Cổ phiếu xăng dầu có thể tăng từ 5-14%?

Minh Lâm

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng gia tăng, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xăng dầu vẫn phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới. Các cổ phiếu xăng dầu vì thế phù hợp đầu tư ngắn hạn hơn trong bối cảnh hiện nay.

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng

Theo Báo cáo cập nhật ngành Xăng dầu của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá dầu thế giới năm 2023 được dự báo sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho cho các doanh nghiệp hạ nguồn như BSR, PLX, OIL...

Năm 2023, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải gia tăng nhập khẩu và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước tăng 10%-15% so với năm 2022 để đề phòng cho những rủi ro gián đoạn nguồn cung đã từng xảy ra ở năm 2022. Sản lượng này sẽ được phân bổ từng quý. Đồng thời, doanh nghiệp phải lên phương án nhập mua hàng bù đắp khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng, bảo trì.

VCBS cho rằng, biên lợi nhuận các doanh nghiệp lọc dầu như BSR được dự báo suy giảm trong năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu không tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với giá dầu giảm là yếu tố khiến chênh lệch giá xăng dầu và giá dầu thô (crack spread) giảm so với năm 2022.

Crack spread thường diễn biến đồng pha với giá dầu. Crack spread của xăng RON 92, RON 95 được dự báo sẽ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, trong khi của diesel chỉ giảm ở mức 40% so với cùng kỳ, do Diesel được dùng nhiều trong đa ngành như làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải và nguồn nhiên liệu cho máy phát điện diesel.

Khả năng sản xuất trong nước dự báo giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ước tính trong nước sẽ thiếu hụt 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045. Đáng nói là năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước.

Theo VCBS, thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo dữ liệu doanh số bán hàng của khu vực ASEAN của Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA) vào năm 2021, Việt Nam đứng top 3 về doanh số bán ô tô tại Đông Nam Á, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 6 trong khu vực.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam được dự báo tăng mạnh trong 10 năm tới sẽ là yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa cao cấp như xe ô tô. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD (CAGR 2020-2025 đạt 5,8%).

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng. Việc chuyển dịch xu hướng từ xe máy sang ô tô sẽ kích thích tiêu thụ xăng nhiều hơn. Tính đến tháng 3/2023, Việt Nam có ít nhất 72 triệu xe máy và hơn 5 triệu ô tô đang tiêu thụ khoảng 60% sản phẩm xăng dầu. Đây là động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu.

Tìm cơ hội đầu tư từ những doanh nghiệp triển vọng

Theo khuyến nghị của VCBS, từ nay đến cuối năm, các cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, PLX của PVN, và OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam có thể tăng từ 5% đến 14%.  

Giá mục tiêu cổ phiếu BSR có thể lên 21.600 đồng/CP do môi trường lãi suất thấp. Giá này dựa trên P/E và EV/EBITDA mục tiêu năm 2024 lần lượt là 10x và 5x. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể sẽ biến động tốt hơn so với thị trường chung nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý III.

Tuy nhiên, do tính chất không ổn định của lợi nhuận của BSR, bị ảnh hưởng nhiều từ biến động của cả giá dầu và chênh lệch giá crack, cổ phiếu BSR có thể phù hợp hơn với các nhà đầu tư ngắn hạn với mức độ chấp nhận rủi ro cao.

Với PLX thì khả quan hơn sau khi thoái vốn thành công tại PG Bank, thu về 685 tỷ đồng, giúp nâng cao năng lực tài chính của công ty và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi trong chiến lược dài hạn.

Cũng trong năm nay, PLX dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex với giá trị sổ sách là 403 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021) trong năm 2023 và duy trì nắm giữ 40,95% tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI). Hiện Công ty này đang trong giai đoạn chuyển nhượng sang tên cho nhà đầu tư trúng giá. Khoản thu nhập tài chính này có khả năng được hạch toán vào quý III/2023, ngay sau khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ với Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. VCBS cho rằng, giá mục tiêu của PLX sẽ là 45.780 đồng/CP, tăng 12,6%.

OIL là doanh nghiệp bán lẻ đứng thứ 2 về thị phần. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu phục hồi sẽ giúp OIL sẽ duy trì thị phần cao tương đương với mức cơ sở cao của năm 2022, đến từ việc giành lấy thị phần từ những đối thủ yếu hơn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Oil thấp (4,8%, trong khi PLX là 5,2%) do chỉ có 32% phân phối qua kênh COCOs có tỷ suất tốt, còn lại 53% phân phối qua DODOs và 15% là khách hàng công nghiệp có biên lợi nhuận thấp.

Trong quý II, doanh thu thuần đạt 22.321 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm tương ứng 27% về mức 21.224 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 1.097 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của OIL đạt 189,5 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Mặc dù kết quả kinh doanh thấp, OIL vẫn có thông tin tích cực khi hợp tác với VinFast để lắp đặt các trạm sạc, với mục tiêu lắp đặt 150,000 cổng sạc phủ khắp từ Bắc vào Nam.

Về giá mục tiêu trong năm 2023, VCBS kỳ vọng, giá cổ phiếu OIL sẽ tăng 14,5% lên khoảng 14.000 đồng/CP.