Cổ đông thiểu số: Anh là ai?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Trên báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp, khoản mục lợi ích của cổ đông thiểu số được trình bày thành một chỉ tiêu riêng. Khoản lợi ích của nhóm cổ đông này đôi khi chiếm tỷ lệ khá lớn so với phần của cổ đông mẹ. Việc sử dụng thuật ngữ “cổ đông thiểu số”đang khiến không ít nhà đầu tư hiểu lầm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước tiên, cần biết rằng, khái niệm cổ đông thiểu số chỉ có tại các công ty con, nơi có 2 loại cổ đông là cổ đông chi phối có quyền kiểm soát (cổ đông mẹ) và cổ đông không chi phối, không có quyền kiểm soát (cổ đông thiểu số). Đối tượng cổ đông thiểu số cũng không xuất hiện trên báo cáo tài chính của công ty con, mà muốn thấy đối tượng này, ta phải nhìn vào báo cáo hợp nhất của tập đoàn.
 
Vậy, cổ đông thiểu số họ là ai? Số cổ phần mà họ nắm giữ có thật sự là thiểu số so với cổ đông công ty mẹ? Điều này không phải đúng trong mọi trường hợp. Nếu có thỏa thuận riêng giữa các nhà đầu tư về việc nhượng quyền biểu quyết, không phải là nhượng cổ phần, thì cổ đông nắm giữ ít cổ phiếu có thể lại nắm giữ đa số quyền biểu quyết và lúc này, mặc dù phần vốn họ nắm giữ là thiểu số, nhưng lại không bị coi là cổ đông thiểu số trên phương diện báo cáo tài chính.
 
Trường hợp này thường xảy ra khi nhóm cổ đông nắm giữ phần vốn thiểu số có kinh nghiệm trong việc điều hành hoạt động của doanh nghiệp hơn các nhóm cổ đông khác, được các cổ đông khác ủy quyền thay mặt để quyết định các chính sách tài chính và chính sách hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một tập đoàn chuyên quản lý khách sạn, có kỹ năng, trình độ và danh sách khách hàng tiềm năng thì dù họ góp vốn với tỷ lệ rất nhỏ vào một khách sạn, họ vẫn được các cổ đông khác ủy quyền điều hành mọi hoạt động của khách sạn, vì họ biết rằng chỉ có tập đoàn này mới có thể kinh doanh khách sạn một cách hiệu quả.
 
Thuật ngữ “Lợi ích của cổ đông thiểu số” tưởng rõ ràng, nhưng quả thật lại rất dễ gây hiểu nhầm. Rất nhiều người nghĩ rằng  lợi ích cổ đông thiểu số là phần lợi ích nhỏ hơn khi so với phần lợi ích của cổ đông mẹ. Một thực tế rất phổ biến trong các tập đoàn đa cấp, có công ty con, công ty cháu, chắt là công ty mẹ không nắm giữ phần vốn đa số trong các công ty cháu, chắt, nhưng vẫn kiểm soát các cháu, chắt của mình thông qua các công ty con, tức là hoạt động đầu tư gián tiếp.
 
Ví dụ, công ty mẹ nắm giữ 60% vốn tại công ty con cấp 1, công ty con cấp 1 lại nắm giữ 60% vốn của công ty con cấp 2 (công ty cháu). Trong trường hợp này, phần vốn của công ty mẹ cấp cao nhất trong công ty con cấp 2 thực chất chỉ là 36%, còn phần vốn của cổ đông thiểu số tại công ty cháu lại chiếm đa số (64%). Như vậy, nếu không có bất cứ thỏa thuận đặc biệt nào giữa các cổ đông, thì tỷ lệ lợi ích thường sẽ tương ứng với tỷ lệ vốn góp, như ví dụ này thì cổ đông thiểu số lại nắm giữ phần lợi ích đa số và cổ đông đa số chỉ nắm giữ phần lợi ích thiểu số.
 
Trong các tập đoàn đa cấp, thông thường có 2 loại cổ đông thiểu số, đó là cổ đông thiểu số trực tiếp nắm giữ phần vốn tại các công ty con và cổ đông thiểu số gián tiếp (là các cổ đông thiểu số tại công ty con cấp 1) nắm giữ phần vốn tại công ty con cấp 2 khi công ty con cấp 1 đầu tư vào công ty con cấp 2. Vì vậy, khi xác định lợi ích của cổ đông thiểu số trong tập đoàn đa cấp, cần chú ý tính đủ phần của cổ đông thiểu số trực tiếp và gián tiếp.
 
Vậy, cổ đông thiểu số thực sự nắm cái gì thiểu số? Đó chính là quyền biểu quyết thiểu số, chứ không phải phần lợi ích thiểu số hay phần vốn thiểu số. Đó cũng là lí do trong Chuẩn mực kế toán quốc tế đã không còn dùng thuật ngữ “minority interest” (MI - cổ đông thiểu số) như trước kia, mà chuyển sang dùng thuật ngữ “non-controlled interest” (NCI - cổ đông không kiểm soát). Việc thay đổi thuật ngữ như trên nhằm tránh gây hiểu nhầm cho người sử dụng báo cáo tài chính cũng như các nhà đầu tư.
 
Được biết, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của Bộ Tài chính (phiên bản 2) dự kiến sẽ thay đổi thuật ngữ cổ đông thiểu số theo hướng này.