Có nên hy sinh mục tiêu ngắn hạn để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không?
(Tài chính) Để tăng trưởng bền vững phải cải thiện tổng cung gắn với việc tăng năng suất lao động, chất lượng sản xuất, kinh doanh, song một số ý kiến cho rằng, nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6-5,7%. Do đó, trong khi chờ nhiều thời gian nữa để có hiệu ứng từ việc tăng cung thì phải duy trì một sức cầu hợp lý. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, sức lan tỏa của các giải pháp tăng tổng cầu thấp hơn giai đoạn trước, nên vẫn cần cân nhắc là có hy sinh mục tiêu ngắn hạn để thực hiện tái cơ cấu kinh tế - về cơ bản là chính sách trọng cung.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, có nên trọng cầu hơn trọng cung? Câu trả lời của chuyên gia Bùi Trinh là phải thận trọng vì mức độ ảnh hưởng từ phía cầu trong ngắn hạn phụ thuộc năng lực cung của nền kinh tế. Nếu năng lực cung hạn chế hoặc yếu kém thì việc gia tăng tổng cầu dù với bất cứ lý do nào, về cơ bản chỉ làm tăng giá và thâm hụt thương mại, còn sản lượng thực tế sẽ không thay đổi nhiều. Ngược lại, nếu tăng trưởng tiềm năng được cải thiện và dồi dào thì việc gia tăng tổng cầu sẽ thực sự làm tăng sản lượng.
Phân tích các yếu tố quyết định tổng cầu (tiêu dùng cá nhân, đầu tư tư nhân, đầu tư của Nhà nước, xuất khẩu) có thể thấy không có cơ sở bền vững cho giải pháp này. Trước hết, việc kích thích tiêu dùng cá nhân không mang lại nhiều lợi ích cho nước ta, kể cả tiêu dùng các sản phẩm sản xuất trong nước. Bởi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nên kích thích tiêu dùng cá nhân cũng có nghĩa sẽ kích thích nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Và theo tính toán của các chuyên gia, ảnh hưởng lan tỏa từ cầu tiêu dùng đến thu nhập hiện nay giảm 20,4 điểm phần trăm so giai đoạn trước. Vì vậy, nếu kích cầu tiêu dùng thì không thể nói chung chung, mà cần chỉ ra kích cầu tiêu dùng cần kích cầu cho nhóm hàng nào.
Đối với cầu đầu tư, mức độ lan tỏa của đầu tư đến sản xuất hiện giảm mạnh (-17,1%), trong khi mức độ lan tỏa giảm đến giá trị gia tăng chỉ khoảng -5,6%. Nói cách khác, trong tổng số tiền bỏ ra đầu tư, có 17,1% không đến được với sản xuất. Ngoài ra, tỷ lệ để dành so với GDP đến giai đoạn hiện nay đã bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tích lũy gộp tài sản so với GDP, song tăng trưởng tín dụng lại thấp. Như vậy, có thể thấy dù mức để dành của nền kinh tế là khá cao nhưng lượng để dành này vẫn chỉ nằm ở hệ thống ngân hàng, mà không đến được với sản xuất.
Mặt khác, trong các yếu tố của cầu đầu tư, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư Nhà nước dù nhận được nhiều ưu đãi hơn, song mức độ lan tỏa vẫn thấp hơn so với khu vực tư nhân. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài có lan tỏa tới thu nhập kém nhất. Đầu tư của khu vực Nhà nước hiện cũng giảm cả về lan tỏa tới sản xuất và thu nhập. Điều này cho thấy, đầu tư của khu vực Nhà nước không tới được sản xuất mà cũng không tạo ra giá trị gia tăng. Nhưng nếu kích thích khu vực tư nhân thì cơ quan chức năng cũng đứng trước một bài toán: hệ số sinh lời của khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng giảm và hiện xuống mức chỉ khoảng trên 1%. Hệ số sinh lời giảm, trong khi lãi suất huy động là 6 - 7% và lãi phải trả ngân hàng trên dưới 10%. Vì thế, các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất, chưa kể phải đứng trước nhiều rào cản về thủ tục hành chính, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng trong thời gian qua.
Và kích cầu xuất khẩu cũng không mang lại giá trị tối ưu cho nền kinh tế, xuất khẩu làm tăng sản xuất xấp xỉ 12%, thậm chí làm tăng mạnh nhập khẩu, nhưng lại có mức lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13,3%). Nhập siêu không hẳn là không tốt khi để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Vì vậy, nếu đưa ra chính sách kích cầu xuất khẩu thì cũng cần tiên liệu đến việc làm giảm khả năng của khu vực kinh tế trong nước, biến nước ta trở thành quốc gia gia công triệt để.
Như vậy, các chính sách quản lý tổng cầu không phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay, khi mà sản lượng tiềm năng không có dấu hiệu được cải thiện thông qua những chính sách trọng cung phù hợp. Và chi phí phải trả cho việc kích cầu có thể là sẽ rất cao. Do đó, thay vì kích thích tổng cầu, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện cần hy sinh những mục tiêu ngắn hạn (như tăng trưởng) để tập trung thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế - về cơ bản chính là chính sách trọng cung. Đây cũng là lựa chọn tối ưu để tăng sản lượng tiềm năng và đạt được sự tăng trưởng bền vững cho nước ta trong thời gian tới.