Tập trung phát triển cụm cảng biển
Trước tình trạng quá tải hàng hóa và vượt mốc so quy hoạch, TP Hồ Chí Minh đề xuất một loạt giải pháp thực hiện để đưa hệ thống cảng biển trở thành cụm cảng hàng hóa lớn của cả nước và khu vực. Điểm nhấn trong đó là phát triển cảng Cần Giờ, mở đường nối cao tốc với cảng Cát Lái, xây cầu Cát Lái… để đáp ứng mục tiêu đề ra.
Cần thiết phải hình thành
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố tăng trưởng bình quân giai đoạn năm 2015-2020 là 7,34%; giai đoạn năm 2021-2025 dự kiến là 5%. Năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đạt hơn 164 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch đến năm 2020 (116,94 triệu tấn), vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030 (159,98 triệu tấn).
Cũng theo Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, cảng Cát Lái là cảng lớn nhất nước với sản lượng hàng hóa chiếm 85% so với các cảng phía nam và 50% cả nước. Điều đáng nói, hiện nay, cảng Cát Lái đã vượt 100% công suất quy hoạch. Trong khi, hạ tầng giao thông ra vào cảng quá tải, thường xuyên ùn ứ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế khu vực phía nam.
Trước tình trạng quá tải hàng hóa tại các cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay với 24.000 teus (1 teus tương đương
1 container tiêu chuẩn dài 20 feet), công suất thông qua 10-15 triệu teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Nhà đầu tư mong muốn được bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn cuối được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2040.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Nguyễn Cảnh Tĩnh, dự án cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ do VIMC cùng Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) và cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất đầu tư, mục tiêu nhằm dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam.
Trao đổi ý kiến với PV Thời Nay, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam cho biết, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000 DWT (24.000 teus) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Do đó, việc hình thành cảng container trung chuyển quốc tế sẽ tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá phát triển kinh tế biển cho thành phố và cả nước.
Theo TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển thành phố giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và tương lai của thành phố cũng như các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất nghiên cứu dự án này, VIMC cho hay, dịch vụ trung chuyển container quốc tế từ lâu đã trở thành một chiến lược cạnh tranh quốc tế tại các quốc gia có biển. Tại khu vực Đông Á, định hướng phát triển dịch vụ trung chuyển quốc tế đã được thực hiện thành công tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển như Singapore (PSA), Malaysia (Tanjung Pelepas, hợp tác với Maersk), Thailand (Laem Chabang), Trung Quốc (Thâm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Hồng Kông...)… Tại Việt Nam, tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn khá thấp. Đây là tiềm năng, dư địa quan trọng để nghiên cứu phát triển dịch vụ này.
VIMC nhìn nhận việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn dự kiến mang lại những tác động tích cực, lan tỏa, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, tài chính, các loại dịch vụ hàng hải… tại địa phương. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển logistics trở thành lĩnh vực mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ vững vai trò là một trung tâm logistics của khu vực và châu Á, mở ra một hướng đi mới góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của khối dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Cần “đòn bẩy” về chính sách
Để dự án sớm triển khai, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với thành phố và các cơ quan có liên quan đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành cảng trung chuyển quốc tế; xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng biển khu bến Cần Giờ nằm trong nhóm cảng biển số 4 thuộc TP. Hồ Chí Minh, theo hướng điều chỉnh, bổ sung chức năng cảng container trung chuyển quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP. Hồ Chí Minh Hà Ngọc Trường, hiện nay, hạ tầng giao thông tại các khu vực cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh như cụm cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước, cảng Sài Gòn chỉ được kết nối bằng đường bộ, đường thủy (chưa có đường sắt) và một số cụm cảng chưa được kết nối liên thông như các cảng tại cụm cảng thành phố Thủ Đức (cảng Cát Lái, cảng Bến Nghé, cảng Phú Hữu, cảng ITC…). Trong khi đó, đường vào cảng chưa được đồng bộ như 1,6km đoạn từ Ngã ba cảng Phú Hữu đến vòng xoay đường Võ Chí Công, đường Đồng Văn Cống chưa được nâng cấp đủ theo quy hoạch. Giờ phải tính thêm mạng lưới đường kết nối cho cảng Cần Giờ sẽ là bài toán khó khăn.
Do đó, theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng mở rộng các tuyến đường kết nối với cảng Cát Lái và Phú Hữu nhằm tăng năng lực vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị về việc kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu vào vành đai 3 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo thiết kế, tuyến đường nối có chiều dài khoảng 6km, bề rộng 60m với 12 làn xe, vận tốc 60km/h. Điểm đầu từ đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối tại nút giao vành đai 3. Để có cơ sở triển khai dự án, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có ý kiến đối với phương án thiết kế kết nối giao thông của tuyến đường liên cảng với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và vành đai 3.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Phan Công Bằng, việc xây dựng tuyến đường nối sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường ra vào cảng. Đồng thời, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu.
Song song đó, để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế khu vực, góp phần đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển…, vào tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai. Đến tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu.
Về phía tỉnh Đồng Nai, các cơ quan chức năng của địa phương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của TP. Hồ Chí Minh và cơ quan hữu quan để triển khai dự án. Trước hết, cần thống nhất chọn một trong năm phương án đề xuất về vị trí cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai. Về cơ bản, đầu cầu phía Đồng Nai sẽ nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (có thể tại các xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông tùy phương án). Những khu vực này không có nhiều khó khăn trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng như phía đầu cầu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, cầu Cát Lái là dự án liên vùng nên phải có ý kiến thống nhất hai địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh. Sau khi được Thủ tướng giao chủ trì thực hiện dự án, Đồng Nai đã khảo sát và đưa ra các hướng tuyến. “Đây là dự án rất quan trọng nên phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Dũng nói.