khí thải nhà kính tiếp tục gia tăng qua các năm, chất thải rắn tiếp tục gia tăng và đạt mức tăng hơn 70% vào năm 2050 (EU, 2021b), đặc biệt là nhóm quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp, khi tăng trưởng kinh tế được ưu tiên trước nạn ô nhiễm môi trường và mô hình tiêu dùng, sản xuất không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên; bình quân chỉ có 20% kinh phí từ ngân sách nhà nước được chi tiêu cho việc quản lý, xử lý rác thải công nghiệp (EU, 2021b), thì việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang nền KTTH càng trở nên cấp thiết và là giải pháp tối ưu cho sự phát triển bền vững của toàn cầu.

Tại Việt Nam, hơn 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đặc biệt là các chất thải rắn; người dân và doanh nghiệp còn thiếu ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên; làm gia tăng mức độ rủi ro và sự cố môi trường, đe doạ đời sống, an sinh – xã hội và tương lai kinh tế (Trung tâm công nghệ xử lý môi trường, 2021). Vì vậy, Việt Nam thực hiện xây dựng và phát triển nền KTTH là lựa chọn có tính quyết định chiến lược tới mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường trong dài hạn, do đó việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, áp dụng mô hình KTTH là cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam - Ảnh 1

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn

Mô hình KTTH đã trở thành xu thế phát triển trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này như: EU, Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Trung Quốc...

Liên minh châu Âu

Theo thống kê, EU tạo ra hơn 2,5 tỷ tấn rác thải mỗi năm, các quy trình xử lý nguyên vật liệu và sản xuất hàng hóa tạo ra 45% lượng khí thải CO2 của toàn EU (EU, 2021a), đặt ra yêu cầu cần sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sống trong khối EU. Nền KTTH sẽ giúp EU giảm áp lực lên môi trường, bảo đảm khả năng cung ứng nguồn nguyên vật liệu thô cho quá trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy cải tiến; sau cùng là tăng trưởng kinh tế (khoảng 0,5% GDP/năm), tạo khoảng 700.000 việc làm trong khu vực EU, tính tới năm 2030 (EU, 2021a).

Trong khối EU, Đan Mạch và Thụy Điển là hai quốc gia có quan điểm tích cực trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang KTTH với chiến lược dài hạn và bền vững.

Đan Mạch

Đan Mạch là quốc gia điển hình về chuyển đổi sang mô hình KTTH với Chiến lược quốc gia mới về KTTH và hỗ trợ tài chính 16 triệu EUR cho việc triển khai 15 sáng kiến KTTH khác nhau, hướng tới xã hội phát triển bền vững; sản phẩm và nguyên vật liệu được tái quay vòng, tuần hoàn trong nền kinh tế, sử dụng tối đa và phế thải được giảm thiểu.

Chiến lược KTTH tại Đan Mạch được thông qua năm 2018 và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018-2022 với 15 chương trình hành động, sáng kiến; Chiến lược hướng vào 6 nhóm mục tiêu chính (the Danish Government, 2018) gồm: (1) Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp với tư cách là động lực chính cho quá trình chuyển dịch sang KTTH; (2) Hỗ trợ KTTH thông qua dữ liệu hoá và số hoá về quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng của sản phẩm; (3) Thúc đẩy KTTH thông qua thay đổi thiết kế, cấu tạo sản phẩm nhằm nâng cao bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng; (4) Hình thành thói quen tiêu dùng mới thông qua KTTH; (5) Tạo lập thị trường cho rác thải công nghệp, nguồn nguyên liệu thô; (6) Gia tăng giá trị của các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thực vật.

Để theo dõi tiến trình và mức độ hiệu quả của việc thực hiện KTTH, Đan Mạch sử dụng 2 thước đo sau là: (i) Năng suất nguồn tài nguyên (đo lường giá trị kinh tế tạo ra từ các nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất, được tính toán bằng cách lấy tiêu thụ nguyên liệu nội địa chia cho GDP); (ii) Tỷ lệ tái chế trong tổng lượng phế thải.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam - Ảnh 2

Thụy Điển

Thụy Điển là quốc gia nhỏ và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, do đó, EU đóng vai trò quan trọng trong hình thành thị trường tiêu thụ bền vững các sản phẩm, dịch vụ tuần hoàn của doanh nghiệp Thụy Điển.

Hướng tới các mục tiêu của phát triển KTTH, Chính phủ Thụy Điển xác định 4 yếu tố trọng tâm của kế hoạch phát triển KTTH gồm: (1) KTTH thông qua cải tiến thiết kế sản phẩm và chu trình sản xuất bền vững. Các DN được khuyến khích sử dụng các nguyên liệu có thể tái chế vào sản xuất, giảm lượng nguyên liệu sử dụng, tránh nguyên liệu thừa, sản phẩm sản xuất ra nên có độ bền cao, dễ sửa chữa, nâng cấp; (2) Triển khai KTTH thông qua định hướng tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả tư và công, cũng phải theo hướng tiêu dùng bền vững; (3) Sản phẩm và nguyên vật liệu cũng nên được tái luân chuyển trong các chu trình tuần hoàn; (4) Thúc đẩy ứng dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn và không ngừng cải tiến trong vận hành sản xuất, kinh doanh là công cụ giúp tiến dần tới KTTH và mối liên hệ chặt chẽ với 3 trọng tâm còn lại của KTTH.

Ngoài việc xác định các trọng tâm chính, Chính phủ Thuỵ Điển cũng ưu tiên thực hiện đối với một số lĩnh vực trước, sau đó lan toả sang toàn bộ các ngành, nghề trong nền kinh tế để đạt được hiệu quả tối ưu. Trong quá trình tiến dần tới KTTH, các bộ chỉ tiêu, thước đo cũng được Thụy Điển sử dụng để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh kịp thời các giải pháp thực hiện KTTH (the Government Offices of Sweden, 2020).

Mỹ

Theo nghiên cứu năm 2019 của ING, các doanh nghiệp Mỹ xem các hoạt động KTTH như quy tắc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 300 doanh nghiệp tham gia khảo sát đến từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau, kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 công ty thì có 4 công ty thể hiện quan điểm tích cực đối với mô hình KTTH, trong đó 62% các doanh nghiệp cho biết có kế hoạch triển khai mô hình KTTH và 16% doanh nghiệp hiện đã đang thực hiện (ING, 2019). Số lượng các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững cũng gia tăng đáng kể, với 85% doanh nghiệp được khảo sát trong năm 2019 cho biết đang đưa yếu tố phát triển bền vững vào quá trình xây dựng quyết định chiến lược.

Theo Circular Colab (2018), 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, 88% người tiêu dùng sẽ gắn bó với doanh nghiệp tích cực bảo vệ môi trường và lợi ích xã hội bền vững, 76% người tiêu dùng sẽ rời bỏ các đơn vị cung ứng với những tôn chỉ hoạt động và hoạt động trái ngược với kỳ vọng của người tiêu dùng… Hành vi tiêu dùng này sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng tích cực tiếp cận, ứng dụng mô hình KTTH trong hoạt động kinh doanh của mình. Circular Colab, 2018) cho rằng, một trong những rào cản lớn đối với phần lớn DN Mỹ chưa định hướng rõ ràng xu hướng dịch chuyển sang mô hình KTTH, bởi đây là mô hình kinh doanh mới với thiết kế sản phẩm mới và có nguy cơ rủi ro kinh doanh cao nếu DN không hoàn toàn hiểu, thích ứng và vận hành thành công mô hình kinh doanh mới này.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, khái niệm KTTH được các nhà nghiên cứu tại nước này đề cập đến từ năm 1998 (Zhu, 2008), sau đó chính thức được Chính phủ quan tâm, coi là chiến lược phát triển quốc gia lâu dài, nhằm cân bằng việc tăng trưởng kinh tế nóng và sự thiếu hụt năng lượng, nguyên vật liệu của quốc gia này (Su và Zhou, 2005). Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng, với việc tiếp cận phát triển kinh tế mới, sẽ góp phần gia tăng hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế, giảm tác động xấu đến môi trường và hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

Năm 1999, Cục Bảo vệ môi trường quốc gia là cơ quan đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy việc phổ biến về KTTH, với nhiều động thái tích cực, đặc biệt là việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp sinh thái, nhằm tạo sự thuận tiện cho việc tận dụng các nguồn tài nguyên mà các doanh nghiệp khác nhau sử dụng trong quá trình hoạt động. Đến năm 2004, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc nhấn mạnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch phát triển hàng năm, kế hoạch trung và dài hạn của đất nước đều phải gắn liền với phát triển KTTH.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam - Ảnh 3

Ở Trung Quốc, phát triển KTTH được phân chia thành 3 góc độ sau: (1) Các doanh nghiệp được yêu cầu hoặc khuyến khích được thực hiện kiểm toán “sản xuất sạch hơn”. Kể từ khi Luật Thúc đẩy sản xuất sạch hơn được áp dụng từ năm 2003, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện kiểm toán theo tiêu chuẩn “sản xuất sạch hơn” nhằm tránh áp lực từ giới truyền thông trong nước về vấn đề bảo vệ môi trường. Qua đó, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được gán các mác với màu sắc khác nhau trên sản phẩm như xanh lá, xanh da trời, vàng, đỏ và đen; tương ứng mức tốt nhất và tồi nhất đối với tác động tới môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm; (2) Phát triển mạng lưới khu công nghiệp sinh thái nhằm tạo ra hệ thống sản xuất tập trung để bảo vệ môi trường. Trong các khu công nghiệp sinh thái này, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ về năng lượng, cơ sở hạ tầng, sản phẩm làm ra và các chất thải tái chế. Với sự ủng hộ từ Chính phủ, hiện nay tại Trung Quốc có trên 100 khu công nghiệp và số lượng tiếp tục tăng lên theo thời gian; (3) Chính phủ Trung Quốc xây dựng chiến lược xây dựng thành phố sinh thái, khu đô thị sinh thái, hoặc địa phương sinh thái. Động thái này nhằm tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên ở cấp độ địa phương đến toàn quốc, bao gồm cả khâu sản xuất và tiêu dùng sản phẩm(Yuan, 2006).

Singapore

Trước khi khái niệm KTTH ra đời, Singapore xử lý chất thải bằng phương pháp đốt, nhằm tạo năng lượng từ đồ phế thải (WTE). Nhà máy đốt WTE đầu tiên được Singapore xây dựng vào năm 1979, với chi phí 130 triệu USD, xử lý đến 90% tổng rác thải của quốc gia này (Hannon and Zaman, 2018). Qua thời gian, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Chính phủ và người dân Singapore nhận thấy cần phải có phương án hành động. Theo đó, tại đảo Semakau, có khoảng 350 ha dành để chứa khoảng 200.000 tấn chất thải thể rắn và tro đốt từ nhà máy WTE. Từ năm 1999 đến nay, các nhà khoa học ghi nhận, có khoảng 700 loài động thực vật đã biến mất khỏi đảo Semakau (Zero Waste Masterplan, 2021). Với dự báo năng lực chứa chất thải đốt và chất thải rắn của đảo Semakau chỉ đến năm 2035; điều này càng thúc giục Chính phủ Singapore hành động mạnh mẽ hơn.

Năm 2019, Singapore bắt đầu chiến dịch không rác thải bằng cách tái sử dụng và tái chế với trọng tâm là các rác thải điện tử, giấy và thực phẩm (Franco García và các cộng sự, 2019). Với việc áp dụng những quy định ngặt nghèo trong KTTH, Singapore kỳ vọng sẽ tái chế khoảng 70% tổng lượng rác thải trong 50 năm, kể từ năm 2007. Thực tế, nỗ lực tái chế rác thải của nước này đã tăng từ 54% lên 58% trong giai đoạn 2007-2010. Cũng trong thời gian này, việc đốt rác và chôn lấp rác cũng giảm lần lượt từ 42% xuống 40% và từ 3% xuống 2%.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai KTTH tại Singapore, đặc biệt là khâu thu thập và phân loại rác. Chính phủ nước này lo ngại rằng, những công nhân thu gom rác sẽ bị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nếu trong quá trình thu gom và xử lý rác không được đảm bảo an toàn. Tuy vậy, có thể thấy rằng, hiệu quả của các chương trình thúc đẩy KTTH của Singapore đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận (Franco García và các cộng sự, 2019).

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam - Ảnh 4

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm phát triển KTTH tại một số quốc gia trên thế giới, nhóm tác giả rút ra một số bài học cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển mô hình KTTH như sau:

Thứ nhất, định hướng, chiến lược rõ ràng về KTTH từ Chính phủ và các cơ quan quản lý cấp vĩ mô đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, khuyến khích các thành phần kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều chỉnh các hành vi, hoạt động kinh tế hướng tới KTTH.

Kinh nghiệm xây dựng KTTH của EU, Mỹ, Trung Quốc và Singapore cho thấy, cần xây dựng chiến lược dài hạn với các mục tiêu chiến lược, lộ trình thực hiện chi tiết và các sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, các sáng kiến hỗ trợ tài chính cần được triển khai quy mô hơn và cần thiết huy động nhiều nguồn lực trong nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiến trình thực hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các nguồn tài chính tư nhân, thông qua gọi vốn cộng đồng, thay vì lệ thuộc vào nguồn tài trợ, trợ cấp từ phía ngân sách, quỹ tài chính nhà nước.

Thứ hai, xây dựng kênh hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH. Thực tiễn triển khai các sáng kiến KTTH tại EU cho thấy, kênh hỗ trợ này sẽ giải quyết được các thắc mắc của doanh nghiệp về KTTH, tư vấn DN ứng dụng chuyển đổi KTTH phù hợp với mô hình và chiến lược kinh doanh của DN, bao gồm cả vấn đề liên quan tới vấn đề pháp lý như mô hình kinh doanh nào hay sản phẩm nào đáp ứng được tiêu chuẩn của KTTH.

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi dần mô hình kinh doanh. Mục tiêu là chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống và cải tiến sản phẩm sang các sản phẩm tuần hoàn, ít phụ thuộc vào nguyên liệu thô sơ cấp, cũng như sản phẩm tối ưu hoá mục đích sử dụng, dễ thay thế, sửa chữa hay tái sử dụng.

Thứ tư, định hướng và thúc đẩy dịch chuyển nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tuyến tính sang sản phẩm tuần hoàn thông qua giáo dục kiến thức về KTTH và lợi ích KTTH. Trong quá trình này, việc tăng cường truyền thông, triển khai các khoá học, chuyên đề, lồng ghép hợp lý vào các trình đào tạo từ bậc tiểu học tới đại học để gia tăng nhận thức của công chúng về KTTH và giá trị, vai trò của KTTH đối với tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiểu biết về KTTH và trao đổi kinh nghiệm xây dựng, phát triển KTTH. Việc thực hiện trao đổi công nghệ, kiến thức về KTTH sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.        

Tài liệu tham khảo:

1.Các luật: Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Luật Khoáng Sản năm 2010; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Đất đai năm 2013;

2.Circle Economy (2018), The Circularity Gap Report: Our World Is Only 9% Circular, Retrieved on 21 June 2021 from: https://www.circle-economy.com/news/the-circularity-gap-report-our-world-is-only-9-circular#.XFHdGc_7RQI;

3.Cicular Colab (2018), The State of the Circular Economy in Amercia: Trends, Opportunities, and Challenges, Retrieved on 21 June 2021 from:https://static1.squarespace.com/static/5a6ca9a2f14aa140556104c0/t/5c09d8c3f950b7546592158d/1544149193393/US+CE+Study_FINAL_2018.pdf;

4.Ellen MacArthur Foundation (2012),Towards the Circular Economy Vol. 1: an economic and business rationale for an accelerated transition, Retrieved on 21 June 2021 from: https://www.ellenmacarthurfoundation.org/publications/towards-the-circular-economy-vol-1-an-economic-and-business-rationale-for-an-accelerated-transition;

5.European Union (EU) (2021a), Circular Economy: Definition, Importance, and Benefits, Retrieved on 21 June 2021 from: https://www.europarl.europa.eu/news/en/headlines/economy/20151201STO05603/circular-economy-definition-importance-and-benefits;

6.European Union (EU) (2021b), Circular Economy Action Plan, Retrieved on 21 June 2021 from: https://ec.europa.eu/environment/strategy/circular-economy-action-plan_en.

(*)ThS. Phạm Tiến Mạnh, ThS. Ngô Thị Hằng - Học viện Ngân hàng

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2021