Mục tiêu 10 "Start-up kỳ lân" tại Việt Nam vào năm 2030:
Cơ hội nào cho lĩnh vực ngân hàng số?
Mặc dù con số 2 "kỳ lân" của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng số 24 "kỳ lân" tại Đông Nam Á và 800 "kỳ lân" trên toàn thế giới, song là quốc gia với dân số trẻ đầy nhiệt huyết, cùng sự bùng nổ phát triển của ngành công nghệ trong thời gian qua, dư địa phát triển các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn. Sự xuất hiện của những "Start-up kỳ lân" tiềm năng tại Việt Nam cho thấy cơ hội tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của quốc gia cũng như một dự báo tích cực cho mục tiêu sở hữu 10 "Start-up kỳ lân" tại Việt Nam vào năm 2030.
VNG và VNPAY - 2 "kỳ lân" công nghệ của Việt Nam
Với xuất phát điểm là công ty khai thác lĩnh vực game online với các sản phẩm, dịch vụ như cổng nghe nhạc trực tuyến ZingMp3, mạng xã hội Zing Me… Vinagame (tên ban đầu của VNG) đạt được nhiều thành tích nổi trội và ngày càng phát triển. Năm 2014, Công ty VNG được World Start-Up Report định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam.
VNPAY ra mắt năm 2007, được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. VNPAY được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn năm 2020 từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC trị giá 300 triệu USD.
Liệu Việt Nam có cơ hội sở hữu 10 "kỳ lân" trong thời gian tới?
Theo đánh giá của Start-Up Blink năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới. Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong tốp 20-25 hệ sinh thái hàng đầu.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, nhưng vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các Start-up thuộc lĩnh vực Fintech, ngân hàng số (Digital Bank). Theo thống kê của Nextrans Việt Nam, tổng giá trị đầu tư vào các Start-up Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 100 triệu USD, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2020, chưa tính những khoản đầu tư không được công bố.
So với những nước bạn trong cùng khu vực như Indonesia hiện đang có 8 "kỳ lân", con số 2 tại Việt Nam đang khá khiêm tốn. Nhưng nhìn vào hiện tại, Việt Nam cũng sở hữu cho mình những cái tên đáng giá đang được kỳ vọng sẽ bước vào trạng thái "kỳ lân" trong những năm tiếp theo.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) là công ty sở hữu ví điện tử Momo với tuổi đời hơn 10 năm, phục vụ cho 25 triệu người dùng với hơn 30.000 đối tác kinh doanh và hơn 120.00 điểm chấp nhận thanh toán được cho là đang nỗ lực huy động thêm ít nhất 100 triệu đô la Mỹ để trở thành "kỳ lân" công nghệ; Tiki - từ khởi điểm là nền tảng bán sách vào năm 2010 đã nhanh chóng mở rộng thị trường thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam với đa dạng các mặt hàng từ đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, sản phẩm điện tử, xe cơ giới... vừa được định giá 832 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E - được dự đoán sẽ trong trạng thái tiệm cận "kỳ lân".
Start-up thương mại điện tử và giao hàng Loship được thành lập vào năm 2017 với mong muốn mở rộng quy mô sang chuỗi cung ứng, bán lẻ là cái tên được mong chờ tiếp theo khi được cho là nhận được tài trợ tám chữ số (USD) từ Quỹ Smilegate trong vòng tài trợ Series B cũng như được bảo đảm đầu tư từ Tập đoàn Hana, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á.
Cơ hội nào cho lĩnh vực ngân hàng số trong thời gian tới?
Thời gian này, Việt Nam được đánh giá là thị trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầy tiềm năng, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng số nhờ vào những yếu tố nền tảng như dân số trẻ năng động và có kiến thức am hiểu về công nghệ cũng như cơ chế kinh tế khá cởi mở trong những năm qua tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ ở tầng lớp trung lưu. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng số tại Việt Nam sẽ còn có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới nếu chúng ta có thể tiếp cận tập khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc nâng cấp dịch vụ trải nghiệm theo hướng cá nhân hóa tạo ra sự mới mẻ và đột phá.
Thời gian qua, Timo Digital Bank - Ngân hàng số tiên phong và dẫn đầu tại thị trường Việt Nam đang đang trong giai đoạn tăng tốc để gia nhập đường đua, cũng như được đánh giá là một Start-Up nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chỉ sau 5 năm thành lập và phát triển, với thành tích nổi bật như “Ngân hàng đột phá” và “Ngân hàng số có tốc độ phát triển nhanh nhất” do Global Economics trao tặng, chiến lược của Timo ưu tiên tập trung đầu tư vào công nghệ để phân tích và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, từ đó cho ra đời các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài chính phù hợp. Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19, Timo đã thể hiện được sự nhanh nhạy khi chuyển mình và hướng tới việc trở thành một ngân hàng kết nối cộng đồng (Social Banking) nhằm mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tiện lợi và an toàn cho khách hàng.
Tóm lại, những nỗ lực khuyến khích, hỗ trợ của chính phủ cùng sự phát triển mạnh mẽ của các Start-up công nghệ trong thời đại số cho phép chúng ta hy vọng về một Việt Nam với nhiều hơn những Start-up tỷ đô, đạt được mục tiêu gần là chạm mốc 10 "kỳ lân" vào năm 2030 và tương lai xa là ghi mình vào bảng xếp hạng "Start-up kỳ lân" ở châu Á cũng như trên toàn thế giới.