“Có một cách khác để tăng trưởng tốt hơn”

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) “Có thể nói, cái được lớn nhất sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 là Chính phủ đã nhận thức được có một cách khác để thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn”.

 “Có một cách khác để tăng trưởng tốt hơn”
Nghị quyết 19 đã cho thấy một cách khác để thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Nguồn: internet

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trao đổi với phóng viên về những kết quả cũng như hạn chế qua nửa năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

CIEM cũng chính là đơn vị chủ trì xây dựng báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Nghị quyết số 19, vừa được Bộ này gửi tới Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo phân tích của ông Cung thì trước kia, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng là tăng tổng cầu, tăng đầu tư, tăng tiêu dùng… Cách khác, theo tinh thần Nghị quyết 19 là giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp và từ đó tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, lợi nhuận lớn hơn, người ta đầu tư nhiều hơn, vòng quay vốn tăng nhanh hơn, hoạt động kinh doanh sôi động hơn, từ đó tạo ra tăng trưởng.

Điểm thứ hai, chúng ta đã làm tốt một số chỉ số về môi trường kinh doanh. Đó là chỉ số khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư (trong phạm vi sửa đổi Luật Doanh nghiệp) và nộp thuế. Các chỉ số thương mại qua biên giới (tức hải quan) và tiếp cận điện cũng làm được ở một mức độ nhất định.

Cụ thể, với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo tinh thần được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, thời gian khởi sự kinh doanh hiện cần 10 thủ tục và mất 34 ngày sẽ tích hợp còn 5 thủ tục và giảm xuống tối đa còn 6 ngày, tức là giảm rất đáng kể. Thời gian nộp thuế đã giảm được 201,5 giờ, nộp bảo hiểm xã hội giảm hơn 200 giờ, thời gian thực hiện các thủ tục cấp điện cho trạm biến áp trung áp được rút ngắn 42 ngày…

Nhiều người liên quan vẫn đứng ngoài cuộc

“Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và cụ thể, nhưng từ phía các Bộ, tôi chưa nhìn thấy rõ sự vào cuộc tích cực, ngoài Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, TS. Cung đưa ra nhận xét.

“Chỉ số tiếp cận điện liên quan đến rất nhiều cơ quan ngoài ngành Điện. Để xây một trạm biến thế phải liên quan đến ngành Xây dựng, Giao thông, Công Thương, Phòng cháy chữa cháy, Môi trường, Quy hoạch - kiến trúc… Nhưng những bên đó có vẻ vẫn đứng ngoài cuộc.

Chỉ số thương mại qua biên giới cũng vậy. Hải quan đã rất tích cực nhưng nhiều người liên quan vẫn đứng ngoài cuộc. Trong khi hàng hóa qua biên giới mất nhiều thời gian là lúc trước khi hàng đến trạm hải quan; đó là thời gian của lưu kho, kiểm tra chuyên ngành, làm hồ sơ giấy tờ… Thời gian tại trạm hải quan cũng quan trọng nhưng phần quyết định ở thời gian chuẩn bị.

Thương mại qua biên giới là chỉ tiêu rất quan trọng, tác động lớn, nhưng kết quả chưa rõ ràng lắm. Rõ ràng cải cách này phải rất đồng bộ, từ vận chuyển trên đường, thông quan, dịch vụ logistic, đến các quy định của pháp luật về trình tự hồ sơ thủ tục… Theo tôi, cái này nên tập trung làm mạnh hơn. Cần một khảo sát rất chi li, cả trên văn bản, người thực hiện, quy trình thủ tục và phương tiện thực hiện.

Nghị quyết số 19 đề cập rất nhiều vấn đề (ba khâu đột phá chiến lược gồm cải cách thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực nhưng thực ra chúng ta mới chú ý đến 10 chỉ số năng lực cạnh tranh mà chúng ta so sánh với nhóm các nước ASEAN-6. Trong đó, mới thực sự động đến 5 chỉ số, gồm khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại qua biên giới và tiếp cận điện.

Còn 5 chỉ số khác hầu như chưa thực hiện, gồm tín dụng, đăng ký tài sản, phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp thương mại và giấy phép xây dựng.

Cho nên, chúng tôi cho rằng Nghị quyết số 19 rất đúng hướng, đã thực hiện rất quyết liệt, nhưng phải làm mạnh hơn nữa”.

Cần tạo áp lực mạnh mẽ hơn

Giải pháp để làm mạnh mẽ hơn, theo ông Cung, đó là có thể thành lập một tổ chuyên trách, tổ công tác về vấn đề này. Vì có những chỉ số liên quan đến rất nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương,  phải có một cơ quan phối hợp, kết nối để giải quyết đồng bộ tất cả, chứ chỉ giải quyết một việc thì không có tác động nhiều. Tức là phải thay đổi phương thức thực hiện.

Và kiểm điểm lại, cũng nên nhắc nhở các Bộ trưởng về các việc phải làm. Truyền thông cũng là quan trọng để tạo dư luận. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cần tạo áp lực mạnh mẽ hơn để các bộ ngành thực hiện.