Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng: Chủ động thích ứng trong hội nhập kinh tế quốc tế

Theo Nhân dân Điện tử

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp (DN) trong nước càng phải chịu sức ép cạnh tranh tăng lên từ các DN và hàng hóa nước ngoài. Ðây là thách thức cho sự phát triển dài hạn, bền vững của DN, đòi hỏi DN không thể không thay đổi mạnh bằng cách tái cơ cấu.

 Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng: Chủ động thích ứng trong hội nhập kinh tế quốc tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sức ép cạnh tranh tăng lên

Một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) về đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau năm năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2007 - 2011 của nước ta đạt 19,5%/năm, thấp hơn so với mức tăng bình quân 21,5%/năm trong giai đoạn năm năm trước khi gia nhập WTO.

Báo cáo này đánh giá, thành tựu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam do yếu tố chính là tăng trưởng thương mại toàn cầu và tự do hóa, cải thiện khả năng cạnh tranh. Dường như gia nhập WTO chưa mang lại lợi ích đáng kể đối với tăng trưởng xuất khẩu, hoặc DN nước ta chưa tận dụng được đáng kể cơ hội mới từ các nền kinh tế thành viên WTO.

"Hơn năm năm trước đây, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, DN nào cũng hào hứng, phấn khởi. Thế nhưng, sau năm năm nhìn lại, những kết quả đạt được không hề như mong đợi, trong khi thách thức ập tới DN lại rất lớn", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định. Chính vì thế, DN rất cần những thông tin cảnh báo, nhất là về những thách thức mà DN sẽ phải đối mặt khi thực hiện những cam kết quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lấy dẫn chứng, năm 2015 sẽ là thời điểm một loạt các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm thuế mạnh theo các cam kết quốc tế, chẳng hạn như theo cam kết WTO, thuế suất MFN sẽ giảm từ 17,4% xuống còn 13,4%. Bên cạnh đó theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) thì thuế suất hàng hóa của những đối tác cạnh tranh của DN Việt Nam cũng sẽ được giảm mạnh. Như vậy, hàng hóa Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn cả ở thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Ðó là chưa kể những sân chơi mới mà Việt Nam đang chuẩn bị tham gia như Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc; Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... "Liệu thời gian còn lại có đủ để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức mới không?", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trăn trở.

Cơ hội cho DN ở những sân chơi mới là rất lớn nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Ðức Thuấn thì thách thức cũng không hề nhỏ. Ðiển hình như hiệp định thương mại tự do với EU nếu được ký kết thì bên cạnh những thuận lợi, ngành da giày Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước ASEAN có ngành da giày phát triển như In-đô-nê-xi-a, Thái-lan...

Không chỉ vậy, mức thuế nhập khẩu hàng giày dép của châu Âu vào Việt Nam sẽ còn 0% càng gây khó khăn cho sản xuất da giày trong nước do tâm lý người Việt Nam chuộng hàng xuất xứ từ châu Âu, hàng sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh lại...

Hay với TPP, nếu đàm phán thành công, giày dép Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, thay vì mức 13-14% như hiện nay. Nhưng ngược lại, các thương hiệu giày lớn của Mỹ cũng có thể "đổ bộ" vào Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế không phải chỉ là cơ hội gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn là thách thức hiển hiện: DN trong nước bị DN nước ngoài lấn át.

Khoảng trống về hiểu biết các cam kết

Nhìn nhận năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của DN Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tư duy và năng lực chủ động, sáng tạo, thích ứng trong hội nhập quốc tế của DN chưa cao, thiếu tầm nhìn và những chiến lược cạnh tranh.

Bên cạnh đó, DN hiểu biết ít, không sâu về những cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như luật pháp, chính sách của các nước bạn hàng, các tổ chức kinh tế quốc tế liên quan. "Tôi thật sự lo lắng về khoảng trống hiểu biết của các DN đối với những nội dung cụ thể của các cam kết thương mại trong khuôn khổ các hiệp định mà Việt Nam ký với các nước. Những trường hợp DN Việt Nam bị kiện bán phá giá cá tra, cá ba sa... cho thấy DN cần nắm rõ thông tin cụ thể về thị trường, luật pháp của các nước để tránh bị khởi kiện tại thị trường nước ngoài", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.

Cùng chung quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình Diệp Thành Kiệt cho rằng, DN rất cần được hỗ trợ thông tin. Những thông tin tổng quát về các hiệp định DN đều biết nhưng những nội dung cam kết cụ thể trong từng hiệp định thì DN hầu như không nắm được. Bên cạnh đó, DN cũng rất cần được tham vấn để DN có thể phân tích lợi thế so sánh, định vị thị trường. Chẳng hạn, Việt Nam đang đàm phán TPP, DN cần phải chuẩn bị những gì, liệu có "quay ngoắt" sang thị trường Mỹ không hay thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục duy trì thị trường châu Âu...

Phó Tổng Giám đốc Diệp Thành Kiệt nhớ lại, hồi mở thị trường châu Âu, các DN da giày Việt Nam ồ ạt làm hàng xuất khẩu sang thị trường này. Thế nhưng khi bất ngờ bị châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với giày, mũ da nhập khẩu của Việt Nam, không ít DN da giày Việt Nam đã lao đao, khổ sở...

Với thị trường trong nước, sự đổ bộ của các DN và hàng hóa nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc và các nước ASEAN đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng lớn cho các DN trong nước. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái Phạm Ðình Ðoàn, môi trường kinh doanh hội nhập tạo ra các cuộc cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các DN phải hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn và quan trọng là phải có một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, lâu dài. DN Việt Nam cần tránh cạnh tranh trực tiếp, lựa chọn thị trường ngách, tập trung vào những thế mạnh của mình, xây dựng kế hoạch dài hạn, chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính phù hợp, đồng thời học hỏi, tham khảo mô hình thành công của DN các nước chung quanh. DN đều nhận thấy rõ những yêu cầu và thách thức cho phát triển dài hạn của mình và không thể không thay đổi mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bản thân DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới. Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam. Song, không chỉ cơ hội, các DN cũng phải đối mặt với không ít thách thức gay gắt. Thành công của việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của bản thân DN.