Cơ hội phát triển thương mại điện tử cho các nước ASEAN
(Tài chính) Năm 2015, dự kiến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập, điều này tạo cơ hội cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) của các quốc gia trong khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, để ngành TMĐT đi sâu vào hoạt động kinh tế giữa các nước, các quốc gia cần thực hiện quá trình chuẩn bị trên nhiều lĩnh vực.
Một số rào cản về thương mại điện tử trong ASEAN sẽ được xóa bỏ
Theo TS. Nguyễn Tiến Minh (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), khi AEC được thành lập sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho TMĐT các nước ASEAN phát triển. Cụ thể, khi ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn, lao động có tay nghề sẽ là một thuận lợi lớn đối với TMĐT của các quốc gia thành viên. Bởi rào cản trong trao đổi thương mại khu vực được xóa bỏ thì khối lượng và tốc độ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ sẽ được đẩy mạnh. Đây chính là một cơ hội cho sự phát triển của TMĐT.
Mặt khác, giao dịch TMĐT sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà có thể mở rộng trong toàn khu vực, thậm chí trên toàn cầu. Bên cạnh đó, ASEAN là khu vực đầu tiên trong thế giới đang phát triển có được khung chính sách pháp lý đối với TMĐT. Dự báo 10 năm nữa, đây sẽ là khu vực có nhiều thành tựu nhất trong các quốc gia đang phát triển liên quan đến việc thực hiện đồng bộ hóa luật TMĐT.
Bên cạnh đó, mục tiêu mà AEC hướng tới là hình thành một khu vực kinh tế năng động và có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). Nếu những mục tiêu này trở thành hiện thực sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên. Với nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông đã đạt tới một trình độ nhất định, cùng với sự hợp tác cùng nhau phát triển, sẽ giúp cho các quốc gia thành viên AEC có sự phát triển đồng đều. Khi đó, giao dịch TMĐT của ASEAN sẽ có điều kiện phát triển về chiều rộng và chiều sâu.
Thêm vào đó, khi ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh tế của ASEAN với các nước ngoài khối, đặc biệt với các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật, EU,…Từ đó, mở ra cơ hội trao đổi thương mại tự do với các nước và khu vực trên toàn cầu. Khi thương mại quốc tế của ASEAN với bên ngoài được đẩy mạnh, chắc chắn giao dịch TMĐT sẽ có điều kiện mở rộng và phát triển.
Bởi vậy, nhằm phát triển TMĐT của các nước ASEAN trước thềm AEC, các quốc gia thành viên cần thực hiện các biện pháp quyết liệt. Trong đó, cần tăng cường vai trò của Chính phủ trong việc tạo dựng một môi trường mang tính hỗ trợ giúp cho TMĐT mở rộng và phát triển; kích hoạt TMĐT thông qua các dự án thí điểm, các trung tâm thí điểm và các thực nghiệm. Khuôn khổ pháp lý mới cần có khả năng thích ứng và đủ linh hoạt để thích nghi được với các biến đổi về công nghệ của khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của khu vực doanh nghiệp. Chấp nhận, phát triển và ứng dụng TMĐT thông qua cam kết của khu vực doanh nghiệp và các hiệp hội buôn bán. Cùng với đó nâng cao năng lực của cơ sở hạ tầng mạng truyền thông nhằm đảm bảo tính liên thông và tính liên tác. Bởi một trong các yêu cầu cơ bản TMĐT là tính phổ biến và tính dễ tiếp cận với cơ sở hạ tầng truyền thông. Đồng thời, chi phí cao có thể cản trở việc truy nhập vào mạng thông tin, nên giá dịch vụ viễn thông, cùng với giá của phần cứng và phần mềm cần thiết để truy cập vào mạng truyền thông nên ở các mức có thể chịu đựng được.
Để TMĐT có thể thành công trong nội ASEAN, tính liên tác cần được đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho tất cả người sử dụng mạng ở các quốc gia thành viên có thể liên thông với nhau, không phân biệt kiểu máy tính, hãng cung cấp dịch vụ viễn thông, kiểu mạng và kiểu phần mềm sử dụng.
Song song với đó, các quốc gia thành viên của AEC cần thừa nhận bản chất không biên giới của TMĐT, đồng thời nhận rõ sự cần thiết thiết lập và hài hòa các quy tắc, tiêu chuẩn và các hệ thống trên quan điểm toàn khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMĐT. Những nguyên tắc này sẽ trở thành khuôn khổ cho việc đặc định và thiết kế hợp tác kỹ thuật và các sáng kiến, thông qua đó tạo thuận lợi cho các nước ASEAN tiến hành buôn bán điện tử với các nước khác trên thế giới.
Thêm vào đó, cần thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, có tính tới những sự phát triển mới nhất, các chuẩn mực đã hình thành và các tiêu chuẩn được quy định trong các hiệp định và các công ước quốc tế có liên quan. Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là cần thiết bởi các sản phẩm, các dịch vụ số hóa truyền gửi trên internet có thể bị sao chép một cách dễ dàng.
Mặt khác, cần nâng cao tính an toàn trong giao dịch TMĐT, tạo dựng môi trường tại các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đảm bảo an ninh cho TMĐT. Khu vực tư nhân cần đi đầu trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ bảo đảm an toàn theo kịp mức độ hiện đại. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ chứng thực và mã hóa để giao dịch điện tử an toàn.
Đồng thời đảm bảo yêu cầu về bảo mật và tin cậy trong hoạt động TMĐT. Trong đó, nên sử dụng các phương tiện công nghệ được công nhận quốc tế và có tính liên tác để chống truy nhập bất hợp pháp vào các dữ liệu.
Bên cạnh đó, cần có các tiêu chuẩn cho mã thương mại và hoạt động thương mại để các doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả trong khu vực và các quốc gia khác trên thế giới. Phát triển các hệ thống thanh toán điện tử, chủ động tham gia sử dụng và không ngừng nâng cao các hệ thống thanh toán điện tử nhằm trợ giúp cho buôn bán trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Các quốc gia thành viên ASEAN đảm bảo tính an toàn và tính đáng tin cậy của các hệ thống thanh toán điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng hoặc để đáp ứng các mục tiêu trọng yếu về thực thi các luật.
Phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam
Theo thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, với sự bùng nổ của dịch vụ internet, kết nối 3G và các thiết bị di động như hiện nay, giao dịch TMĐT Việt Nam đã đạt giá trị 2,2 tỷ USD năm 2013 và có thể chạm ngưỡng 4 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, tiềm năng càng lớn thì rủi ro cũng nhiều bởi đến nay, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong TMĐT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển.
Hiện nay, khoảng một phần ba dân số Việt Nam truy cập internet, do vậy TMĐT có nhiều tiềm năng để phát triển. Với sự bùng nổ như vậy, vi phạm trong giao dịch TMĐT bắt đầu phát sinh gây nên sự nghi ngờ từ phía người tiêu dùng. Ngoài ra, một số mô hình TMĐT bán lẻ trên mạng đã xuất hiện tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng cấm kinh doanh.
Về hội nhập khu vực của ngành TMĐT, ngay từ cuối năm 2004, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán ban đầu và hoàn thành lộ trình hội nhập toàn diện ngành TMĐT trong ASEAN. Các mục tiêu của việc hội nhập ngành TMĐT trong ASEAN bao gồm: tự do hóa thương mại các sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), dịch vụ và đầu tư ICT; phát triển, tăng cường củng cố năng lực cạnh tranh của các ngành ICT trong ASEAN; giảm cách biệt về kỹ thuật số trong từng quốc gia thành viên ASEAN và giữa các quốc gia thành viên ASEAN; thúc đẩy hợp tác giữa khu vực Nhà nước và tư nhân tiến tới thực hiện mục tiêu TMĐT ASEAN.
Trong thời gian tới, để phát triển TMĐT tại Việt Nam, theo TS Nguyễn Tiến Minh, các yếu tố hạ tầng cần được xây dựng một cách đồng bộ từ pháp lý, viễn thông, internet, thanh toán, nguồn nhân lực. TMĐT là một lĩnh vực mới nên vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở giai đoạn đầu phát triển rất quan trọng. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng chính sách, chiến lược phát triển phù hợp thực trạng và năng lực ứng dụng của các đối tượng. Đặc biệt cần xây dựng chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ứng dụng TMĐT.
Hoạt động TMĐT ở Việt Nam hiện khá đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất và có tác động xã hội rộng lớn. Trong khi đó, năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật chưa theo kịp với nhu cầu của thực tiễn phát triển. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cần có hệ thống văn bản pháp luật với hiệu lực đủ mạnh và tầm bao quát lớn, đặt nền tảng cho việc xây dựng cơ chế và tổ chức triển khai các hoạt động thực thi pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT thời gian tới./.