Cổ phiếu ngân hàng có còn chỗ đứng?

Theo Linh Đan/thoibaongnganhang.vn

Triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được các chuyên gia nhận định lạc quan trong năm 2019. Tuy nhiên, do đã trải qua một thời gian tăng trưởng mạnh khá dài nên kỳ vọng của các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu này đã trở nên thận trọng hơn.

Cổ phiếu ngân hàng có thể duy trì được mặt bằng giá ổn định trong năm 2019. Nguồn: Internet
Cổ phiếu ngân hàng có thể duy trì được mặt bằng giá ổn định trong năm 2019. Nguồn: Internet

Bối cảnh ngành ngân hàng hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng vào khoảng 15% và chỉ xem xét nới room cho các ngân hàng đủ điều kiện Thông tư số 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Ngoài ra, cho vay một số lĩnh vực như bất động sản cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, các ngân hàng sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện tái cơ cấu nợ xấu.

Ám ảnh pha loãng

Theo thống kê của các ngân hàng, trong quý I/2019, mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành đạt khoảng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoại trừ Sacombank đột biến với mức tăng 110%, những ngân hàng còn lại đều đạt được kết quả kinh doanh khả quan.

Trong đó, Vietcombank vẫn là điển hình của hệ thống khi đạt kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận quý I hợp nhất tăng 34,8% so với cùng kỳ 2018, đạt 5.878 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ có lãi 5.751 tỷ đồng.

Mức tăng trưởng này đã phản ánh vào thị giá cổ phiếu khi đa số các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên cả ba sàn giao dịch đều tiếp tục giữ xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2019.

Trong đó nhiều mã tăng tốt như VCB (Viecombank) tăng 35,4%, EIB (Eximbank) tăng 28,8%, MBB (MB) tăng 11,7%. Trong nhóm tăng cũng có HDB (HDBank), VPB (VPBank), ACB (ngân hàng Á Châu)…

Dù đạt mức tăng khá ấn tượng cùng với triển vọng phát triển ngành luôn được đánh giá cao nhưng với đặc tính phòng thủ cũng như tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành (free float) cao khiến cổ phiếu ngân hàng đang mất dần sức hấp dẫn với các nhà đầu tư giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng trên sàn hiện nay đang thiếu đi lực đẩy của dòng vốn ngoại do đã kín hoặc bị khóa room tỷ lệ sở hữu hay mức độ hở room không nhiều hấp dẫn.

Một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư "tâm tư" với cổ phiếu ngân hàng là các kế hoạch chào bán riêng lẻ, hoặc bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên với mức giá thấp cách biệt được các ngân hàng đồng loạt trình ĐHĐCĐ năm nay, đẩy giới đầu tư vào áp lực bị pha loãng.

Ngoài ra, một số ngân hàng vừa phát hành cổ phiếu cho nước ngoài với mức định giá cao đang phải điều chỉnh theo mặt bằng giá chung của thị trường chứng khoán, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng khác.

Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xếp vào nhóm cổ phiếu giá trị với tỷ lệ P/E ở mức thấp so với các nhóm cổ phiếu dạng tăng trưởng khác như dược, bất động sản, ô tô… nhưng chỉ khi thị trường tăng trưởng mạnh về điểm số, cổ phiếu ngân hàng mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong khi đó, diễn biến thị trường chung trong 5 tháng đầu năm diễn ra khá ảm đạm với điểm số sụt giảm, dòng tiền và thanh khoản cũng có dấu hiệu đi xuống. Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về sự phục hồi và sôi động trở lại của thị trường.

Cổ phiếu của trường phái giá trị

Chính sách siết chặt tín dụng vẫn được NHNN ưu tiên trong năm 2019, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng phổ biến ở mức 12-14% bên cạnh những ngoại lệ như Vietcombank (15%) và VietinBank chỉ khoảng 7%.

Điều này cho thấy một số ngân hàng vẫn đang chạy đua để đạt chuẩn Basel II, trong khi một số khác lại theo đuổi chiến lược mở rộng mạng lưới hoặc xử lý nợ xấu.

Hiện có 5 ngân hàng đã hoàn tất nợ xấu tại VAMC gồm Vietcombank, Techcombank, MB, VIB và OCB và 5 ngân hàng đã đạt chứng nhận đủ điều kiện áp dụng Basel II là Vietcombank, VIB, TPBank, MB và VPBank.

Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng nhằm cải tổ, lột xác bộ máy, tiếp tục "ăn nên làm ra" thì vẫn còn một vài ngân hàng yếu kém duy trì trạng thái trì trệ, thậm chí còn đáng e ngại hơn.

Theo kinh nghiệm của một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, trong bối cảnh ngành ngân hàng như hiện nay, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục bị phân hóa và việc kỳ vọng về một mức giá cao hơn cho cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh hiện nay có vẻ không thực tế.

Dưới cái nhìn của chuyên gia, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng, cho rằng cơ hội đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhưng không phải là tất cả nên nếu để chọn ra những cái tên đáng để đầu tư thì vẫn là những cái tên quen thuộc như VCB, ACB, BID, MBB…

Là những cái tên quen thuộc bởi vốn dĩ cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ phù hợp với trường phái đầu tư giá trị với những kế hoạch và kỳ vọng trung, dài hạn.

Thực tế đã chứng minh điều này ngay trong chính "bữa tiệc chứng khoán" diễn ra sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, khi sức tăng mở rộng và lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, chỉ số Vn-Index vượt "mốc thiên đường" 1.000 điểm, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn nằm bên lề với mức tăng nhỏ giọt (7-10%).

Điều này đã khiến nhà đầu tư băn khoăn bởi trong một thị trường giá lên, cổ phiếu không tạo hoặc hạn chế lợi nhuận ngắn hạn cho nhà đầu tư thì nó sẽ bị "ngó lơ".

Do đó, việc tạo nên một con sóng lớn trong thời gian tới đây đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ là khó nhưng để duy trì được mặt bằng giá ổn định là điều mà các chuyên gia có thể khẳng định với nhóm "cổ phiếu vua" một thời này.