Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế

Theo eFinance

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, tiếp cận các thông tin và chương trình hỗ trợ, các dự án hợp tác phát triển từ các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, hôm nay, ngày 26/2, Sở Ngoại vụ Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn “Tiếp cận nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và Việt Nam - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam 2013”.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại đây, DN sẽ được tiếp cận các thông tin về cơ hội kinh doanh xanh từ Châu Âu, các chương trình hỗ trợ DN Việt Nam tìm kiếm bạn hàng, đối tác thâm nhập thị trường Pháp; Thông tin thị trường, dự án ODA và FDI cho DN Việt Nam; Chương trình hỗ trợ DN Việt Nam trong ngành nông nghiệp và xử lý nước thải; Cơ hội kinh doanh và hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu sang Nga; Thông tin về Quỹ hỗ trợ các hoạt động đổi mới, sáng tạo cho DN Việt Nam; Chương trình xúc tiến thương mại và chắp nối DN Việt Nam - Italia; Thông tin ODA và xúc tiến trong lĩnh vực dệt may, da giày, hóa chất và công nghệ thông tin; Mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp.

Thực tế, theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế IMC cho rằng, năm 2012, thực sự là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chính là việc khó tiếp cận nguồn vốn, thiếu thông tin và một số cơ chế, chính sách… Do đó, ông Hoàng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính cần thiết để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, các thông tin về cơ hội hợp tác đầu tư…

Điều này được ông Hà Văn Quế - Giám đốc Sở Ngoại Vụ Hà Nội ghi nhận và chia sẻ: Năm 2013 được nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng. Chính vì thế, Diễn đàn sẽ là cơ hội giúp các DN Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đón nhận kịp thời thông tin về các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển năm 2013. Đồng thời, qua đây, các DN cũng rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí trong tìm kiếm đối tác ở trong nước và nước ngoài, mở ra cơ hội mới trong năm 2013.

Là một quốc gia rất coi trọng hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta cho biết: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Điều này giải thích vì sao Phần Lan cũng tập trung vào phát triển phương thức hoạt động và quy mô của những doanh nghiệp tư nhân. Sự cạnh tranh trên thị tường thế giới ngày càng khốc liệt, bát kể là ở Châu Âu hay Châu Á. Chính vì thế, Chương trình hỗ trợ phát triển sáng tạo (IPP) sẽ là một yếu tố quan trọng và then chốt trong định hướng trên. Với chương trình này, Phần Lan muốn hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN Việt Nam phát triển và mang đến cho thị trường những giải pháp mới, tối ưu hóa, thông qua việc hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển".

Hiện, thông qua các chương trình như IPP hay Finnpartnership sẽ hỗ trợ các DN ở các nước phá triển ở 3 lĩnh vực: Tìm kiếm phát triển đối tác, Kết nối doanh nghiệp, Cố vấn và hỗ trợ...các công ty ở những nước phát triển có thể tìm được đối tác hoạt động ở Phần Lan. Riêng đối với Việt Nam, các DN có thể tìm kiếm thông tin để đầu tư vào thị trường Phần Lan, cùng với sự hỗ trợ của phía Đại sứ quán Phần Lan trong việc tìm kiếm những công ty Phần Lan sẵn sàng đặt quan hệ đối tác với Việt Nam, qua đây, các DN Việt Nam có thể tận dụng được những mạng lưới, hệ thống quản lý và kinh nghiệm của các tập đoàn nước ngoài. Mặt khác, các tập đoàn Phần Lan có thể phát triển nhanh, mạnh hơn ở một thị trường mới mẻ và năng động như Đông Nam Á.

Còn theo Chủ tịch ICHAM - Michele D’Ercole: Việt Nam đang trở thành một cổng vào lý tưởng cho thị trường Đông Nam Á và Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nhân Ý bởi Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài như sự ổn định về chính trị, kinh tế liên tục phát triển, nguồn lao động dồi dào… Đây là những điều kiện lý trưởng để tạo cơ sở kinh tế hạ tầng vững chắc cho xúc tiến thương hiệu “Made in Italy” tại khắp khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Cũng thể hiện sự quan tâm tới thị trường Việt Nam, ngài John H.Roulngul, Bí thư thứ nhất phụ trách thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ cho biết: Việt Nam đang là một trong số những trụ cột chính trong chính sách hướng đông của Ấn Độ. Do đó, việc ưu tiên tăng cường cam kết song phương, cũng như đa phương, đặc biệt trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa 2 nước đã trở thành mục tiêu quan trọng. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực trong việc tăng cường thương mại gữa 2 nước, nhiều đoàn DN Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tiếp nối thành công này, trong năm 2013, các phái đoàn kinh danh từ nhiều tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Haryana, Cục Xúc tiến xuất khẩu hóa chất và các chế phẩm Ấn Độ, Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ sẽ tới thăm Việt Nam.

Như vậy, với Diễn đàn lần này, nhiều cơ hội kinh doanh cũng như tiếp cận thông tin, nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đến DN Việt Nam sẽ được mở ra, hứa hẹn một giai đoạn mới trong năm 2013.