Cơ hội khác thường

TS. Lê Duy Hiếu - Viện kinh tế Việt Nam

Sự suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay chỉ là bước ngoặt của quá trình phát triển mang tính đột biến chưa từng có trong lịch sử, do vậy nó không chỉ tạo ra những thách thức to lớn mà còn tạo ra những cơ hội khác thường.

Cơ hội khác thường
Sau khủng hoảng là thời đại của sản phẩm công nghệ mới, nhưng dấu ấn thực sự lại liên quan mật thiết với tự do di chuyển vốn, nhân tài và sáng tạo cá nhân
Thế giới đang đứng trước ranh giới của sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt. Đặc trưng nổi bật của thế kỷ XXI là vai trò quyết định tăng trưởng của công nghiệp trong các thế kỷ đã qua đã phải nhường chỗ cho thời đại công nghệ mới.

Thế giới thay đổi

Ở Châu Âu, đóng góp vào tăng trưởng của các ngành công nghiệp như sản xuất sắt, thép, chế tạo máy bao gồm cả ngành công nghiệp ôtô… đã giảm mạnh từ 47% trong thập niên cuối của thế kỷ XX còn 38% trong thập niên đầu thế kỷ XXI, trong khi sự đóng góp vào tăng trưởng của công nghệ mới không chỉ tăng nhanh ở Châu Âu mà còn ở hàng loạt quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Ngay cả những ngành công nghiệp mới, ngành dịch vụ tài chính mà đại diện là Hoa Kỳ, vốn một thời làm mưa gió trên phạm vi toàn cầu cũng đã chuyển sang giai đoạn kết thúc. Cũng tương tự như vậy thu từ dịch vụ tài chính của Anh và Đức sụt giảm khoảng 12-13% trong cùng thời gian tương ứng.

Theo ông Jame Caton - Viện trưởng viện tương lai toàn cầu Hoa Kỳ, thị trường công nghệ mới, thị trường lao động chất lượng cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… sẽ phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy và sẽ có doanh số nhiều chục ngàn tỉ USD trong tương lai không xa. Nhiều nhà kinh tế dự báo rằng, vào năm 2020, lao động chất lượng cao trên thế giới có thể tương đương với dân số của một quốc gia đông dân, trong đó riêng Hoa Kỳ thiếu hụt khoảng 10,5 triệu chủ yếu là lao động trong các ngành sử dụng công nghệ mới.

Một đặc điểm nổi bật khác cần chú ý là sự ra đi của thời đại công nghiệp mà nước Anh là trung tâm đã làm cho cầu đầu tư và tiêu dùng giảm mạnh, do vậy tạo ra sự dư thừa tư bản. Mặt khác, do cầu đầu tư và tiêu đùng sụt giảm nên các chính phủ thường phải lựa chọn chính sách nới lỏng tiền tệ, hệ quả là tư bản thừa gia tăng hơn, giá vốn hay lãi suất cho vay càng sụt giảm. Điều này không chỉ tạo ra sự phân bổ lại và dịch chuyển tư bản mà còn là công nghệ và nhân lực chất lượng cao trên phạm vi toàn cầu. Châu Á, trong đó có Việt Nam được coi là điểm đến của sự dịch chuyển này. Điều này rõ ràng là mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước đi sau tiếp cận công nghệ mới, nhân lực chất lượng cao và lượng vốn giá rẻ trên toàn thế giới.

Cũng cần phải chú ý rằng, đối với thị trường trong nước không phải là không có các cơ hội vàng. Thực tế là cơ chế đầu cơ và lũng đoạn thị trường bất động sản đã bị co hẹp lại rất đáng kể, giá bất động sản đã giảm khoảng 40-50% so với 2010. Điều này sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh trên thị trường và hưởng lợi từ thị trường này. Cũng cần phải nói thêm rằng, Việt Nam có dân số trẻ, tăng trưởng GDP khoảng 4-5%, thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ phục hồi cho dù chỉ mang tính ngắn hạn, lãi suất sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới… Có thể nói, xét trong toàn bộ, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, cơ hội nhiều hơn thách thức.

Doanh nghiệp Việt Nam vượt khó

Các doanh nghiệp hiện nay vừa phải đối mặt với những thách thức to lớn, vừa có cơ hội khác thường chưa từng có trong lịch sử. Vấn đề là cần có chiến lược phù hợp và áp dụng sáng tạo vào các lĩnh vực cụ thể để có thể tận dụng tốt các cơ hội khác thường.

Đối với kinh doanh bất động sản: điểm mới trong chiến lược này là sự chuyển hướng kinh doanh từ đất sang những tài sản trên đất. Cần chú ý rằng, thời kỳ dạy nghề, chăm sóc y tế… theo phong trào đã kết thúc. Do vậy, hướng phát triển tài sản trên đất cần chú ý tới việc xây dựng các trường dạy nghề, bệnh viên, trường học … chất lượng cao trên cơ sở hợp tác với các đối tác nước ngoài và trong nước.

Đối với lĩnh vực nhà ở, chuyển hướng từ đối tượng đầu cơ và thu nhập cao sang đối tượng thu nhập trung bình và thấp, chuyển một phần căn hộ kể cả cao cấp sang nhà cho thuê. Đối với hàng tồn kho, doanh nghiệp có thể thực hiện một bước lùi, hạ giá mạnh tay và bán nợ để thu hồi dù chỉ một phần vốn.

Tuy nhiên, cần phải chú ý những thay đổi chính sách trong thời gian tới. Nhiều khả năng là chính phủ sẽ bơm tiền không hạn chế nhằm giải cứu thị trường bất động sản. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, thị trường chỉ khôi phục trong ngắn hạn và sau đó sẽ suy giảm sâu hơn so với hiện nay. Do vậy, cần kiên trì theo đuổi chiến lược đã định để phát triển.

Đối với tài chính tín dụng và ngân hàng: điểm mới trong chiến lược kinh doanh của lĩnh vực này là chuyển hướng sang huy động vốn giá rẻ đặc biệt là vốn nước ngoài thay thế một phần cho huy động vốn trong nước giá cao. Trên cơ sở đó, thực hiện một bước lùi, bán số cổ phiếu nắm giữ vì thị trường chứng khoán sẽ có phục hồi ngắn hạn, hạ giá bán một phần hay toàn bộ nợ xấu cũng như hạ mạnh lãi suất nhằm khơi thông quan hệ tín dụng và thúc đẩy hoạt động bình thường của nền kinh tế, do vậy mà ngân hàng có thể phát triển.

Đối với công nghệ mới: trước hết, tập trung áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị hàng hóa ở những lĩnh vực, những ngành hiện đang xuất khẩu với khối lượng lớn. Trong nông nghiệp có gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, hải sản… trong công nghiệp có hàng điện tử, may mặc, dày da… Cần chú ý là điểm khác biệt trong chiến lược này là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh ở các thị trường có giá trị gia tăng cao như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… chứ không phải là mở rộng sang các thị trường mới. Bước lùi trong chiến lược này là tạm thời chưa thực hiện việc mở rộng ra các thị trường mới mà chỉ tập trung cho các thị trường ưu tiên.

Đối với kinh doanh hàng hóa và dịch vụ: hướng chủ đạo trong các ngành dịch vụ là chuyển hướng mạnh sang đáp ứng các nhu cầu cá nhân. Những hướng đầu tư có hiệu quả cao trong ngành dịch vụ có thể xếp theo thứ tự ưu tiên: Thứ nhất, đầu tư cho dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm cả lực lượng làm du lịch và dịch vụ pháp lý bảo vệ tài sản và quyền tự do công dân; Thứ hai, đầu tư cho dịch vụ nông nghiệp nông thôn; Thứ ba, đầu tư cho dịch vụ công nghệ mới trước hết là công nghệ thông tin và sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Thứ tư, dịch vụ ăn uống và may mặc.

Một thời đại mới đã xuất hiện. Điểm đáng chú ý là mặc dù thời đại này là sản phẩm của công nghệ mới, nhưng dấu ấn thực sự của nó lại liên quan mật thiết với tự do di chuyển vốn, nhân tài và sáng tạo cá nhân. Thống đốc ngân hàng Trung ương Canada đã trở thành thống đốc ngân hàng trung ương Anh như là một thông điệp báo trước rằng, không chỉ nguồn vốn vô tận giá rẻ mà ngay cả nguồn nhân lực siêu cao cấp của thế giới đều có thể được sử dụng vì mục tiêu kinh doanh của bạn. Vấn đề là bạn có tầm nhìn chiến lược và một lộ trình phù hợp hay không. Thời đại đang tạo cho bạn cơ hội khác thường như là món quà mừng xuân vô giá để thành đạt.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Không ai dám vỗ ngực nói rằng mình “khỏe”

Ở thời điểm này không ai dám vỗ ngực nói rằng mình khỏe, nhưng doanh nghiệp nào còn trụ vững qua các đợt bão kinh tế vừa qua, chứng tỏ họ có tiềm lực. Cuộc đào thải khắc nghiệt trong gần 4 năm gần đây đã khiến những doanh nghiệp nhỏ, yếu chấp nhận bỏ cuộc chơi. Theo tôi, khi nói về kinh nghiệm vượt khủng hoảng, công thức chung nhiều người đề cập là: có chiến lược dài hơi, đánh trúng thị trường, cắt giảm chi phí và biết dùng người... Tuy nhiên, căn bản nhất là mỗi doanh nghiệp phải nhìn nhận đúng về mình, không lạc quan tếu nhưng cũng không quá bi quan. Điều quan trọng nhất là biết dừng đúng lúc và "điều tiết lòng tham". Với lãi vay ngân hàng cao thì doanh nghiệp cần chắt lọc, lựa chọn dự án sinh lãi cao so với đồng vốn bỏ ra. Đơn cử, như lãi ngân hàng 11- 12% mà lợi nhuận chỉ 15-17% thì không mang lại hiệu quả. Lãnh đạo tập đoàn đã rất nhiều lần phải ngồi lại để phân tích từng lĩnh vực một và tính toán xem nếu bỏ tiền vào thì lợi nhuận thu về là bao nhiêu. Ngay cả lĩnh vực thế mạnh nhưng nếu nhìn trước không mang lại lợi nhuận, chúng tôi cũng nhất định không mạo hiểm đầu tư.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: Kiểm soát chi phí đầu vào

doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập sẽ làm người tiêu dùng bị “choáng”. Xác định phân khúc thị trường và tìm kiếm thêm những thị trường mới. Trong tình hình thị trường thay đổi, doanh nghiệp bán lẻ cần định vị lại sản phẩm phù hợp để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nên tối ưu hóa dây chuyền cung ứng và xây dựng thương hiệu nhà bán lẻ. Đưa công nghệ vào phục vụ hoạt động kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng phó và hành động. Tập trung cắt giảm chi phí trong hoạt động, cân nhắc hoạt động đầu tư, quản trị nguồn nhân lực; phối hợp với các nhà cung cấp để bàn bạc các giải pháp chia sẻ khó khăn của nhau và với khách hàng. Kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ. Trên cả nước đang có hơn 580 siêu thị và 120 trung tâm mua sắm. Trong năm 2012, số lượng hệ thống mô hình này tăng 17%, tuy nhiên, kênh bán lẻ truyền thống cũng đang “chuyển mình” thay đổi về hình thức lẫn chất lượng. Từ đó, càng tạo nên sự cạnh tranh trong hoạt động bán buôn.

Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế:  Doanh nghiệp đang mạnh tay điều chỉnh

Để vượt khó trong bối cảnh khủng hoảng, trước hết, các doanh nghiệp Việt cần giải quyết nợ xấu, khôi phục vòng sản xuất, xem xét lại biến đổi của nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vẫn cần áp dụng khoa học công nghệ và kiên quyết giữ nguồn nhân lực cốt lõi của mình, dù khó khăn. Đúng là tình hình kinh tế hiện nay rất khó khăn. Song không nên vì thế mà đánh giá tình hình kinh tế tất cả đều ảm đạm đến mức tuyệt vọng. Bởi trong bức tranh tối vẫn còn có những nét sáng nhưng tỷ lệ đó là bao nhiêu, lên xuống như thế nào thì cần sự nghiên cứu nghiêm túc. Tôi cho rằng bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phá sản thì vẫn có nhiều đơn vị vẫn sống khỏe, nhất là khi doanh nghiệp Việt đã có điều chỉnh mạnh tay để phù hợp với thị trường hiện nay.