Cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu
(Tài chính) Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với tất cả các lĩnh vực về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, từ các ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam như nông sản, gỗ, dệt may, da giày, sản phẩm công nghệ cao… cho đến các ngành tài chính, dịch vụ chuyên môn, phân phối…
Điển hình như đối với ngành dệt may, phân tích được thực hiện bởi Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap), đây là ngành đang phát triển mạnh và còn nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn thiếu bền vững.
Do vậy, EVFTA sẽ là cơ hội để ngành dệt may tái cấu trúc và tăng cường chủ động về nguồn nguyên liệu để thu hút đầu tư và nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh cơ hội, tham gia vào Hiệp định này, ngành dệt may cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ và các tiêu chuẩn của thị trường. Đồng thời, khả năng hấp thụ đầu tư của ngành dệt may cũng phải đối mặt với các thách thức về môi trường, nguồn nước, thiếu hụt lao động tay nghề cao và các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Ngành da giày Việt Nam đang được dự báo là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi EVFTA được kí kết vì EU đang là thị trường XK lớn nhất của ngành này. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), với EVFTA, các doanh nghiệp da giày Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh XK. Theo đó, ngành da giày sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi thuế suất sẽ được cắt giảm từ 12,4% về 0%. Đặc biệt, với việc rút ngắn thời gian để Việt Nam được EU công nhận là nền kinh tế thị trường các sản phẩm da giày XK của Việt Nam sẽ không phải chịu sự phân biệt đối xử trong các vụ kiện chống bán phá giá của EU.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp da giày của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, hàng rào kĩ thuật, tỉ lệ nội địa hóa khi tham gia vào EVFTA. Ngoài ra, ngành da giày nội địa sẽ gặp khó khăn hơn khi các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, để có thể tận dụng các cơ hội do EVFTA mang lại ngành da giày phải nâng cao tỉ lệ nội địa sản phẩm và giải quyết tốt bài toán về lao động. Bên cạnh đó, ngoài việc chú trọng phát triển thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm giày da cao cấp, các doanh nghiệp trong ngành cần định hướng lại chiến lược phát triển phù hợp với EVFTA.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương, với EVFTA, ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ XK từ Việt Nam. Đồng thời sẽ được giảm giá máy móc thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ các nước đối tác. Tuy nhiên, hiệp định này cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn và điều này có thể làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên các thị trường XK.
Tương tự, các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam sang thị trường EU cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh mạnh ở một số mặt hàng nông sản như cà phê rang, gạo, đường… Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường, các sản phẩm nông sản XK phải đáp ứng các yêu cầu về đóng gói, bao bì, truy soát nguồn gốc, kiểm dịch, vấn đề về vệ sinh và thủ tục hải quan nghiêm ngặt.
Bên cạnh các ngành hàng XK, các ngành dịch vụ như bán lẻ, truyền thông, tài chính và dịch vụ chuyên môn được nhận định sẽ có điều kiện tăng trưởng mạnh khi EVFTA kí kết và sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong các ngành dịch vụ, loại hình dịch vụ chuyên môn như dịch vụ pháp lý, tư vấn, kế toán, kiểm toán, thuế… sẽ có tăng trưởng nhanh nhất vì đây là loại hình công việc gắn liền với quá trình vận hành của nền kinh tế. Mặc dù vậy, theo yêu cầu của EU, các ngành dịch vụ sẽ phải minh bạch hơn và cần khắc phục về sự hạn chế chất lượng lao động, cải thiện mặt ngôn ngữ, thủ tục hành chính…