Cơ hội để Việt Nam triển khai điện gió ngoài khơi

Theo Mạnh Hùng/dangcongsan.vn

Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn quan trọng trong hoạt động quy hoạch hệ thống năng lượng, và có cơ hội hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100m có thể đạt 9 – 10 m/s tại nhiều vùng biển của Việt Nam, trong đó khu vực có tiềm năng lớn vùng biển Nam Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ. Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý hay Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38GW mỗi vùng. 

Một báo cáo mới của Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC), hợp tác với Nhóm Tham vấn Năng lượng tái tạo công bố ngày hôm nay (23/7), cho thấy Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn quan trọng trong hoạt động quy hoạch hệ thống năng lượng, và có cơ hội hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này.

Báo cáo “Chuyển đổi trong tương lai của Việt Nam sang điện gió ngoài khơi - Bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất từ quốc tế” rút ra từ các nghiên cứu điển hình toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm tăng cường tăng trưởng lâu dài và tính bền vững của điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Với tiềm năng tài nguyên nằm trong top đầu thế giới và nhu cầu điện gia tăng nhanh chóng, Việt Nam sẵn sàng trở thành quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới. Nhưng các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn thực sự sẽ không được kết nối vào lưới điện quốc gia, sớm nhất là cho đến năm 2026, và Việt Nam cần phải giải quyết một số vướng mắc trong chính sách và quy định để bảo vệ, phát triển các dự án đầu tư.

Trong đó, cơ chế biểu giá điện FIT hiện tại sẽ hết hiệu lực vào tháng 11/2021 và mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi hiện tại là 2 GW vào năm 2030 trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 - mà theo báo cáo, mục tiêu này có thể được nâng lên 10 GW đến năm 2030 để tối đa hóa lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường từ điện gió ngoài khơi. Quy hoạch Điện 8 có thể sẽ được phê duyệt và hoàn thiện vào cuối năm nay.

Liming Qiao, Giám đốc GWEC khu vực châu Á, đưa ra khuyến nghị Việt Nam khẩn trương áp dụng giai đoạn chuyển đổi đối với điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với một quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở về mua bán và đấu giá điện trong tương lai. Chỉ còn chưa đầy 10 năm để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch Điện 8 vào năm 2030, bây giờ là thời điểm để bắt đầu quá trình tham vấn rộng rãi hơn và xem xét nâng tham vọng lên 10 GW vào năm 2030. Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn quan trọng này, để biến điện gió ngoài khơi trở thành trụ cột trong hệ thống điện trong tương lai.

Michael Stephenson, Phó Giám đốc, Nhóm Tham vấn Năng lượng Tái tạo cho rằng: Chúng tôi đã thấy các quốc gia học cách đưa đấu giá vào chính sách điện gió ngoài khơi theo nhiều cách khác nhau, và các kết luận chính cùng các nghiên cứu cụ thể từ phân tích của chúng tôi sẽ được trình bày trong báo cáo này. Nhìn chung, một cách tiếp cận phối hợp hiệu quả hơn là rất quan trọng, bên cạnh đó cũng cần xem xét sự tương tác của chính sách đấu giá với các yếu tố khác như niềm tin của nhà đầu tư và việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, cũng như đảm bảo thực hiện được một giai đoạn chuyển đổi phù hợp để chuyển sang một cơ chế mới.

Báo cáo rút ra bài học kinh nghiệm của sáu khu vực địa lý trong việc chuyển đổi từ cơ chế hỗ trợ điện gió ngoài khơi sang cơ chế cạnh tranh, bao gồm: Đan Mạch, Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Đài Loan (Trung Quốc). Mỗi nghiên cứu cụ thể phác thảo các khuôn khổ chính sách được áp dụng để định hướng quá trình chuyển đổi, thời gian của các chương trình mua bán khác nhau và ảnh hưởng của chúng tới công suất lắp đặt trên thị trường điện gió ngoài khơi.

Joyce Lee, Trưởng phòng Chính sách và Dự án, GWEC, cho biết: Bài học kinh nghiệm toàn cầu đã đưa ra các khuyến nghị đắt giá cho ngành gió ngoài khơi còn non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm quan trọng này, khi mà các quyết định về hệ thống năng lượng của quốc gia sẽ tạo ra sự khác biệt về một tương lai sử dụng năng lượng sạch và hạn chế phát thải carbon. Báo cáo mới đưa ra một số khuyến nghị cụ thể trước mắt về thời gian và quá trình chuyển đổi cơ chế biểu giá FIT cho điện gió ngoài khơi, khuôn khổ lập kế hoạch, thiết kế đấu giá và hơn thế nữa. Những nỗ lực và hợp tác tích cực trong từng lĩnh vực có thể hỗ trợ rất nhiều dự án lớn hơn và bền vững hơn đến năm 2030.

Báo cáo khuyến nghị một giai đoạn chuyển đổi trong vài năm tới, trong đó cơ chế biểu giá FIT cho điện gió ngoài khơi được đặt ra để áp dụng cho 4-5 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam, song song với đó là việc Chính phủ sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ thuật về thiết kế đấu giá. Các cuộc đấu giá có thể sẽ được công bố, sớm nhất vào năm 2024 theo mô hình chuyển đổi này.

Ngoài các nghiên cứu cụ thể và khuyến nghị toàn cầu cho Việt Nam, báo cáo cũng cung cấp kết quả phỏng vấn các bên liên quan trong Chính phủ, nhà đầu tư, các ngành công nghiệp và cộng đồng ngư dân. Các cuộc phỏng vấn này phản ánh sự đồng thuận mạnh mẽ rằng, cần có sự rõ ràng về chính sách và tham vấn nhiều bên liên quan để tăng cường hoạch định chính sách điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Dự báo kế hoạch chuyển đổi đưa ra khả năng ít nhất 4-5 GW điện gió ngoài khơi sẽ được kết nối vào lưới điện ở Việt Nam vào năm 2030, nhưng công suất tiềm năng hơn còn tùy thuộc vào kế hoạch đấu giá và các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện 8 cũng như các chính sách khác.

GWEC là một tổ chức thành viên đại diện cho toàn bộ ngành năng lượng gió. Các thành viên của GWEC đại diện cho hơn 1.500 công ty, tổ chức và cơ quan tại hơn 80 quốc gia, bao gồm các nhà sản xuất, nhà phát triển, các nhà cung cấp linh kiện, các viện nghiên cứu, nhiều hiệp hội năng lượng tái tạo và năng lượng gió quốc gia, nhà cung cấp điện, cũng như nhiều công ty tài chính và bảo hiểm.

Nhóm Tham vấn Năng lượng tái tạo (RCG) thuộc tập đoàn ERM, là một công ty dịch vụ hỗ trợ chuyên về lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu. Từ chiến lược đến triển khai, công ty phục vụ các doanh nghiệp, Chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận trên  toàn thế giới với các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và quản lý cho cả công nghệ năng lượng tái tạo phổ biến và mới nổi. RCG làm việc với các cơ quan dịch vụ công cộng, các công ty cổ phần tư nhân và dịch vụ tài chính, các nhà cung cấp vụ tiện ích, nhà phát triển dự án, các nhà sản xuất thiết bị, các công ty kỹ thuật và xây dựng trong lĩnh vực công nghệ điện gió, năng lượng mặt trời và các công nghệ mới nổi bao gồm điện sóng, thủy triều và các dự án tích trữ năng lượng.