Chuyển đổi số bất động sản: Xu thế cần thiết của thị trường
Công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về bối cảnh và sự cần thiết của chuyển đổi số bất động sản.
Ngày 7/10, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land tổ chức Hội nghị "Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam”.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia về kinh tế, bất động sản, công nghệ cùng lãnh đạo các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số bất động sản Việt Nam đang nhanh hay chậm?
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, bối cảnh khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng các hoạt động điều chỉnh chính sách đã gây ra những tác động nhất định tới thị trường bất động sản.
TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường đang phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn, khó khăn cần phải vượt qua. Theo đó, xu hướng mới của thị trường về việc ứng dụng các công nghệ vào lĩnh vực bất động sản sẽ gia tăng so với thực tế đang rất thấp hiện nay, từ đó sẽ tạo đà cho thị trường phục hồi và phát triển bền vững.
Nhìn nhận thực tế, thời gian qua, để thích ứng cũng như nắm bắt được cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới chuyển đổi số.
Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác chuyển đổi số của thị trường bất động sản hiện nay ở góc độ nào đó vẫn rất chậm so với các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động của thị trường.
Nhìn nhận thực tế, thời gian qua, để thích ứng cũng như nắm bắt được cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới chuyển đổi số.
Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác chuyển đổi số của thị trường bất động sản hiện nay ở góc độ nào đó vẫn rất chậm so với các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động của thị trường.
“Riêng trong lĩnh vực bất động sản, việc chuyển đổi số là tất yếu mang tính sống còn. Nhưng chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ.
Thực tế hiện nay, việc xác định quyền sử dụng đất, đánh giá thuế nhà, thuế chuyển nhượng vẫn đang rất khó khăn, chưa có cách xác định giá chính xác vì chưa có các số liệu về giao dịch bất động sản thực tế. Do đó, trước tiên, cần có hệ thống thông tin chuẩn xác nhất về thị trường mới thực hiện được”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, để khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều thứ nhưng chắc chắn là việc ứng dụng công nghệ bất động sản chưa đủ như mong đợi.
“Điều này còn phụ thuộc vào tư duy, chính sách, kỹ năng, phần mềm… Đằng sau đó chúng ta phải hiểu cuộc cách mạng này không phải thuần túy là công nghệ mà là cách mạng về thể chế (chính sách, cách làm, quy định…)”, ông Thành nói thêm.
Cần cả một quá trình để chuyển đổi số thành công
TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân khiến bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực chậm chân trong vấn đề chuyển đổi số, trước hết nằm ở nhu cầu chuyển đổi số. Chúng ta đang thiếu một lượng dữ liệu lớn - Big Data. Khi Big Data còn thiếu thì sẽ khó để chuyển đổi số.
Thứ hai là vấn đề an ninh, bảo mật. An ninh và bảo mật không tốt sẽ đem đến nguy hiểm rất lớn cho việc áp dụng công nghệ. Thứ ba là vấn đề liên quan đến đầu tư, nhân lực. Khi áp dụng chuyển đổi số thì hiệu quả sẽ tăng lên, đồng thời nhân lực sẽ bị đào thải rất nhiều. Thứ tư là vấn đề kết nối công nghệ, chọn lựa công nghệ. Nếu công nghệ không đủ tốt thì cũng không thực sự hiệu quả, thậm chí là sẽ dẫn tới một loạt những đổ vỡ khác.
“Chuyển đổi số bất động sản là một hành trình dài. Ở đó doanh nghiệp không chỉ phải nỗ lực không ngừng mà còn cần có một chiến lược chuyển đổi số cụ thể, rõ ràng dựa trên những phân tích thực tế cũng như sự kiên định, quyết đoán trong quá trình triển khai”, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Công Chính - Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ rằng, công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp thực sự rất vất vả. Nguyên nhân là do hiện nay khách hàng vẫn chuộng thanh toán tiền mặt bởi khi giá trị giao dịch lớn thì chi phí thanh toán online rất cao.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển nhân sự giữa các công ty cũng là một trong những thách thức khiến việc đào tạo về ứng dụng công nghệ số trở nên kém hiệu quả. Nhấn mạnh thêm điều này, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land cho biết, thị trường bất động sản đang có nhiều vấn đề mà ngay các hiệp hội hành nghề, cơ quan Nhà nước cũng nhìn thấy điều này và đau đáu tìm kiếm các giải pháp để đưa thị trường phát triển phù hợp, lành mạnh và bền vững.
“Với doanh nghiệp bất động sản, thực hiện chuyển đổi số rất khó bởi không tìm được người làm về công nghệ cho bất động sản. Đó là những người chỉ đạo đường hướng thực hiện về công nghệ nhưng có tư duy của bất động sản.
Các doanh nghiệp hiện nay thường thành lập bộ phận công nghệ riêng để phát triển ứng dụng nhận được những phản hồi hay tiêu chí tìm kiếm sản phẩm của khách hàng. Tuy nhiên, bộ phận công nghệ tại doanh nghiệp lại khá yếu và thực sự không có nhiều nhân lực để phát triển. Nếu trong trường hợp các doanh nghiệp không thể làm được tốt hơn, tôi cho rằng doanh nghiệp có thể ký kết với một đơn vị bên ngoài để có hệ thống chuyên nghiệp về công nghệ”, ông Chung nói.
Là đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, Meey Land với hệ sinh thái công nghệ bất động sản gồm 26 sản phẩm chuyên biệt ở nhiều mảng có thể giúp giải quyết bài toán về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản, góp phần tăng tính thanh khoản, gia tăng tính minh bạch trong các giao dịch bất động sản… Trong đó, Meey CRM và Meey Map là những sản phẩm gây được sự chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây.
Chuyển đổi số nên bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo
Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số thành công thì không có khuôn mẫu nào mà cần định hướng rõ ràng theo từng chiến lược phát triển và ứng dụng của doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề. Do tính đặc thù nên mỗi doanh nghiệp không thể bê khuôn mẫu chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp này để ứng dụng sang doanh nghiệp, đơn vị, lĩnh vực khác.
“Quan trọng, không phải khi nói “tôi chuyển đổi số là đã chuyển đổi số được ngay”, mà đó là cả quá trình kéo dài. Tôi cho rằng, chuyển đổi số trong tư duy của người lãnh đạo là quan trọng, tư duy để hiểu được khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với cả quá trình thực hiện chuyển đổi số”, ông Nguyễn Công Chính nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách. Cần phải có sự vào cuộc của hệ thống chính quyền đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác chính là kinh phí. Nếu phải bỏ quá nhiều tiền nhưng rủi ro trên 50% thì rất ít doanh nghiệp dám tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần có sự cân đối một cách chi tiết của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.
TS. Võ Trí Thành phân tích thêm, điều kiện cần để chuyển đổi số thành công là phải có tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo đứng đầu, đồng thời phải gắn chiến lược chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh thực của doanh nghiệp. Ông Thành cũng cho rằng, phải bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất và làm theo một cách tốt nhất. Trong đó, phải tạo ra dòng tiền để có vốn đầu tư.
“Có thể thấy, muốn chuyển đổi số thành công theo nghĩa lớn thì cần quyết tâm, quyết liệt, từ những vấn đề lớn lao cho đến những vấn đề nhỏ mang tính đặc thù của ngành bất động sản như: Giá trị tài sản lớn, tính thanh khoản không cao, cần nhiều dữ liệu và tạo dựng lòng tin đối với khách hàng… Điều quan trọng nhất, theo tôi là phải tăng cường hợp tác. Các doanh nghiệp đừng ôm đồm hết một mình. Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Còn muốn đi vừa nhanh, vừa xa thì phải “ôm” nhau”, TS. Võ Trí Thành kết luận.