Cổ phiếu ngân hàng sẽ bứt phá

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Quan trọng nhất là cổ phiếu ngân hàng đã có nền tảng tích lũy trong năm 2013. Do vậy, đầu năm 2014, khi có sóng tăng và luồng tiền vào mạnh thì đó là thời điểm bán ra để chốt lời rồi tiếp tục tái tích lũy. Diễn biến này được xem là "bài" của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

 Cổ phiếu ngân hàng sẽ bứt phá
Quan trọng nhất là cổ phiếu ngân hàng đã có nền tảng tích lũy trong năm 2013. Nguồn: internet

Ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn - Đầu tư (Công ty chứng khoán Chứng khoán An Bình) cho rằng, "Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái tích lũy để chuẩn bị cho những đợt tăng giá tiếp theo". Điều này có vẻ như trái ngược với những nhận định đưa ra trước đó, rằng năm 2014, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, các nguồn lực theo đó cũng sẽ được ưu tiên, đặc biệt là trong trường hợp Thông tư 02 được chính thức áp dụng. Vì vậy, 2014 vẫn sẽ là một năm thử thách với cổ phiếu ngân hàng. Khả năng bứt phá mạnh của nhóm này là không cao.

Ở một chiều ý kiến khác, quá trình tái cấu trúc của ngành Ngân hàng thường tác động mạnh đến các ngân hàng quá kém. Nhưng hiện nay, quá trình tái cấu trúc đầu tiên với nhóm ngân hàng yếu kém này gần như đã cơ bản hoàn tất. Những diễn biến thị trường chứng khoán trong vòng một tháng qua cũng cho thấy, cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tăng giá khá tốt, được khởi nguồn sau khi thông tin Chính phủ sẽ nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết được phát đi ngày 7/1. Đáng chú ý là các blue-chip ngân hàng đồng loạt lên giá với khối lượng giao dịch tăng đột biến ngay thời gian thông tin được công bố.

Sự đầu cơ giá tăng, kèm theo khối lượng giao dịch tăng mạnh thể hiện dòng tiền có xu hướng đi vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khá tốt. "Được đầu cơ giá lên và có dòng tiền đi vào, cộng với nền tảng trước đó giá rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đi ngang và tích lũy, diễn biến giá trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2014 cho thấy, cổ phiếu ngân hàng bắt đầu có sự đầu cơ giá lên chứ nó không nằm yên ắng như khoảng một năm trở lại đây", một chuyên gia phân tích.

Cũng theo ý kiến của chuyên gia nói trên, năm 2013, nhìn chung biến động giá nhóm cổ phiếu ngân hàng không nổi bật. Chỉ có VCB là lên và xuống, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng khác gần như hết hàng "trôi nổi" trên thị trường. Cụ thể như MBB, gần như năm 2013, giá cổ phiếu này đi ngang quanh một mức giá. Điều này cho thấy, cổ phiếu này đã được tích lũy rất tốt. STB cũng tương tự như vậy. Còn SHB biến động tăng giảm trong một năm với biên độ hẹp và được khối ngoại mua vào liên tiếp trong vòng nhiều tháng. SHB tăng giá chậm từ giữa tháng 1 đến nay một cách vững chắc.

Ông Nguyễn Tuấn cho rằng, xu hướng giá thời gian tới với nhiều cổ phiếu ngân hàng có khả năng tiếp tục ổn định và tăng, hoặc biến động "zíc zắc" trong xu hướng tăng giá. Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn khá tốt.

Nhận định này là có cơ sở. Bởi giá của cổ phiếu ngân hàng phần nào phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Trong khi đó, kết quả này của ngân hàng lại phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. 2014 là năm được kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn, bởi những yếu tố như nền kinh tế đang dần đi vào ổn định, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng dần, CPI ở mức thấp… doanh nghiệp bắt đầu có sự hồi phục lại sẽ giúp nợ xấu của ngân hàng có xu hướng giảm bớt.

"Có thể, nợ xấu của ngân hàng trong năm 2014 sẽ đi ngang hoặc được cải thiện không đáng kể. Nhưng, chỉ bấy nhiêu thôi cũng thể hiện rằng, sớm hay muộn, nợ xấu cũng sẽ được cải thiện theo chu kỳ hồi phục chung của nền kinh tế", ông Tuấn nói.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cũng cho rằng, các khoản nợ xấu của ngân hàng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản. Xu hướng bất động sản đang tăng giá trở lại khiến cổ phiếu nhóm này tăng trưởng khá tốt. Điều này cũng có nghĩa là sẽ có ít nhiều kỳ vọng về sự cải thiện của tài sản bảo đảm này. Từ đó, nợ xấu của các ngân hàng sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên phiên giảm điểm của loạt các mã cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 17/1 vừa qua đang khiến dư luận hoài nghi về nhận định nói trên. Song theo nhìn nhận của một số chuyên gia, sở dĩ có hiện tượng này là bởi EIB bất ngờ báo lỗ hơn 220 tỷ đồng trong quý IV/2013. Theo đó, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm điểm theo. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh giảm do kết quả kinh doanh xấu chỉ là giảm hơn so với kỳ vọng mà thôi.

"Đó chỉ là thông tin để cổ phiếu giảm điểm. Nhưng, cũng là lúc nhà đầu tư lớn sẽ tiếp tục mua vào, khi nhà đầu tư nhỏ nhìn thấy tin lỗ và bán ra. Với diễn biến này, rất có thể trong 1 - 2 tuần tới, giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ và đi ngang, nhưng sau đó sẽ là một chu kỳ tăng", một chuyên gia nhận định.

Theo các ý kiến trên, quan trọng nhất là cổ phiếu ngân hàng đã có nền tảng tích lũy trong năm 2013. Do vậy, đầu năm 2014, khi có sóng tăng và luồng tiền vào mạnh thì đó là thời điểm bán ra để chốt lời rồi tiếp tục tái tích lũy. Diễn biến này được xem là "bài" của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Những ngân hàng có kết quả kinh doanh tương đối tốt và ổn định thì cổ phiếu vẫn là điểm đến của dòng tiền trong thời gian tới. Nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến những cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua vào đều đặn và liên tục trong vòng 2 tháng gần đây.