Cơ hội đa dạng hóa thị trường du lịch trong nước
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp, tìm cơ hội phục hồi sau dịch. Đặc biệt, đa dạng hóa thị trường du lịch trong nước được coi là "cứu cánh" cho ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19.
Tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch Việt Nam
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), dịch COVID-19 sẽ tác động và khiến ngành Du lịch toàn cầu có thể bị thiệt hại tương đối lớn vì chính phủ các nước phải áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn lây lan của dịch bệnh như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động vận tải đường hàng không quốc tế và nội địa…
Dự kiến, trong năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 20-30%, ước tính tổn thất khoảng 300-450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà ngành này thu được vào năm 2019.
Ngành Du lịch Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ trong việc chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh chỉ đạt gần 450.000 lượt khách, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2. Đặc biệt, 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Việt Nam đó là Trung Quốc và Hàn Quốc đều giảm 91,5% và 91,4%. Tổng lượt khách của quý I/2020 đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm hơn 18% so cùng kỳ.
Lượng khách sụt giảm dưới tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nguồn thu dịch vụ du lịch trong quý I/2020. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong kỳ ước đạt 126.200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước, giảm 9,6% so với quý I/2019 .
Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% trong khi cùng kỳ do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Doanh thu từ hầu hết các thành phố có các địa điểm du lịch nổi tiếng đều sụt giảm. Cụ thể, Thanh Hóa ghi nhận giảm gần 50%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; TP. Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.
Những khó khăn, thách thức trên đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam cần có biện pháp động bộ để kích cầu ngành Du lịch có hướng đi mới trong bối cảnh hiện nay.
Đồng bộ triển khai các giải pháp
Trong bối cảnh hậu dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn và phát huy những lợi thế du lịch của Việt Nam.
Thực tế, từ đại dịch Covid-19 cho thấy, việc phụ thuộc vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ không bền vững về lâu dài, du lịch nội địa có thể sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới, Vì vậy, để hấp dẫn du lịch nội địa cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Các công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với các hãng hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn, do đó, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch như miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch.
Đồng thời, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…
Song song với đó, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.