Chuyên gia quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam
(Tài chính) Bên cạnh việc các hãng đánh giá tín nhiệm nâng mức đánh giá kinh tế Việt Nam gần đây, một số chuyên gia quốc tế cũng đã nêu những nhận xét tích cực về công tác điều hành và những động thái mạnh trong cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Chuyên gia này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam những năm tới sẽ dao động từ 6-7% nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Bill Witherell, năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã có bước tiến tích cực và quan trọng trong điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó, điểm quan trọng là Nhà nước Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện nay.
Việc nới lỏng các quy định cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào doanh nghiệp trong nước cùng với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng là một động thái tích cực giúp cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Cũng theo chuyên gia này, môi trường đầu tư ở Việt Nam đóng vai trò trung tâm cho tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia. Chi phí còn khá thấp hiện nay của Việt Nam đang là động lực đầu tư quan trọng của các công ty phương Tây cũng như các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ở khía cạnh tương tự, xin dẫn một số đánh giá của chuyên gia Pavel Vinogradov, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới đa cực (Nga) về kinh tế Việt Nam năm 2014 trong bài viết: “Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào?", cho biết mặc dù năm 2014 vẫn chưa kết thúc, song giới chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tiến hành đánh giá kết quả nền kinh tế thế giới cũng như các quốc gia trong năm 2014, một năm được coi là khủng hoảng. Các chuyên gia nhấn mạnh trong số các “con hổ châu Á” cả cũ lẫn mới, Việt Nam đang thu hút được sự chú ý như một điển hình tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi giữ được tăng trưởng ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam với số dân 90 triệu người đang nằm trong danh sách 10 quốc gia phát triển năng động nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây liên tục đạt trung bình 7-8%, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Hiện nay, các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu. Nhiều nhà khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ cao đã và đang tích cực đưa sản xuất đến Việt Nam vì giá nhân công cạnh tranh và môi trường chính trị ổn định.
Các lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Việt Nam là khai thác và chế biến dầu khí, chế tạo máy và sản xuất đồ điện tử. Trong đó, riêng lĩnh vực công nghệ thông tin có tốc độ phát triển 16%/năm, đứng thứ 5 trên thế giới (sau Trung Quốc, Argentina, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ).
Mới đây, Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ. Cơ quan này cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt sau từng năm, sau khi Việt Nam tiến hành cải cách các lĩnh vực thuế, pháp luật hải quan, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hiểm. Các chuyên gia đánh giá chính những yếu tố này đã khiến các nhà đầu tư quốc tế chú ý.
Theo chuyên gia Pavel Vinogradov, trong các dự báo về triển vọng kinh tế, các tổ chức quốc tế như WB, ADB, HSBC, S&P, Moody’s, Ernst&Young cho rằng tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam ở mức 5,4-5,6%, đạt mức 6% trong năm 2015 và tăng lên 6-7% trong giai đoạn 2016-2017.