Cơ cấu lại ngành kinh tế theo cụm để tạo sự đột phá cho sự phát triển
Việc cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế, tăng cường sức cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, sáng 6/9.
Mặc dù quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế tại Việt Nam đã thu được những thành quả nhất định, song vẫn tồn tại một những hạn chế như: Quá trình cơ cấu tại một số ngành diễn ra còn chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa vững chắc,...
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Đặng Đức Anh nhận định, thực tế việc cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành giai đoạn 2016 - 2020 đã thu được những kết quả quan trọng. Việc liên kết theo ngành, vùng, cụm kinh tế được đẩy mạnh mẽ. Cơ cấu ngành được thực hiện theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thị trường, sản phẩm xuất khẩu đa dạng,…
Tuy nhiên, việc nâng cấp ứng dụng những thành quả của công nghệ đổi mới sáng tạo chưa cao, thiếu tính chủ động. Chưa hình thành được nền kinh tế năng động, chưa có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu lại các ngành kinh tế. Về xuất khẩu, ít hình thành các sản phẩm mới, ngành nghề mới,...
“Đặc biệt, các mối liên kết với các nước phát triển, các cụm ngành kinh tế chưa đủ mạnh. Năng suất lao động chưa được cải thiện đáng kể. Tính độc lập và chống chịu của nhiều ngành còn thấp, thị trường chưa đa dạng, thiếu tính liên kết hệ thống, phục thuộc nhiều vào biến động cung cầu thị trường thế giới, biến động về giá,…”, TS. Đặng Đức Anh khẳng định.
Tại Hội thảo các chuyên gia cũng chỉ ra, việc cơ cấu ngàng công nghiệp theo hướng tăng cường tính liên kết, cụm liên kết còn nhiều hạn chế. Các khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu phát triển đa lĩnh vực, chưa hình thành được các tác nhân lõi để phát triển cụm liên kết như, dự án có quy mô lớn, đối tác đầu tư nước ngoài chiến lược,… nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa phát triển.
Bên cạnh đó, thực trạng phân bổ không gian của các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế và vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương, chưa hình thành được các chuỗi liên kết ngành công nghiệp.
“Việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực sự gắn với cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá, chưa xây dựng được các tổ hợp công nghiệp chuyên môn hoá thực chất tại các khu vùng tập trung công nghiệp; chưa tạo ra được hệ sinh thái bộ gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp cung ứng, nhà cung cấp linh kiện, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, tài chính, khoa học công nghệ”, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) Ths. Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.
PGS. TS Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định, giai đoạn vừa qua việc liên kết các vùng kinh tế ở Việt Nam chưa tốt, sức chống chịu còn hạn chế, do đó, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế là hết sức cần thiết.
“Trong điều kiện mới như hiện nay, để tăng cường việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần điều tiết dòng chảy nguồn lực kinh tế cho phù hợp và hiệu quả. Lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tìm kiếm, mở rộng thị trường cho phát triển cụm liên kết ngành kinh tế,… Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn,.. Đặc biệt, cần chỉ rõ đâu là nguyên nhân khiến việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng lỏng lẻo.”, PGS. TS Lê Xuân Bá nhấn mạnh.
Bà Trương Thị Thu Trang (Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) chia sẻ, cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn vừa qua có nhiều thay đổi tích cực. Có sự chuyển dịch cơ cấu sang ngành có giá trị cao hơn, đầu tư tư nhân tăng,… Dù đại dịch Covid -19 tác động tiêu cực trong thời gian dài, nhưng xuất khẩu nông nghiệp vẫn tăng mạnh, có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
“Mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới là xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững,… Định hướng của ngành nông nhiệp là tiếp tục cơ cấu lại sản xuất. Hoàn thiện các khâu đầu vào phụ vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững. Đặc biệt, chú trọng xây dựng vùng chuyên canh, phát triển chuỗi, ứng dụng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Phát tiển kinh tế nông nghiệp tạo việc làm và tăng thu nhập cho các dân cư nông thôn… Tuy nhiên, để xây dựng cụm ngành nông nghiệp một cách hiệu quả cần dựa vào điều kiện tự nhiên cụ thể của Việt Nam, đồng thời xem xét sự gắn kết trong tỉnh, liên tỉnh và giữa các vùng để tạo sự gắn kết vùng sản xuất - chế biến - thị trường,…