Cổ phiếu đầu cơ đang hút dòng tiền
Thị trường chứng khoán đang có những chuyển biến tích cực sau đà giảm điểm trong tháng 10. Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân tại nhóm các cổ phiếu lớn lại đang có xu hướng giảm, tập trung nhiều vào nhóm có thị giá vừa và nhỏ.
Gây bất ngờ nhất về thanh khoản phải kể đến cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC với khối lượng giao dịch trung bình đạt khoảng hơn 5 triệu đơn vị mỗi phiên. Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 8/11, thanh khoản của cổ phiếu này tăng đột biến, lên hơn 16 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đây là mức thanh khoản cao nhất của FLC trong vòng gần một tháng qua và cũng là mức thanh khoản vượt trội so với các cổ phiếu khác trên toàn thị trường.
Sự ưu tiên của dòng tiền
Với việc thu hút được dòng tiền, giá của FLC cũng bật tăng đáng kể từ mức 4.980 đồng/cp (phiên 31/10) lên 5.680 đồng/ cp (phiên 8/11), tương đương mức tăng đạt 14%. Chỉ tính riêng hai phiên giao dịch ngày 7-8/11 đã đóng góp 10% vào mức tăng của FLC trong những ngày qua.
Diễn biến giao dịch của FLC đang được các nhà đầu tư theo sát bởi câu chuyện bao giờ hãng hàng không Bamboo được phép cất cánh khi công tác chuẩn bị đã tương đối đầy đủ.
Một cái tên khác cũng gây bất ngờ về thanh khoản là OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) với lượng giao dịch trung bình kể từ đầu tháng 11 tới nay đạt gần 10,3 triệu đơn vị.
Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 2/11 với khối lượng giao dịch đạt tới hơn 37,6 triệu đơn vị được khớp lệnh tại mức giá trần, tổng giá trị đạt hơn 106 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch “khủng” trong nhiều năm qua của OGC.
Thậm chí, so với toàn thị trường, mức khớp lệnh một phiên lên tới 37 triệu đơn vị cũng là mức khá hiếm ngay cả đối với những cổ phiếu “hot”. Cùng với thanh khoản, thị giá của OGC cũng tăng đột biến từ mức 2.640 đồng/ cp (phiên 1/11) lên 3.120 đồng/cp (phiên 7/11).
Chốt phiên giao dịch ngày 8/11, OGC đã điều chỉnh về mức giá 3.080 đồng/cp nhưng so với giá hồi đầu tháng, cổ phiếu này vẫn tăng 16,66%. Theo đó, giá trị giao dịch trung bình từ đầu tháng 11 tới nay của OGC đạt khoảng gần 30 tỷ đồng.
“Cổ phiếu tai tiếng” JVC của CTCP Y tế Việt Nhật cũng là một trong những cái tên ghi nhận mức thanh khoản tăng mạnh nhất với tỷ lệ tăng tới hơn 500% so với hồi giữa tháng 10. Khối lượng giao dịch bình quân của mã này trong tuần đạt hơn 833.600 đơn vị/phiên.
Hiện, cổ phiếu JVC đang giao dịch tại mức giá 3.090 đồng/cp, tăng 19,8% so với mức giá 2.580 đồng/cp. Tuy nhiên, đây là mức giá đã được điều chỉnh so với hồi đầu tháng (phiên 2/11 là 3.280 đồng/cp).
Sau nhiều phiên “mất hút” thanh khoản, dòng tiền bắt đáy đã quay trở lại với TTF của Gỗ Trường Thành kể từ phiên giao dịch 31/10 với gần 6,9 triệu đơn vị được khớp lệnh. Khối lượng giao dịch bình quân của TTF kể từ đó đến nay đã tăng hơn 100% lên gần 3 triệu đơn vị/phiên.
Dòng tiền cũng “ưu ái” tập trung tại HAG (CTCP Hoàng Anh Gia Lai) kể từ 31/10 tới nay với giá trị trung bình đạt 3,1 triệu đơn vị/phiên, HNG với 3,5 triệu đơn vị/phiên, hay ASM với hàng triệu đơn vị mỗi phiên…
Trong khi đó, tại nhóm bluechips, thanh khoản dường như có phần “lép vế” so với nhóm nhỏ và vừa, có thể kể đến như BID (BIDV) tính từ phiên 31/10 tới nay, thanh khoản trung bình của BID chỉ đạt 2,2 triệu đơn vị; VHM đạt hơn 722.000 đơn vị/phiên và có xu hướng đi xuống qua mỗi phiên giao dịch; VNM đạt dưới 1 triệu đơn vị/phiên…
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu có thị giá nhỏ vẫn được gọi với cái tên “thân mật” khác là nhóm cổ phiếu đầu cơ (penny).
Vẫn nên thận trọng
Trước bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều rủi ro phía trước, đà tăng của nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn đang hiện hữu nhưng với biên độ hẹp, việc dịch chuyển dòng tiền sang nhóm penny là điều dễ hiểu.
Nhóm cổ phiếu này luôn có một sức hút riêng khi lợi nhuận thường tính bằng lần, không tính bằng phần trăm như các cổ phiếu bluechips truyền thống, chưa kể có thời gian đầu tư nhanh, lãi lớn…
Rủi ro lớn nhất của nhóm này là khi dòng tiền rút đi thì giá cũng rơi tự do, gây thua lỗ khủng cho các nhà đầu tư vào sau. Điểm chung của nhóm cổ phiếu này là nền tảng tài chính không vững chắc.
Mới đây, sau nhiều lùm xùm liên quan đến ban lãnh đạo, Ocean Group vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 với lợi nhuận ròng đạt gần 40 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế trong quý của Ocean Group là 66 tỷ đồng, tăng nhẹ 8%.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, Ocean Group đã thoát khỏi tình trạng lỗ so với cùng kỳ năm trước khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ chạm mức 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn còn gánh khoản lỗ lũy kế hơn 2.859 tỷ đồng, gần bằng vốn chủ sở hữu với 3.000 tỷ đồng.
Hay như trường hợp của Gỗ Trường Thành (TTF), Hùng Vương (HVG), Hoàng Anh Gia Lai (HAG)… đã phải nhận “trái đắng” khi một thời mải miết tăng vay nợ để chạy theo kế hoạch bành trướng đang phải vật lộn giải quyết hậu quả khi các khoản nợ đến hạn.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến với những thay đổi tích cực trong kinh doanh nhưng gánh nặng nợ vay sẽ đi kèm với chi phí tài chính tăng mạnh, cùng với các khoản trích lập dự phòng “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp và vẫn cần nhiều nỗ lực hơn để có thể “hồi sinh” sau thời gian “sa lầy” trước đó.
Có thể kể đến Gỗ Trường Thành với kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 là lỗ đậm 681,7 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản phải thu, đầu tư vào công ty con. Lỗ lũy kế tăng lên 2.088 tỷ, sắp vượt vốn điều lệ 2.146 tỷ đồng.
Hay như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, dù nhận được cam kết đầu tư từ CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) vào các công ty con, nhưng chi phí tài chính vẫn tăng và chiếm trên 50% lãi gộp.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư khi mua nhóm cổ phiếu penny nên có một chiến lược đầu tư kỹ càng (chốt lãi, cắt lỗ) và hành động dứt khoát, bởi biến động của các cổ phiếu này thường diễn ra rất nhanh.