Xu thế phát triển ngân hàng số ở Việt Nam

Hà Anh

Theo các chuyên gia công nghệ tài chính, sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn, với chi phí thấp hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 3 năm trở lại đây, dịch vụ ngân hàng trực tuyến ở Việt Nam đã tăng trưởng 6,3 lần. Có khoảng gần 50 triệu người sử dụng 3G/4G.

Nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ công nghệ số hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đối với lĩnh vực ngân hàng, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai một số hoạt động nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức từ CMCN 4.0.

Nhận thức rõ tiềm năng to lớn và sự tác động mạnh mẽ của công nghệ số đối với hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ  thị  số  16/CT-TTg  ngày  4/5/2017 của Thủ  tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực, tiếp cận cuộc CMCN 4.0 ở các mặt sau:

Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường an toàn, bảo mật; Tăng cường nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của NHNN, hạ tầng thị trường (hệ thống thanh toán quan trọng, hệ thống thông tin tín dụng…);

Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn cơ sở về đặc tả kỹ thuật mã QR và công nghệ thanh toán thẻ chip đối với thẻ nội địa để cho phép khách hàng tại các ngân hàng khác nhau  thực  hiện  thanh  toán  mua  bán  hàng  hóa,  dịch vụ liên thông, an toàn, thuận tiện theo tiêu chuẩn, cơ chế chung; Tích cực hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech...

Bên cạnh việc hoàn thiện môi trường thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng công nghệ chung của toàn Ngành cũng ngày càng được cải thiện. Trong nhiều năm qua, NHNN đã triển khai xây dựng một số hạ tầng nền tảng cơ bản tạo thuận lợi và đóng góp tích cực cho công tác chuyển đổi số của Ngành.

Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, đóng vai trò trục thanh toán xương sống của nền kinh tế; hệ thống thu thập, cung cấp thông tin tín dụng của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia...

Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 đang khiến các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thế giới ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo.

Theo các chuyên gia công nghệ tài chính, sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn, với chi phí thấp hơn.

Nhiều  ngân  hàng  bước  đầu  đã  chuyển  đổi  mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa đích thực như: Ngân hàng TPBank với ngân hàng tự động LiveBank; VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo; OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số; Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, VietinBank với Corebank thế hệ mới và kho dữ liệu DN hiện đại…

Theo các chuyên  gia, để có thể hình thành và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, các ngân hàng cần phải lựa chọn chiến lược phù hợp cho riêng mình.

Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác giữa ngân hàng với Fintech dưới hình thức đối  tác, cụ thể như: Mô hình hợp tác giữa Vietcombank và M_Service trong thanh toán chuyển  tiền;  MB  với  đối  tác  Viettel;  VIB  kết  hợp với công ty Fintech Weezi ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard - Ứng  dụng chuyển tiền qua mạng  xã hội; Techcombank hợp tác với Fastcash giới thiệu tính năng F@st mobile chuyển tiền qua Facebook và Google +...