Cơ hội nào cho An Giang phát triển?
Lợi thế về nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên giới… của An Giang là những định hướng trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vai trò là cửa ngõ kết nối với các nước tiểu vùng Mekong, hệ thống giao thông thủy, bộ được đầu tư hoàn chỉnh, thông suốt, An Giang đang đứng trước thời cơ phát triển mới.
Mũi nhọn nông nghiệp, du lịch
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nông nghiệp và du lịch tiếp tục là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Đây cũng là 2 lĩnh vực được kỳ vọng tạo nên đột phá của vùng ĐBSCL, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.
Nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang được xác định là một trong những địa phương trọng điểm của vùng sinh thái nước ngọt, sản xuất an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn. Các sản phẩm chiến lược quốc gia tại ĐBSCL là thủy sản, trái cây và lúa gạo, được quy hoạch phát triển theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Đây cũng là những sản phẩm thế mạnh của An Giang.
Những kiến nghị của tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch của Chính phủ đối với vùng ĐBSCL là “Thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu quy mô lớn, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Trong định hướng phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển, An Giang đóng góp quan trọng vào bản đồ du lịch của vùng. Trong đó, núi Sam (TP. Châu Đốc) và Thới Sơn (huyện Tịnh Biên) nằm trong danh sách khu du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử.
Cù lao Ông Hổ (TP. Long Xuyên) là một trong những điểm du lịch quốc gia. Tịnh Biên nằm trong hệ thống kết nối du lịch qua cửa khẩu quốc tế đường bộ. TX. Tân Châu nằm trên tuyến du lịch đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu, kết nối với Phnom Penh, Seam Reap (Vương quốc Campuchia)…
Trong định hướng của Chính phủ, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Đây được xem là cơ hội lớn để phát triển du lịch An Giang.
Hành lang kinh tế quan trọng
Trong quy hoạch ĐBSCL, Chính phủ xác định có 4 hành lang kinh tế chính. Cụ thể, hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp giúp tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu vừa là hành lang kinh tế, không gian văn hóa, vừa là hành lang đa dạng sinh học, không gian cảnh quan sông nước có tính nhận diện, đặc trưng của vùng ĐBSCL.
Hành lang này định hướng phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái 2 bên sông, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của vùng Tây Nam Bộ. Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu được định hướng dài hạn trở thành vùng đô thị chiến lược đối trọng với vùng TP. Hồ Chí Minh, có tiềm năng lớn và khả năng kết nối, giao thương quốc tế về đường thủy nội địa và hàng hải.
Đối với hành lang kinh tế ven biển (Long An, Cà Mau đến Kiên Giang), tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo. Trong khi đó, hành lang biên giới (tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Ngoại trừ hành lang kinh tế ven biển, các hành lang kinh tế còn lại đều có vai trò đóng góp quan trọng của An Giang. Trong các khu vực phát triển động lực của vùng, An Giang cũng nằm trong khu vực tứ giác trung tâm (Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long), là điểm hội tụ của các hành lang phát triển, hành lang vận tải quan trọng của vùng.
TP. Long Xuyên được xác định là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Bắc của vùng ĐBSCL, là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt. Trong khi đó, Tân Châu và Tịnh Biên (Khu kinh tế cửa khẩu An Giang) được đầu tư phát triển để trở thành một trong các khu kinh tế trong vùng gắn với các đô thị trọng điểm tại các tiểu vùng.
Để kết nối vùng ĐBSCL với các vùng động lực kinh tế khác, Chính phủ quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng chiều dài khoảng 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.
Trong đó, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài khoảng 191km, quy mô 6 làn xe) là một trong 3 trục ngang quan trọng. Ngoài ra, tuyến đường liên tỉnh kết nối An Giang với các tỉnh ĐBSCL cũng được đẩy mạnh đầu tư, như: Tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp), dài khoảng 85km; tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang (từ Quốc lộ N1 đến Quốc lộ 61C, dài khoảng 130km)...
Hệ thống đường bộ cùng với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Trung ương tập trung đầu tư phát triển, đặc biệt là tuyến đường thủy TP. Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu... sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, cầu Thuận Giang và cầu Mỹ Hòa Hưng; tiếp nhận Tỉnh lộ 954, nâng cấp thành Quốc lộ 80B. Khi đó, cùng với cầu Châu Đốc, An Giang sẽ được kết nối thông suốt vào tuyến Xuyên Á (TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ), cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hệ thống cao tốc bên phía Campuchia.