Cơ chế quản lý tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập ở một số nước và bài học cho Việt Nam


Hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như với các đơn vị sự nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về đổi mới, hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn: Internet
Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về đổi mới, hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn: Internet

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về đổi mới, hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, bài viết rút ra bài học đối với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại một số nước trên thế giới

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo các nội dung sau:

Về thể chế:

Các đơn vị sự nghiệp công lập được chia thành 03 loại, gồm: (i) Các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng cung cấp dịch vụ công, chủ yếu để thực thi các quyền hạn, chức năng hành chính và do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động; (ii) Các đơn vị sự nghiệp có tính chất hoạt động kinh doanh, thực hiện cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo cơ chế thị trường, không thực hiện chức năng phục vụ công ích. Theo đó, đối với loại hình này sẽ từng bước chuyển thành doanh nghiệp; (iii) Các đơn vị sự nghiệp công ích, tiếp tục được phân thành 02 nhóm để xác định mức độ chi phối của Nhà nước trong việc bảo đảm (toàn bộ hay một phần) kinh phí hoạt động.

Trung Quốc không đặt nặng vấn đề tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập loại 1 và loại 3, cũng như vấn đề xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công ích mà xác định do Nhà nước bảo đảm là chủ yếu.

Quốc gia này thực hiện chế độ chủ quản đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các chức danh lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan chủ quản bổ nhiệm. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động cụ thể của đơn vị, mà chỉ thực hiện chức năng chủ quản trong bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo, giao, phê duyệt nhiệm vụ và giám sát kết quả thực hiện.

Ở tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập tại Trung Quốc, tổ chức Đảng gắn bó hữu cơ và có vai trò quyết định đối với các vấn đề quan trọng của đơn vị. Theo đó, Trung Quốc đã quy định Bí thư cấp ủy là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc có thể là người đứng đầu lĩnh vực chuyên  môn của đơn vị.

Về cơ chế tài chính:

Lập dự toán thu: Dự toán thu của đơn vị sự nghiệp công lập tại Trung Quốc bao gồm: Thu từ ngân sách nhà nước (NSNN) cấp, thu từ nguồn sự nghiệp, thu từ hoạt động kinh doanh, thu nhập khác. Trung Quốc đã từng bước xây dựng chế độ thu từ các khoản thu nhập phi thuế (các khoản thu không phải là thuế, phí) theo hình thức “đơn vị kê khai, ngân hàng thu hộ, ngân sách quản lý thống nhất”. Theo đó, các đơn vị mở tài khoản tài chính ngoài ngân sách, thực hiện quản lý tài khoản có số dư cuối ngày được kết chuyển về 0. Bãi bỏ chính sách cho phép một số khoản tiền ngoài ngân sách được giữ lại theo tỷ lệ nhất định như trước đây, theo đó, tất cả các khoản thu - chi của đơn vị sự nghiệp phải được phản ánh trong tài khoản tài chính. Việc lập dự toán phải đảm bảo hợp pháp, đúng quy định, nội dung rõ ràng, con số chính xác, chân thực.

- Quản lý chi hoạt động thường xuyên: Trong giai đoạn 3, chi hoạt động thường xuyên được áp dụng phương pháp gia tăng để tính toán. Kinh phí hoạt động thường xuyên năm trước là cơ sở để xác định cho dự toán năm sau; đồng thời, xem xét tình hình thu và các nhân tố ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi, xác định tỷ lệ và quy mô tăng trưởng các khoản chi thường xuyên. Hiện nay, Trung Quốc tăng cường hoàn thiện hệ thống chế độ và quy định các mức chi thường xuyên, thực hiện quản lý theo định mức và biên chế.

- Quản lý chi ngân sách dự án: Tại Trung Quốc, ngân sách dự án bao gồm các khoản chi xây dựng cơ bản, dự án phát triển đặc thù, chi sự nghiệp, sửa chữa lớn, mua sắm lớn… Đặc điểm của chi ngân sách dự án là có tính đặc thù, tính độc lập và tính hoàn chỉnh. Vì vậy, quản lý ngân sách dự án phải đáp ứng các quy tắc xây dựng dự án và phải kết nối với quy hoạch ngân sách trung hạn.

- Quản lý sử dụng ngân sách: Trung Quốc đang quản lý ngân sách theo hiệu quả đầu ra. Theo đó, phạm vi quản lý hiệu quả ngân sách từng bước được mở rộng, chất lượng quản lý đã được nâng cao, biện pháp quản lý được tăng cường hơn. Đồng thời, Trung Quốc đã tăng cường ý thức, trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; tăng cường tính khoa học trong việc ra quyết định xây dựng chính sách tài chính; thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm.

- Thẩm định dự toán NSNN: Khi thẩm định dự toán NSNN, các cơ quan có thẩm quyền phải tập trung thẩm tra tính hợp pháp, chân thực và hợp lý của dự toán. Trọng tâm của việc thẩm tra là xem xét tính phù hợp của dự toán so với quy định của pháp luật, tính hoàn chỉnh, hợp lý của dự toán, xem xét quy mô của dự toán và việc cân đối dự toán ngân sách. Căn cứ vào báo cáo của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan quản lý trực tiếp chỉ có trách nhiệm tổng hợp dự toán, quyền quyết định thuộc cơ quan tài chính cùng cấp (ở địa phương là Sở Tài chính và ở Trung ương là Bộ Tài chính).

- Về thực hiện công khai tài chính: Các vấn đề của đơn vị sự nghiệp công lập như: Lập dự toán, quyết toán kinh phí hoạt động; kết quả công tác hàng năm; kế hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo… đều phải kê khai theo quy định để phục vụ công tác giám sát.

- Về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Quá trình đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của Trung Quốc được tiến hành bài bản, thận trọng, bảo đảm tính khả thi, trong đó, đối với giáo dục đại học đã được tăng cường tự chủ, NSNN hỗ trợ thông qua chất lượng, số lượng sinh viên. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu Luật Tự chủ để đẩy mạnh, trao thẩm quyền cho các cơ sở giáo dục đại học.

Trong quá trình đổi mới quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp, Trung Quốc cũng đã thực hiện cơ chế khoán kinh phí ngân sách cấp hàng năm cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ và tình hình tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp để chia làm 4 loại: (1) Khoán ngân sách toàn mức (xác định tổng kinh phí sự nghiệp cấp cho đơn vị hành chính sự nghiệp; chi trội không cấp bù, kết dư được giữ lại dùng); (2) Khoán từng mục: Chỉ khoán tổng chi cho một hoặc nhiều mục nào đó; (3) Khoán định mức gồm: Xác định kinh phí năm, mức chi cho một hoặc nhiều hạng mục nào đó, khoán theo định mức đã được xác định, chi trội không cấp bù, dư được để lại sử dụng; (4) Khoán bù chênh lệch: Xác định số thu, số chi, xác định mức được trợ cấp, hoặc giao nộp lên trên rồi giao khoán cho đơn vị, chi vượt (hoặc thu thiếu) không cấp bù, thu vượt (hoặc kết dư) được giữ lại để sử dụng.

Hàn Quốc

Về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Hàn Quốc là một trong những quốc gia rất thành công trong xây dựng các chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Những chính sách này của Hàn Quốc một mặt rất chú trọng tới hệ thống đào tạo dựa trên những tiêu chuẩn của các nước phát triển; mặt khác có sự kết hợp chặt chẽ với các yếu tố văn hóa phương Đông với các lý thuyết phát triển nhân lực hiện đại gắn với quá trình công nghiệp hóa của đất nước và có thể chia theo 04 giai đoạn: (i) giai đoạn xây dựng hệ thống trước những năm 1960; (ii) giai đoạn cất cánh (1961-1972); (iii) giai đoạn xúc tiến công nghiệp nặng và hóa chất (1973-1979); (iv) giai đoạn hợp lý hóa và tự do hóa (1980 đến nay).

Trong giai đoạn những năm 1950, việc mở rộng nhanh chóng các cơ hội giáo dục được bắt đầu ngay sau khi giải phóng dưới thời Chính phủ quân sự do Mỹ bảo trợ, với một khối lượng lớn viện trợ từ bên ngoài đã được sử dụng để giải quyết vấn đề tài chính cho các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng dành một tỷ lệ chi NSNN thích đáng cho lĩnh vực giáo dục, cụ thể: Ngân sách chi cho giáo dục đã tăng từ 3,3% tổng ngân sách của Chính phủ, hay 0,4% GNP lên tương ứng là 15% và 2,5% năm 1960.

Tuy vậy, việc tăng ngân sách cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc mở rộng có tính chất bùng nổ về giáo dục và đào tạo. Theo đó, một khối lượng lớn các nguồn lực được huy động từ các hộ gia đình dưới dạng học phí, đóng góp khi nhập học và các hình thức phí khác được huy động. Đến những năm 1960, cơ sở giáo dục của Hàn Quốc đã được cải thiện rất lớn. Trong giai đoạn (1961-1972), tiếp tục chứng kiến một làn sóng mới về quy mô nền giáo dục Hàn Quốc, với khoản chi từ ngân sách lớn chưa từng có cho giáo dục.

Theo đó, tỷ lệ ngân sách giáo dục trong tổng ngân sách của Chính phủ tăng từ 12% (năm 1961) lên 17% (năm 1970); mặc dù, trong giai đoạn này, tỷ trọng giáo dục trong GDP không tăng, chỉ dao động ở mức 1,6-2,8%, điều này cho thấy tổng số các nguồn ngân sách dành cho giáo dục là rất lớn. Đến giai đoạn xúc tiến công nghiệp nặng và hóa chất (1973-1979), trái ngược với việc mở rộng đầy ấn tượng của giáo dục trung học và đại học trong giai đoạn này, tỷ trọng ngân sách cho giáo dục so với GNP và tổng ngân sách nhà nước vẫn giữ nguyên, thậm chí dưới mức của năm 1970. Phần lớn gánh nặng về chi phí cho việc mở rộng giáo dục đầy ngoạn mục trên là do hộ gia đình đảm nhiệm. Giai đoạn hợp lý hóa và tự động hóa (1980-nay) được xem là giai đoạn mở rộng quy mô lớn nhất của hệ thống giáo dục đại học bằng việc công bố một kế hoạch cải cách giáo dục táo bạo, nổi tiếng vào năm 1980 - với tên gọi cải cách giáo dục (30/7), kết quả tốc độ tăng tỷ lệ nhập học giáo dục đại học lên đến 54,6% vào năm 1985 (năm 1960 là 6,4% và năm 1970 là 8,8%).

Trên thực tế, việc mở rộng quy mô giáo dục đại học trong giai đoạn này không hề có mức tăng tương ứng về kinh phí của Chính phủ mà chủ yếu phát triển ở các lĩnh vực đòi hỏi tương đối ít nguồn lực như khoa học xã hội và nhân văn. Về tổng thể trong giai đoạn này, nền kinh tế Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển đổi sang hệ thống định hướng kinh tế thị trường, cho nên các chính sách giáo dục và đào tạo cũng phải thay đổi theo. Trong bối cảnh đó, quá trình phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở Hàn Quốc từ những năm 1980 đã nhiều hơn vào khu vực tư nhân, do tư nhân tài trợ/đầu tư là chính, Chính phủ giữ vai trò là người tạo ra khung khổ pháp lý và điều tiết. Đây chính là tiền đề để những năm 1990, các cải cách và thử nghiệm nhằm phân cấp và nới lỏng cơ chế hệ thống giáo dục Hàn Quốc được triển khai, trong đó, đối với giáo dục đại học, quyền tự chủ và cạnh tranh được xem như một phương tiện chính để nâng cao chất lượng, ngoài ra, một loạt các biện pháp khuyến khích mới như: Hệ thống xây dựng uy tín trong giáo dục đại học, hỗ trợ tài chính dựa theo kết quả hoạt động và cạnh tranh cũng đã được áp dụng.

Về cải cách tài chính công: Từ năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mạnh tiến trình cải cách đơn vị công lập, thiết lập các thể chế mang tính thị trường nhiều hơn và các chiến lược quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch. Vấn đề cốt lõi là triển khai thực thi cơ chế quản lý chi tiêu ngân sách theo kết quả. Mục đích của cơ chế này không phải nhằm vào quản lý chi phí đầu vào mà nhằm quản lý kết quả đầu ra của chi tiêu ngân sách. Điểm nổi bật nhất là xây dựng bộ máy và cơ chế đánh giá hiệu quả chi tiêu ngân sách, tình hình và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Chính phủ.

Về kế hoạch hoạt động: Các cơ quan nhà nước phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình, trên cơ sở đó xác lập các mục tiêu chiến lược trung hạn; phải cụ thể hoá các mục tiêu chiến lược thành các kết quả hoạt động cụ thể từng năm nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược; kèm theo đó là các chỉ số để đánh giá các kết quả và thước đo cũng như phương thức đo lường kết quả thu được.

Về đánh giá hoạt động: Hệ thống giám sát, phân tích và đánh giá tình hình chi tiêu, tình hình và kết quả hoạt động của các cơ quan Chính phủ được củng cố.

Ủy ban Kiểm toán và thanh tra nhà nước được củng cố và nâng cao trách nhiệm không chỉ bảo đảm tính minh bạch và trung thực đối với các báo cáo tài chính mà còn tham gia tích cực hơn vào việc đánh giá quá trình hoạt động, quá trình chi tiêu và nhất là đánh giá các kết quả đạt được của các cơ quan Chính phủ trước, trong và sau khi kết thúc mỗi hoạt động.

Trung tâm Quản lý đầu tư công phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc thực hiện đánh giá hoạt động của các chương trình, dự án theo cơ chế:

- Lựa chọn các chương trình, dự án tiến hành thực thi cơ chế quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, xếp vào các nhóm nhất định.

- Thiết lập các nhóm theo dõi, quản lý và phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án. Các nhóm có trách nhiệm theo dõi, giám sát, phân tích và đánh giá tình hình hoạt động của các dự án; lập báo cáo phân tích, đánh giá đệ trình Bộ Kế hoạch và ngân sách để đưa vào báo cáo ngân sách trình Quốc hội. Cơ chế hoạt động của các nhóm này như sau:

Tìm hiểu và xác định các vấn đề cơ bản của chương trình, dự án: mục tiêu, kết quả kỳ vọng, các vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, thời gian thực hiện, lộ trình thực hiện, chế độ báo cáo… Thảo luận với Quốc hội, Uỷ ban Kiểm toán và Thanh tra Nhà nước... về các vấn đề này.

- Đưa dự toán ngân sách, chương trình hoạt động của các cơ quan lên internet; tiếp nhận ý kiến tham gia của các chuyên gia, của dân chúng đối với những hàng hoá, dịch vụ sẽ cung cấp. Vụ Quản lý ngân sách và các nhóm thảo luận, đưa vào dự toán ngân sách trình Quốc hội phê chuẩn.

Pháp

Luật Sự nghiệp ngày 01/8/2001 (LOLF- Loi Organique relative aux Lois de Finances) áp dụng từ năm 2006, được xem là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử của nước Pháp, bởi những thay đổi sâu sắc toàn bộ cơ cấu tài chính công, cũng như sự vận hành của hệ thống nhà nước, từ thể chế chính trị đến quản lý hành chính. Luật Sự nghiệp đưa ra các quy định mới về xây dựng và chấp hành sự nghiệp chuyển từ phương thức quản lý ngân sách theo đầu vào sang quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra.

Trước năm 2006, dự toán sự nghiệp được xây dựng và xem xét chủ yếu tập trung vào mức độ thu, chi ngân sách nhà nước mà chưa thể trả lời được câu hỏi: Ngân sách đó hướng vào các kết quả mong muốn gì? có đạt được không? Luật Sự nghiệp mới quy định khi xây dựng dự toán ngân sách phải tập trung thảo luận về những mục tiêu cần đạt được, về mối quan hệ giữa thu, chi ngân sách và hiệu quả thực hiện các chính sách của nhà nước gồm các nội dung cơ bản như sau:

- Chuyển từ phương thức quản lý ngân sách theo đầu vào sang quản lý dựa trên kết quả; quy định trách nhiệm đồng thời đảm bảo sự chủ động trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước các cấp.

- Đảm bảo tính minh bạch về thông tin ngân sách thông qua việc tăng cường, chuẩn hóa quyền kiểm tra giám sát và đánh giá của Nghị viện cũng như nâng cao chất lượng thông tin của Tòa Kiểm toán (Thẩm kế viện); giao quyền thẩm tra và xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách cho Tòa Kiểm toán.

- Cải tiến các công cụ quản lý, cung cấp thông tin thông qua việc sửa đổi mục lục sự nghiệp; cải cách kế toán, ban hành chuẩn mực kế toán công.

Về cơ cấu chi ngân sách: Kinh phí không còn được phân bổ theo tính chất các khoản chi (theo mục chi) mà theo theo mục đích của các khoản chi và được cấp phát trọn gói - ngân sách theo chương trình.

Về xây dựng ngân sách: Thay vì chỉ tập trung vào liệt kê, mô tả các khoản chi tiêu sự nghiệp theo tính chất trong cơ chế quản lý ngân sách theo đầu vào; xây dựng dự toán ngân sách theo kết quả đầu ra cần phải ưu tiên tập trung vào xem xét các chiến lược, mục tiêu, các kết quả đầu ra của việc sử dụng ngân sách cùng những chỉ số phục vụ cho việc đo lường, đánh giá kết quả.

Chiến lược, mục tiêu, chỉ số và các kết quả cần đạt được sẽ được xác định cho từng chương trình và được trình bày trong Bản cam kết hiệu quả chương trình ngân sách, được xây dựng cho từng chương trình, bao gồm các nội dung: (i) Mô tả chiến lược thực hiện của chương trình; (ii) Giới thiệu các mục tiêu hướng tới; (iii) Giới thiệu các chỉ số nhằm đo lường, đánh giá kết quả; (iv) Giải trình căn cứ, mục đích sử dụng từng đồng ngân sách được cấp. Bản cam kết là tài liệu giải trình bắt buộc đính kèm dự toán ngân sách hàng năm. Đồng thời, việc xác định đúng các mục tiêu ưu tiên được xem là một bước quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; vì nếu không xác định được các mục tiêu ưu tiên, ngân sách sẽ được sử dụng một cách giàn trải, thiếu tính thống nhất, thiếu rõ ràng và khó đạt được kết quả mong đợi.

Các mục tiêu ưu tiên được lựa chọn phải được đánh giá bằng các chỉ số cụ thể, nêu rõ những kết quả dự kiến đạt được từ việc sử dụng ngân sách cho các hoạt động trong nội dung của chương trình. Các chỉ số phải đảm bảo thống nhất với mục tiêu lựa chọn, hữu dụng, bền vững và có thể kiểm chứng được.

Bài học đối với Việt Nam

Qua kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, có thể rút ra một số bài học đối với Việt Nam như sau:

Một là, để thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trước hết cần phân định rõ dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện, dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị ngoài công lập thực hiện và dịch vụ công do các đơn vị cùng thực hiện, từ đó, phân loại đơn vị sự nghiệp công phù hợp theo tính chất chuyên môn và loại hình cung cấp dịch vụ công, gồm: Đơn vị sự nghiệp có tính chất cung cấp dịch vụ hành chính; Đơn vị sự nghiệp công ích (là đơn vị cung cấp dịch vụ cho xã hội), gồm: Nhóm có thu phí và nhóm không thu phí; Đơn vị sự nghiệp có tính chất kinh doanh (hoạt động như doanh nghiệp).

Hai là, tiếp tục xác định vai trò quan trọng của Nhà nước trong đầu tư/hỗ trợ phát triển các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu nói chung và các đơn vị sự nghiệp công nói riêng cả về cơ chế và nguồn lực tài chính, nhưng cần sớm thay đổi căn bản/thực chất phương thức đầu tư/hỗ trợ từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, trước hết cần xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng lĩnh vực/hoạt động sự nghiệp công. Đây là cơ sở tiền đề quan trọng để thay đổi căn bản/thực chất phương thức hỗ trợ từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ đơn vị sự nghiệp cung cấp, gắn với chế độ tiền lương phù hợp; qua đó, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm cho các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng.

Ba là, xác định tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá được hiệu quả chi ngân sách theo kết quả đầu ra, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số để đo lường, đánh giá được kết quả. Đây là vấn đề rất khó và cần được nghiên cứu phân rõ theo 02 nhóm:

Nhóm 1: Đối với các cơ quan quản lý (bộ, ngành Trung ương, các địa phương), cần xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số để đo lường, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu chiến lược, chương trình... và các chỉ tiêu, chỉ số tổng hợp để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách, hiệu quả tác động tới kinh tế - xã hội.

Nhóm 2: Đối với các đơn vị sự nghiệp (trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ được giao), cần xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số cụ thể về số lượng, chất lượng, thời hạn cung cấp dịch vụ... theo cam kết. Các chỉ tiêu này cần được đối chiếu, so sánh với các tiêu chuẩn chung của ngành, địa phương và của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp tương tự.

Bốn là, không ngừng hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đồng thời ở cả hai cấp độ:

Từ bên trong, sẽ do các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sự nghiệp tự thực hiện, các kết quả đầu ra của đơn vị sẽ được đo lường cụ thể bằng các chỉ số do đơn vị xây dựng.

Từ bên ngoài, theo cơ cấu phân cấp quản lý sẽ do các cơ quan quản lý (cấp trên) thực hiện kiểm tra, giám sát và đánh giá đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới; các cơ quan chức năng (như: cơ quan tài chính; Kiểm toán Nhà nước; cơ quan thanh tra; các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp…) và đối tượng được cung cấp, sử dụng dịch vụ công sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Các chỉ số đánh giá này sẽ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc các tổ chức được uỷ quyền) ban hành phù hợp theo đặc điểm hoạt động của các ngành, lĩnh vực, các địa phương. Đối với người sử dụng hàng hoá dịch vụ công có thể thực hiện thông qua phiếu đánh giá mức độ hài lòng, thỏa mãn khi sử dụng dịch vụ.

Vấn đề quan trọng nhất của việc kiểm tra, đánh giá đó là phải đo lường, đánh giá được kết quả của các hoạt động sự nghiệp, thực hiện các chương trình, hoạt động, nhiệm vụ được giao, so sánh với việc chi tiêu sự nghiệp.

Năm là, việc cải cách các đơn vị sự nghiệp công cần thực hiện thận trọng, có lộ trình và gắn với cải cách hành chính, đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị, quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.          

Tài liệu tham khảo:

  1. Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính (2010), Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công;
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
  3. Học viện Tài chính (2013), Đổi mới chính sách tài chính đơn vị sự nghiệp công và dịch vụ công, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2012, Hà Nội;
  4. http://www.legislation.govt.nz/act/public/1988/0020/latest/DLM129110.html;
  5. http://www.legislation.govt.nz/act/public/1989/0044/latest/DLM160809.html.