Cơ hội và thách thức với Việt Nam sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực
Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia chính thức ký kết vào đầu tháng 3/2018, trong đó, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực tham gia đàm phán và ký kết. Dự kiến, Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP. Vấn đề được dư luận quan tâm là CPTPP có gì thay đổi sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? Cơ hội, thách thức gì sẽ đến với Việt Nam khi CPTPP đi vào thực thi?
Sự khác biệt giữa CPTPP và TPP
Ngày 8/3/2018, Hiệp định CPTPP, tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 11 nước tham gia ký kết tại thành phố Santiago (Chile). Đây là nỗ lực của 11 nền kinh tế do Nhật Bản đề xuất khởi động lại một TPP “mới” sau sự rút lui của Mỹ. Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP "cũ" với hy vọng chờ sự quay lại của Mỹ. Tuy nhiên, CPTPP, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với thỏa thuận TPP trước đây. Những thay đổi đó gồm:
- Thay đổi về tên gọi. Hiệp định CPTPP đã bổ sung 2 từ "Toàn diện" và "Tiến bộ" vào tên gọi chính thức. Vấn đề tên gọi đã được 11 quốc gia bàn luận nhiều lần trong các vòng đàm phán. Sự bổ sung này đã thể hiện tính đồng thuận cao trong nội bộ các nước tham gia đàm phán, khẳng định tầm vóc, chất lượng và ý nghĩa của CPTPP – một hiệp định có tính tiêu chuẩn cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ về thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề, nguyên tắc khác. Về bản chất, hiệp định được đánh giá cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết trước đây,
- Số lượng thành viên trong Hiệp định CPTPP. 11 nước thành viên (bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) có quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, thấp hơn khá nhiều so với quy mô của TPP khi có Mỹ (38,2% GDP và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu). Mặc dù Mỹ rút lui nhưng quy mô của CPTPP vẫn khá lớn, trong khi gánh nặng thực thi các điều khoản đã giảm đáng kể so với trước.
- Về hiệu lực của Hiệp định CPTPP. Theo quy định của TPP cũ, để Hiệp định có hiệu lực thì tổng GDP của các nước triển khai phải bằng 85% tổng GDP của 12 nước đã ký từ năm 2013. Như vậy, với tình huống Mỹ, quốc gia chiếm tới 60% GDP toàn khối, rút lui khỏi TPP, thì 11 nước còn lại sẽ phải thay đổi điều khoản hiệu lực để CPTPP có thể bắt đầu. Theo đó, chỉ cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi để CPTPP có thể dễ dàng được thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, Hiệp định mới còn bổ sung các quy định về quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai, tạo tính linh hoạt của Hiệp định và sẵn sàng cho những đợt kết nạp thành viên mới.
- CPTPP có khoảng 20 nội dung bị tạm hoãn so với TPP cũ (chủ yếu là các cam kết cứng rắn về sở hữu trí tuệ mà Mỹ là quốc gia đề xuất trước đây). Cụ thể, có 11/20 điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người sở hữu sáng chế. CPTPP sẽ hoãn việc yêu cầu các nước thành viên thay đổi luật và thông lệ của mình để bảo vệ các dược phẩm mới, bao gồm cả chế phẩm sinh học, không bị cạnh tranh bởi các thuốc gốc. CPTPP cũng đình chỉ quy định về gia hạn thời hạn bản quyền trong những trường hợp do sự chậm trễ của cơ quan cấp bằng hoặc những trì hoãn bất hợp lý trong việc cấp bản quyền, cũng như cấp phép nhập khẩu một loại dược phẩm nào đó vào các nước thành viên. Ngoài ra, các nước thành viên của Hiệp định mới sẽ không cần phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền từ 50 lên 70 năm…
Cơ hội và thách thức với Việt Nam
Khi đi vào thực thi, bên cạnh những cơ hội mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, Hiệp định CPTTP cũng đặt ra không ít thách thức. Cụ thể:
Mở rộng cơ hội phát triển
CPTPP là Hiệp định mang tính toàn diện, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều chủ đề khác. Hiệp định sẽ tạo áp lực lên cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Cụ thể:
Một là, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
CPTPP có những điều kiện tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật. Việc tham gia Hiệp định này sẽ góp phần cải cách môi trường thể chế, hướng tới các “luật chơi” quốc tế. Đây là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng, mang lại động lực tích cực để phát triển đất nước. Cải cách thể chế sẽ giúp cho toàn xã hội thúc đẩy được khả năng cạnh tranh, huy động và sử dụng tốt nhất những nguồn lực sẵn có ở trong nước và tận dụng tốt hơn các nguồn lực bên ngoài. CPTPP sẽ giúp khuyến khích và thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực như dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan…
Ngoài ra, CPTTP còn là động lực giúp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới và sắp xếp lại DN nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các DN trong nước với các DN nước ngoài. Việc ký kết CPTPP được các chuyên gia đánh giá sẽ là lực đẩy cải cách thể chế, nhất là trong bối cảnh dù đã có những cải thiện nhưng nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang tiếp tục tạo ra rào cản với DN.
Hai là, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với CPTPP, GDP dự báo tăng thêm 1,32%; xuất khẩu tăng thêm 4%, nhập khẩu tăng 3,8%. Một số ngành như dệt may, da giày, các ngành thâm dụng lao động khác của Việt Nam cũng sẽ được lợi và tăng xuất khẩu. Ngành Thủy sản Việt Nam sẽ khả quan hơn khi các nước tham gia CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với những lợi thế trên, việc tham gia CPTPP khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng và tận dụng được lợi thế với các thị trường mà từ trước đến nay Việt Nam chưa từng thâm nhập như: Canada, Mexico, Peru.
- Kết quả một khảo sát toàn diện về DN trên toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho thấy, khoảng 63% các DN tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Trong số 1.150 DN có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ Hiệp định.
Ba là, nhân thêm cơ hội cho DN Việt Nam.
Trong CPTPP, các nước thành viên đã xóa gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích người tiêu dùng của các nước thành viên.
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn. Khi dòng thuế suất bằng 0%, CPTPP sẽ giúp ngành Dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như: Canada, Newzeland, Australia… Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các DN xuất khẩu da giày tăng tỷ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại như: Mexico, Canada, Peru… Riêng Nhật Bản - một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm, nếu DN biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại.
Hơn nữa, Hiệp định CPTPP sau khi được thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam. Với việc giảm thuế sang các quốc gia nhập khẩu, các DN sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên. Việc giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm vào Việt Nam cũng sẽ giúp cho DN có thêm đối tác mới, đa dạng hóa các chủng loại hàng hóa, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Hiệp định sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch và là cơ sở, nền tảng để cho các DN có định hướng phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ, khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với các cơ hội trên, việc thực thi các quy định của CPTTP cũng sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư tạo ra các cơ hội cho các DN Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại..
Những thách thức đặt ra
CPTPP mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế nói chung và đối với các DN Việt Nam nói riêng. Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là cải cách thể chế. Đối với Chính phủ, phải cải cách luật chơi, thông tin, giáo dục, đào tạo… Còn DN phải tăng cường sự hiểu biết để tận dụng lợi thế mà CPTPP đe lại. Đặc biệt, cần hiểu rằng, DN không chỉ am hiểu về luật chơi quốc tế mà còn phải nắm bắt thông tin cũng như kịp thời cập nhật các thay đổi chính sách tương ứng; nâng cao năng lực pháp lý, quản trị kinh doanh, để tự bảo vệ mình. Để chuẩn bị tham gia CPTPP, việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong là vấn đề đặt ra cấp thiết, đối với Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy khả năng thích ứng của DN Việt Nam còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra, công nghệ lạc hậu, công tác tổ chức sản xuất, kiểm soát thị trường của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước thành viên… Trong khi, CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Chưa kể, sau khi CPTPP có hiệu lực, cạnh tranh cũng sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia.
Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các DN Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thách thức, đó là các DN nước ngoài sẽ “nhanh chân” hơn DN Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với DN Việt Nam, bởi vì, tiềm lực của các DN Việt Nam hiện nay còn yếu, chưa có sự liên kết chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau...
Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa cũng vì thế sẽ gia tăng.
Tài liệu tham khảo:
- Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Trang điện tử Bộ Công Thương - moit.gov.vn;
- Chuyên đề: Hiệp định CPTTP: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam – Tạp chí Tài chính (tapchitaichinh.vn) tháng 3/2018;
- CPTPP và tác động của nó đến xuất nhập khẩu, Tạp chí Cộng sản (tháng 4/2018);
- Ngân hàng Bưu điện Việt Nam, Ðánh giá những tác động của CPTTP đến một số ngành kinh tế của Việt Nam (tháng 4/2018).