Cơ hội từ chính những khó khăn

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn "lẫm chẫm” bước ra khỏi những bất lợi của suy thoái và thực sự đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, chúng ta lại phải đối mặt với những tác động tiêu cực của việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy không mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn kiên trì và linh hoạt, chủ động và sáng tạo chèo lái con tàu kinh tế đi qua mọi giông bão khó lường.

Cơ hội từ chính những khó khăn
Nền kinh tế Việt Nam với những chủ trương và định hướng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo, chắc chắn sẽ phát triển bền vững. Nguồn: internet

Mừng nhiều hơn lo từ những chỉ số

Đó cũng là nhận định của GS., TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về "bức chân dung” kinh tế, xã hội từ đầu năm đến nay. GS. Đạt nói: Nếu đánh giá một cách tổng quát có thể nói rằng, kết quả mà nền kinh tế trong nửa chặng đường đầu của năm 2014 đạt được theo các số liệu thống kê vừa công bố là mừng nhiều hơn lo. Về cơ bản, các điểm sáng mà nền kinh tế có được trong năm qua vẫn tiếp tục sáng, các chỉ số kinh tế vĩ mô về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, đầu tư, thu chi ngân sách… cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, đằng sau những kết quả như vậy vẫn còn đó ngổn ngang nhiều nỗi lo về sự trì trệ, "trầm cảm” của nền kinh tế và xuất hiện những thách thức mới đến từ "biến số Biển Đông”, với hệ quả về kinh tế chưa thực sự rơi vào quý 2 do có độ trễ nhất định.

Còn nhớ tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ hồi đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm, Việt Nam đối mặt với tình hình khó khăn chung của thế giới và trong nước. Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 vi phạm chủ quyền của Việt Nam, cả nước vừa phải đương đầu với những khó khăn chung trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu vừa phải nỗ lực đối phó với tình hình trên Biển Đông. Nhờ sự nỗ lực chung của cả nước, 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng khá trên tất cả các lĩnh vực. GDP bình quân 6 tháng đạt 5,18%. Công nghiệp tăng đều hàng tháng, mỗi tháng nhích lên 0,2%. Lĩnh vực nông nghiệp có những mặt tăng trưởng nhảy vọt...

Và trước những tín hiệu vui đó, Chính phủ đề ra thêm 2 mục tiêu để quan tâm chỉ đạo điều hành: tập trung với nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hoà bình; bảo đảm được an ninh trật tự xã hội, không để tái diễn tình trạng manh động như vừa qua. Chính phủ thống nhất không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, xã hội khác đã được Quốc hội giao, nỗ lực để cuối năm đạt mức tăng trưởng GDP 5,8%. "Chính phủ dự trù với tình huống xấu xảy ra, hoạt động giao thương kinh tế thương mại với Trung Quốc đình trệ cần mở rộng thị trường để tuân thủ nguyên tắc không quá phụ thuộc, "đặt cược” quá lớn vào một thị trường nhất định”, ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.

Cơ hội để phát triển bền vững

Đúng là sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển của nước ta đã kéo theo nhiều căng thẳng trên nhiều lĩnh vực quan hệ song phương. Nhưng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế lại cho rằng, đây chính là cơ hội để Việt Nam xoay chuyển cục diện quan hệ kinh tế hai nước, là thời điểm để chúng ta định hướng lại việc giao bang kinh tế với "gã hàng xóm khổng lồ” đã từng cho chúng ta "ăn nhiều quả đắng” trong thương mại và đầu tư.

Có lẽ cũng vì thế mà tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ hồi đầu tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh chủ trương, Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, "hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào”. Song song với đó, Thủ tướng cũng lưu ý rằng, cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường cùng có lợi với Trung Quốc, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ "không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”. Điều này chứng tỏ, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự chủ động và nỗ lực của các cấp, các ngành để đạt được những kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

Trong một bài phân tích mới đây, GS. Trần Văn Thọ - Trường Đại học Waseda (Tokyo – Nhật Bản) đưa ra nhận định rằng, khó khăn còn khá nhiều nhưng cơ hội cũng không ít để Việt Nam định vị lại con đường và mô hình phát triển mới, mở ra tương lai tăng trưởng ổn định và bền vững. Vì rõ ràng, với quy mô dân số ít hơn nhiều (so với Trung Quốc) và mức độ đồng thuận xã hội cao hơn, việc khởi động và chèo lái một cỗ máy phát triển như Việt Nam sẽ nhanh hơn cỗ xe khổng lồ phân mảnh và phức tạp như Trung Quốc. Hơn thế nữa, việc một Trung Quốc đang bị cả thế giới soi xét với con mắt dè chừng đầy nghi kỵ cũng là lợi thế không nhỏ cho Việt Nam.

Rõ ràng là có cơ hội và nhận diện được những khó khăn, nền kinh tế Việt Nam với những chủ trương và định hướng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo, chắc chắn sẽ phát triển bền vững.