Chuyển nợ thành cổ phần, ngân hàng liệu có cán đích nợ xấu 3%?
(Tài chính) Theo thống kê tính đến giữa tháng 9/2014 nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang là 5,43%. Tuy nhiên theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nợ xấu tính đến hết tháng 9 đang là 8%. Như vậy để có thể giảm số nợ này về mức 3% là một điều không hề dễ dàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải tìm các giải pháp chạy “nước rút” để về đích.
Từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn, tồn tại tích tụ từ lâu của nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo những tác động tiêu cực đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng khá mạnh mẽ.
Nợ xấu gia tăng đã gây ra những tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế cũng như an toàn hoạt động ngân hàng.
Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng hiện nay đó là phải tiến hành xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống đến năm 2020.
Hiện hệ thống ngân hàng đang đưa ra 4 hướng giải pháp xử lý nợ xấu, đó là trích lập dự phòng rủi ro, phát mại tài sản, bán cho VAMC và chuyển nợ thành cổ phần. Tuy nhiên, trong những giải pháp trên đã có 3 giải pháp gần như không mang lại hiệu quả.
Còn lại giải pháp cuối cùng mà NHNN đang phải tính đến đó là chuyển nợ thành cổ phần để có thể về đích nợ xấu 3% trong năm 2015.
Theo thống kê tính đến giữa tháng 9/2014 nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo báo cáo của các TCTD đang là 5,43%. Tuy nhiên theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nợ xấu tính đến hết tháng 9 đang là 8%.
Như vậy để có thể giảm số nợ này về mức 3% là một điều không hề dễ dàng, NHNN đang phải tìm các giải pháp chạy “nước rút” để về đích. Chính vì vậy, giải pháp cơ cấu nợ theo hướng chuyển thành cổ phần có thể sẽ mở rộng với nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đơn cử như vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về việc đồng ý với chủ trương để Vietinbank trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines và các công ty thành viên thông qua chuyển khoản nợ hơn 5.000 tỷ đồng (tương đương 235 triệu USD) tại Vinalines.
Nếu khoản nợ này được chuyển thành cổ phần sẽ có lợi cho cả Vietinbank và Vinalines. Đối với Vietinbank giải pháp này sẽ giúp ngân hàng xử lý được khoản nợ xấu đã đeo bám lâu nay. Về phía Vinalines giải pháp này sẽ giúp Tổng công ty và các công ty thành viên giảm bớt gánh nặng tài chính nhất là trong điều kiện tập đoàn này đang nợ nần chồng chất mà chưa có nguồn trả.
Hay một ví dụ điển hình khác đó là cặp đôi ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco).
Do gặp khó khăn và bị thua lỗ, số nợ mà Bianfishco nợ ngân hàng và người dân bán cá tăng khá lớn. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này SHB đã quyết định chuyển khoản nợ thành vốn góp cổ phần. Theo đó SHB chính thức trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này.
Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế giải pháp này cũng mang lại khá nhiều rủi ro cho ngân hàng bởi trực tiếp đem một khoản vốn huy động lớn đi đầu tư kinh doanh.
Dù vậy, giải pháp này sẽ mang lại không ít rủi ro cho ngân hàng, nhất là rủi ro về kỳ hạn. Bởi ngân hàng là đơn vị trung gian huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp, nếu trực tiếp đem đi kinh doanh sẽ rất rủi ro, việc các ngân hàng tự huy động vốn rồi lại đem đi kinh doanh, sản xuất kinh doanh là không hợp lý.
Việc chuyển nợ thành cổ phần được coi là một trong những biện pháp nhanh chóng, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cả người vay và người nợ. Tuy nhiên, nên để cho SCIC đứng ra đầu tư vào doanh nghiệp thay vì để các ngân hàng trực tiếp đầu tư. Đây cũng là lĩnh vực chuyên môn của SCIC và việc đầu tư sẽ có hiệu quả hơn cũng như bớt rủi ro cho ngân hàng.
Việc chuyển nợ thành cổ phần là một giải pháp vẫn còn đang khá mới mẻ ở Việt Nam vì thế cách thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất tránh rủi ro đáng tiếc vẫn sẽ là một câu chuyện đáng nói. Khi thực hiện chuyển nợ cần thiết phải công khai minh bạch thông tin cả con nợ lẫn chủ nợ để các cổ đông khác và xã hội giám sát.
Liệu khi thực hiện phương án trên, ngân hàng đã suy tính cho quyền lợi của mọi cổ đông? Thêm vào đó khi trở thành cổ đông lớn, các ngân hàng liệu có đủ bộ máy và năng lực để tham gia cơ cấu, giám sát lại hoạt động của doanh nghiệp? Liệu có cơ chế nào để ngăn chặn việc ngân hàng rót vốn cho các công ty con hoạt động kém hiệu quả, nhằm tạo ra lợi ích nhóm, nhất là hiện nay nợ xấu không chỉ ngân hàng mà cả nền kinh tế phải gánh chịu.
Nếu chỉ nhìn qua có thể đánh giá việc chuyển nợ thành cổ phần rất tốt tạo ra lợi ích cho cả hai bên tuy nhiên nếu nhìn kỹ thì cần nhiều thời gian để trả lời.