Có gì đột phá trong 21 giải pháp của Bộ Tài chính?

Theo Lao động

Nhóm giải pháp thứ nhất thực chất là gia hạn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ở mức 20% và thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cho một số loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội (thuế TNDN 10%, giảm 50% thuế GTGT) và kinh doanh căn hộ có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 (giảm 30% thuế GTGT).

Ngoài thuế TNDN 20%, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được gia hạn nộp thuế GTGT (tháng 1, 2 và 3) và nó có thể giúp họ bớt khó khăn trong mấy tháng đầu năm. Dù vậy, có sự ưu ái đặc biệt đối với các doanh nghiệp xây, kinh doanh nhà ở xã hội, căn hộ nhỏ dưới 70m2 và bán dưới 15 triệu đồng/m2. Chắc chắn sẽ có nhiều nhà phát triển bất động sản chuyển theo hướng này. Đây là động thái chính sách tốt hướng các nhà đầu tư bám sát nhu cầu thực tế hơn là chạy theo “cầu ảo” của các nhà đầu cơ.

Tuy nhiên, cần chú ý để tránh hội chứng “phong trào” và sự lạm dụng chính sách “nhà xã hội” chắc chắn sẽ xảy ra, rất nên minh bạch để tránh việc giúp, giải cứu cho các công ty sân sau và tránh sự vận động, gây ảnh hưởng của các “đại gia” đến chính sách và thực hiện chính sách.

Đề xuất không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo đầu phương tiện, giảm thuế trước bạ,... cho thấy sự phản đối dữ dội của dư luận có lẽ đã có tác dụng đến chính sách.

Nhóm giải pháp thứ 2 cố gắng đảm bảo việc thực hiện thu chi ngân sách; cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động thêm 5.000 tỉ đồng trái phiếu để tăng gấp đôi đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở nông nghiệp nông thôn và đấy là một việc tốt. Tôi e thu ngân sách sẽ gặp khó khăn và nợ công sẽ tăng nhanh.

Có gì đột phá trong 21 giải pháp của Bộ Tài chính? - Ảnh 1
GS., TS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
GS., TS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đây là những giải pháp tốt và kịp thời


Nhiều ý kiến lo ngại về đề xuất của Bộ Tài chính cho phép các chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng, nhưng quan điểm cá nhân, tôi lại cho rằng đề xuất này rất tích cực hỗ trợ cho chủ đầu tư lúc này, đặc biệt với những chủ đầu tư có năng lực, hàng hóa có tính thanh khoản nhưng gặp những khó khăn nhất thời về tài chính. Vấn đề là phải có cơ chế giám sát việc thực hiện.

Bên cạnh đó, theo tôi, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), có một việc cần làm ngay là phải rà soát lại hệ thống về luật pháp liên quan đến BĐS, giải quyết mọi ách tắc, khơi rộng nguồn cầu cho thị trường. Ví dụ như chính sách cho người nước ngoài mua nhà liền đất. Ở nước ngoài, chính sách của họ rất thông thoáng về vấn đề này, nhưng ở Việt Nam vẫn bị hạn chế. Nếu cho phép người nước ngoài sở hữu nhà có thời hạn thì tôi cho là rất tích cực cho thị trường. Với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ với thị trường BĐS vừa đề ra, nếu thực hiện được và được giám sát tốt, chắc chắn thị trường BĐS 2013 sẽ ấm lại.

Có gì đột phá trong 21 giải pháp của Bộ Tài chính? - Ảnh 2
TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Muốn tăng cung thì nên giúp đỡ tăng khả năng thanh toán


Về các gói giải pháp, ở đây Bộ Tài chính dùng công cụ tài chính hỗ trợ cho thị trường là thích hợp, trong đó chủ yếu là chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất... là đúng, nhưng những công cụ đó chỉ làm giảm nhẹ chứ không thể khôi phục hay làm thị trường phồn vinh trở lại, vì khó khăn của thị trường hiện nay là cung nhiều, cầu ít. Có những lĩnh vực có cầu như nhà thu nhập thấp nhưng lại không có cung, hoặc cung ít là ví dụ.

Vì vậy theo tôi, cách làm thị trường hồi phục là phải cân đối được cung-cầu, để thị trường tự vận hành. Những công cụ tài chính đang được đề xuất là để tăng cung, nhưng thực tế những người cần nhà thì không có tiền, không đủ tiền nên giá dù hạ, lãi suất cho vạy thấp vẫn không có tiền. Muốn tăng cung thì phải giúp đỡ tăng khả năng thanh toán của những đối tượng này.

Còn làm thế nào để tăng cung, tôi đề nghị ngành ngân hàng nên có chế độ hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà và là những hỗ trợ trực tiếp, cụ thể. Tư duy chính sách hiện nay thiên về giúp nhiều cho bên cung (doanh nghiệp BĐS), chưa hướng nhiều đến bên cầu là những người có nhu cầu về nhà ở.