Cơ chế phát triển đô thị vệ tinh: Chọn độc lập hay “tầm gửi“?
Khi mở rộng Hà Nội (năm 2008), theo mô hình lý thuyết, Hà Nội bao gồm thành phố mẹ mở rộng và 5 đô thị vệ tinh và là đô thị động lực trong liên kết vùng Thủ đô Hà Nội, được xác định rõ bằng quy hoạch chung.
Thời gian qua, cùng một lúc, chúng ta vừa mở rộng thành phố mẹ, vừa phát triển đô thị vệ tinh, vừa liên kết vùng đô thị. Các nhiệm vụ này đặt ra cùng lúc sẽ trở thành gánh nặng cho khai thác nguồn lực phát triển. Đây là điểm mấu chốt để sau 10 năm quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu vẫn chưa triển khai xong nói chi đến quy hoạch chi tiết, để hậu quả cho quản lý phát triển theo quy hoạch nhiều hệ lụy. Ví dụ điển hình là dự án Khu ga Hà Nội và khu Giảng Võ đều chưa có quy hoạch chi tiết để dẫn hướng nên khó cấp phép đúng với quy định của quy hoạch chung.
Cho đến nay, thành phố mẹ đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề. Điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung dãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm, nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại.
Còn về 5 đô thị vệ tinh cần nhìn lại mô hình lý thuyết của nó. Trên thế giới, đô thị vệ tinh ra đời sau khi thành phố mẹ phát triển đến mức tới hạn và trở nên bế tắc, khó phát triển thêm được nữa. Xây dựng thành phố vệ tinh nghĩa là giảm tải cho thành phố mẹ về dân số, việc làm và dịch vụ, nhưng một số điều kiện phát triển lại phụ thuộc vào thành phố mẹ (ví dụ: những hạ tầng kỹ thuật chính và nền kinh tế chủ đạo). Thành phố vệ tinh về bản chất trông chờ vào sự phân công chức năng và việc làm của thành phố mẹ đã trưởng thành để có thể nuôi sống bản thân nó.
Nguồn lực để phát triển Hà Nội mở rộng và TP.Hồ Chí Minh đang bị phân tán nên hạ tầng, việc làm, dịch vụ vẫn không đến được ngoại vi, chủ đầu tư vẫn đổ vào các khu đất "vàng" trung tâm làm nên "bệnh đầu to" của đô thị Việt Nam. Trước khi mở rộng, Hà Nội là 924km2 khi đó còn chứa 45% là đất nông nghiệp chưa lên phường, nên cần được đầu tư hoàn chỉnh hơn nữa để có thể gánh vai trò chủ đạo về kinh tế, chính trị và dân cư cho vùng lân cận.
Khi đó, nên để các đô thị xung quanh Hà Nội cũ được giữ vai trò phát triển độc lập và tương tác chủ động với thành phố mẹ, để có thể liên kết thành các chùm đô thị hỗ trợ lẫn nhau theo mô hình mới. Khi Hà Nội đã phát triển hoàn chỉnh sẽ chọn cho mình các vệ tinh thân cận để gánh lẫn nhau thì có lẽ thực tế hơn.
Hiện nay, thành phố mẹ chưa kịp phát triển hoàn chỉnh đã trao thêm gánh nặng theo vùng lãnh thổ mở rộng gấp gần 4 lần, trong đó có 5 đô thị vệ tinh thì việc phân tán nguồn lực sẽ khó cho cả lõi nội đô và các vệ tinh phát triển như kỳ vọng của quy hoạch.
Vậy, trong bối cảnh này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề như thế nào? Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh trong mối quan hệ tương tác với các đô thị vệ tinh cần có giải pháp nào? Không thể chỉ hoạch định Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là các thành phố mẹ, gánh vác trách nhiệm cho các thành phố lân cận và trong vùng, mà cả hai TP này đang cần những chiến lược phát triển quyết liệt để hoàn thiện chính bản thân mình: dãn dân ra ngoại vi, tăng cường hạ tầng và giao thông công cộng, xác định rõ các nền kinh tế chủ đạo và nhường bớt chức năng cho các thành phố lân cận. Nhất là cần sự tự chủ cho các thành phố liền kề và các thành phố trong vùng để cùng phát triển.
Các đô thị trung tâm mật độ cao cần được phát triển song hành với các đô thị nhỏ và vừa tại chỗ. Chúng gắn kết với nhau theo hành lang giao thông và liên kết kinh tế. Khi đó, đô thị không cần liền kề đô thị mà sẽ tạo ra "vùng đô thị" bao chứa cả những vùng nông nghiệp rộng lớn, các cấu trúc tự nhiên như sông, biển, cánh rừng, đồi núi...
Đơn cử như TP.Hồ Chí Minh, muốn thành siêu đô thị hay làm đầu tàu kinh tế gánh cả vùng đô thị xung quanh? Có thể chưa hẳn đúng khi điều đó kéo theo gánh nặng về mặt dân số, công ăn việc làm, hạ tầng, ô nhiễm, quá tải, tắc nghẽn... Nếu các đô thị trong vùng có vai trò độc lập và cùng tương tác để giảm tải thì TP.Hồ Chí Minh mới có tương lai tươi sáng được.
Các đô thị vệ tinh Hà Nội hiện nay cũng nên có cơ chế phát triển độc lập, tự chủ động để khai thác nguồn lực trong điều kiện cụ thể của nó. Điều này tốt hơn cho Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng. Và chỉ có vậy, Hà Nội mới trở thành đô thị hạt nhân, là động lực kinh tế của vùng, chứ không phải chịu cảnh cả vùng đổ về tìm cơ hội để lại hệ lụy nan giải như bây giờ.
Vùng Hà Nội phải trở thành một hệ thống tương tác chứ không phải một hệ thống phụ thuộc thành phố mẹ như bây giờ. Chỉ có tạo cơ hội bình đẳng trong phát triển và mang tiện nghi, văn minh ra xa thành phố mẹ, các chủ đầu tư sẽ vững tin chọn phát triển dự án trong toàn vùng. Khi đó Hoà Lạc có thể trở thành một đô thị thông minh tương đối độc lập và một số đô thị khác trở thành các đô thị chức năng đặc thù giảm tải cho thành phố mẹ.
Đường lối đô thị hoá của chúng ta hiện nay cần được đánh giá lại về định hướng phát triển. Chính sách đô thị hoá là để tạo điều kiện cho việc tự thân phát triển, chứ không thể dựa vào mệnh lệnh duy ý chí. Chỉ khi các đô thị có vai trò độc lập và tự chủ cùng phát triển thì mới có sự liên kết vùng (liên kết về hạ tầng ký thuật, việc làm, kinh tế) còn người dân có thể vẫn ở tại chỗ, dân cư không cần đổ dồn về thành phố mẹ như hiện nay.