Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên Internet mới?
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet cao, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy nhiều cơ hội khi công nghệ chuyển đổi, nhưng gặp không ít thách thức khi thích nghi với mô hình kinh doanh mới, và sự cạnh tranh từ các đối thủ ngoại.
Đại sứ Thụy Điển: “Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ Internet”
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 ngày 27/11, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg cho rằng thế giới ngày hiện đang liên kết với nhau hơn bao giờ hết, và Việt Nam là một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển Internet.
“Với sự lưu động và băng thông rộng đang phát triển nhanh chóng khắp Việt Nam, chúng ta nhận thấy khả năng kết nối các mạng lưới và giới doanh nhân từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm truyền thông, công nghệ thông tin và khoa học. Việt Nam đang tận dụng tốt những cơ hội này!” Đại sứ Pereric Högberg nói.
Internet đã làm thay đổi các các quốc gia hợp tác, phương thức sản xuất, quản trị và lối sống của con người, không chỉ ở Việt Nam, Thụy Điển mà trên toàn cầu.
Lấy chính nước mình làm ví dụ, Đại sứ Pereric Högberg cho biết Thụy Điển đã chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu thành một nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức và là một trong những nước sáng tạo nhất thế thế giới (năm nay Thụy Điển đứng thư hai thế giới về Chỉ số Sáng tạo toàn cầu).
Một phần nguyên nhân giúp Thụy Điển vươn lên như vậy chính là sự cởi mở trong xã hội khuyến khích sự sáng tạo, sự tiếp cận thông tin, và tự do trao đổi ý kiến, vị đại sứ nói.
Về phần mình, Thứ trưởng Thông tin và truyền thông Phạm Hồng Hải cho rằng sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Internet, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di động thông minh đã thúc đẩy quá trình kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức và liên kết con người trên thế giới.
Thứ trưởng khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, phát triển nhiều dịch vụ để mang lại sự tiện tích cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, ông Hải cũng lưu ý những mặt trái và các thách thức như an ninh thông tin, thông tin độc hại và những tác động tiêu cực về văn hóa xã hội mà Internet mang lại.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Trả lời câu hỏi của phóng viên BizLIVE về những cơ hội mà Internet mang lại cho doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và doanh nghiệp cần ứng xử như thế nào, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần lựa tận dụng tốt những cơ hội để không bị bỏ lại phía sau.
Các doanh nghiệp viễn thông và Internet rất quan tâm đến sự dịch chuyển của cuộc Cách mạng 4.0, chuyển đổi số và công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và đô thị thông minh (smart city).
Các doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đã chuyển đổi sang dùng công nghệ điện toán đám mây để thúc đẩy quá trình tự động hóa, kinh doanh và quản trị để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Xu hướng này hiện nay khá rõ ràng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp startup có thể nhận vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm khi Chính phủ khuyến khích phong trào khởi nghiệp, và các quỹ mạo hiểm trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thách thức không ít
Trong kỷ nguyên Internet mới, các doanh nghiệp viễn thông khi chuyển đổi sang các loại hình kinh doanh khác, ở các mảng cung cấp nền tảng hoặc cung cấp dịch vụ, sẽ gặp khó khăn riêng. Ngay cả trên thế giới, chưa có nhiều bài học về sự thành công của các doanh nghiệp viễn thông khi chuyển đổi sang cung cấp dịch vụ có tính chất sáng tạo, ông Bình nói.
Trong quá trình chuyển đổi này, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán lựa chọn thị trường và chiến lược ra sao, ông Bình – Tổng giám đốc Công ty Netnam – nói.
Các doanh nghiệp đa số phải tự lực về tài chính trong bối cảnh Chính phủ đang phải phân bổ ngân sách cho các chương trình khác nhau theo cấp độ ưu tiên. Thực tế cho thấy Chính phủ mới chỉ đang cổ vũ các chương trình như chính phủ điện tử, thành phố thông minh, phát triển công nghệ theo hướng 4.0, còn ngân sách rất hạn chế.
Các doanh nghiệp nhỏ lại vướng mắc khi đầu tư cho các công nghệ mới và vốn cho đầu tư khi muốn chuyển sang kinh doanh công nghệ thông tin truyền thông. Trong khi đó, các “ông lớn” truyền thông lại vướng vấn đề chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thông sang các mô hình đòi hỏi sự sáng tạo.
Ông Bình nêu ra một thực tế là ở Việt Nam chưa hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau giống như ở một số nước phát triển. Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp lớn không trực tiếp thực hiện các ý tưởng sáng tạo mới “nho nhỏ”, mà liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và những nhóm khởi nghiệp. Nếu có kết quả tốt thì các bên cùng có lợi và giúp cho hệ sinh thái đó cùng vận hành.
Khi được hỏi về cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, ông Bình thẳng thắn cho rằng có nhiều nguy cơ hơn là cơ hội.
Các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính, công nghệ và trí tuệ mạnh hơn, và giá thành cạnh tranh hơn. Với sản phẩm, dịch vụ đã tốt và rõ ràng, khi các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam, họ tạo ra thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trong nước, ông phân tích.
Ngay cả khi hợp tác, các doanh nghiệp nội gặp các thách thức như không làm kịp bằng họ, quy mô bé nên khó hợp tác, giá trị được hưởng không nhiều. “Chúng ta chỉ cố gắng trở thành một phần nằm trong chuỗi giá thị mà họ cung ứng thôi”, ông Bình nói.
“Dù sao khi doanh nghiệp nước ngoài vào, chúng ta bắt buộc phải cạnh tranh, thay đổi và thích nghi”, doanh nhân này nhấn mạnh.