Cơ chế cho sự đồng hành cùng nông nghiệp
(Tài chính) Nguồn lực tư nhân và nguồn vốn FDI đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao song cũng đòi hỏi sự “mở lòng” từ cơ chế và cán bộ quản lý ở cơ sở.
Anh Lê Hoàng Quốc, ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang), có 3ha đất lúa 3 vụ. Từ trước đến nay, vụ Xuân Hè và Hè Thu luôn khiến anh đau đầu khi đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, sâu bệnh. Vụ Đông Xuân phải bù vào phần lỗ của những vụ này mới hòa vốn.
Đầu tháng 4/2014, anh chuyển toàn bộ quỹ đất đầu tư trồng ngô. Quyết định này xuất phát từ sự thành công mô hình trồng ngô thử nghiệm 5.000m2 vào cuối năm 2013 tại huyện với thành công bất ngờ: Năng suất 9 tấn hạt (khô)/ha.
“Đầu tư mỗi ha lúa khoảng 28 triệu đồng, trong khi với ngô là 26 triệu đồng. Với mức giá thu mua này, chúng tôi sẽ thu về ít nhất 36 triệu đồng/ha. So với lúa, chúng tôi lãi 10 triệu đồng!”, anh Quốc phấn khởi cho biết.
Và huyện Châu Thành đã có hẳn một đề án về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang ngô, mè, đậu tương. Với ngô, nhiều DN kinh doanh giống và thu mua đã vào cuộc, họ đặt ra giá sàn thu mua là 3.250 đồng/kg (hạt tươi). Chính vì vậy rất nhiều nông dân như anh Quốc đã hưởng lợi từ việc chuyển đổi cây trồng theo định hướng tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Tuy nhiên, để có được kết quả này, ít ai biết doanh nghiệp đã cùng xuống đồng với người nông dân từ trước đó.
Vào đầu tháng 5/2014, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng ngô, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Lần đầu tiên mô hình chuỗi trong chuyển đổi cây trồng được hiện lên rõ nét với những hiệu quả ban đầu người nông dân được hưởng thụ.
Trong đó nổi bật lên là mô hình liên kết canh tác và thu mua ngô lai năng suất cao của Công ty Dekalb phối hợp cùng các đơn vị thu mua nông sản như Bunge, Tài Lộc, Adeco, Ecofarm... đảm bảo đầu ra bền vững cho bà con.
Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty Dekalb Việt Nam cho biết: “Chúng tôi xác định người dân sống được thì DN mới sống. Chúng tôi đã cùng người dân từ những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô. Đây là một hành trình khá gian nan vì người dân chưa quen và cũng chưa tin vào hiệu quả của cây trồng mới nên các kỹ sư của chúng tôi phải bám đồng cùng người nông dân suốt những vụ đầu”.
Công ty Dekalb đã tài trợ 2 máy làm đất và 2 máy gieo hạt, 15 máng ủi đất, tổ chức 44 lớp tập huấn chuyển đổi, bước đầu chuyển đổi được 4.400 ha, giúp tiết kiệm được hơn 30 tỷ đồng và tăng thu nhập cho bà con.
Những người nông dân vốn chỉ quen trồng lúa, giờ chuyển trồng ngô là thay đổi cả tập quán canh tác bao đời nay, dù dễ dàng nhưng hiệu quả thực tế từ vụ ngô đầu tiên đã khiến người dân “mách” nhau chuyện chuyển đổi. Đây cũng là nền móng của việc tái cơ cấu nông nghiệp từ chính những người dân.
Tuy nhiên, ông Chính chia sẻ cảm giác địa phương cũng còn lúng túng trong việc triển khai xây dựng các đề án chuyển đổi, quy hoạch, xây dựng chuỗi liên kết, và đặc biệt là vấn đề giải quyết kinh phí để có thể bắt tay vào cuộc.
Cần những kế hoạch cụ thể
Thực tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng cùng bà con, Dekalb cũng đã gặp nhiều vướng mắc không chỉ ở tâm lý quen trồng lúa của bà con ĐBSCL mà còn ở việc phối hợp với địa phương và việc chuyển giao kỹ thuật.
Kinh phí trồng thử nghiệm các vụ đầu hoàn toàn do DN này bỏ ra (giống, máy làm đất, gieo hạt...), việc hỗ trợ từ địa phương chỉ là sự chấp thuận cho thử nghiệm.
Ngay cả việc đưa các loại máy làm đất, gieo hạt đến được với ruộng đồng nơi đây cũng khá phức tạp. Ruộng đất ở ĐBSCL thường “thẳng cánh cò bay” và đường giao thông chính nối ruộng với nhau, nối ruộng với đường đi chính là các kênh rạch, gây khó khăn khi vận chuyển máy móc cồng kềnh.
“DN chỉ có thể thực hiện mẫu việc chuyển đổi vài nghìn ha chứ tính đến cả trăm nghìn ha ở ĐBSCL đòi hỏi đầu tư rất lớn và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của địa phương. Ngay cả việc chuyển đổi sang trồng ngô, các địa phương được giao tính toán xem chuyển đổi bao nhiêu ha nhưng đến nay cũng chưa có số liệu cụ thể, điều đó thực sự rất khó cho DN muốn lập kế hoạch đầu tư”.
Trong khi đó, nhiều địa phương lại có tâm lý lập kế hoạch để đấy. Một là trông chờ kinh phí rót từ trên theo việc phê duyệt kế hoạch địa phương lập ra, hai là lập kế hoạch cho đúng chương trình Bộ NN&PTNT đang yêu cầu là mỗi địa phương phải có đề án tái cơ cấu riêng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT từng khẳng định, cần hỗ trợ bà con chuyển sang các cây khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn.
Chủ trương này đã được công bố rộng rãi nhưng thực hiện đang còn nhiều chậm trễ. Không chỉ ở ĐBSCL, không chỉ ở ngành trồng trọt mà câu chuyện làm thế nào để DN có thể đồng hành cùng những chủ trương tái cơ cấu ngành đang phảng phất trong nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Kêu gọi đầu tư nhiều khi không phải là chuyện trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư mà chỉ cần một cái bắt tay thể hiện vai trò đối tác cùng DN. Đó có thể là sự khởi đầu cho dòng vốn chảy vào nông nghiệp, ngành được đánh giá là giàu tiềm năng nhất hiện nay.