Thời của cổ phiếu dầu khí đang đến?
Cổ phiếu họ nhà P được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều từ siêu dự án Lô B - Ô Môn. Do đó, nhà đầu tư có thể tranh thủ các nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm nhóm cổ phiếu này càng sớm càng tốt.
Siêu dự án có thể được phê duyệt trong tháng 6
Lô B – Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B&48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn. Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 6/2023 và dòng khí đầu tiên dự kiến được khai thác vào năm 2026.
Lô B&48/95 và Lô 52/97 gồm các mỏ khí Kim Long, Ác Quỷ, Cá Voi, Thiên Hà và Vàng Đen với tổng diện tích 3.200 km2. Các mỏ này thuộc bể Malay-Thổ Chu của Việt Nam, cách Cà Mau khoảng 250 km về phía Tây Nam và cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km. Đơn vị điều hành dự án là Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) - chi nhánh của PVN.
Dự án dự kiến sẽ cung cấp tổng cộng 3,95 nghìn tỷ bộ khối, tương đương với khoảng 102 tỷ m3, và 12,65 triệu tấn thùng condensate, trong vòng đời 23 năm. Tổng giá trị đầu tư cho hợp phần thượng nguồn (bao gồm Chi phí xây dựng cơ bản, chi phí vận hành và chi phí hủy mỏ) ước tính khoảng 17 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn đến các doanh nghiệp tiêu thụ hạ nguồn, trong đó có 4 nhà máy điện Ô Môn tại TP. Cần Thơ, với tổng nhu cầu khí cho tổ hợp khoảng 5 tỷ m3/năm, chia cho 4 nhà máy (Ô Môn 1, 2, 3, 4).
Công suất điện của 4 nhà máy điện Ô Môn là 3,8 GW, cung cấp khoảng 10,2% công suất của các nhà máy điện khí trong nước vào năm 2030.
Đã đến lúc tích sản cổ phiếu dầu khí
Theo SSI Research, các công ty dầu khí là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án Lô B bao gồm Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC), CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) và Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS).
Các công ty này cung cấp các dịch vụ liên quan đến xây dựng và khai thác các dự án thượng nguồn và trung nguồn. Chi phí đầu tư và chi phí khoan của dự án thượng nguồn ước tính rơi vào khoảng 9-9,5 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án, có tính đến trượt giá 2%/năm từ năm 2016.
Theo đó, khoản đầu tư trong giai đoạn đầu tiên (từ FID đến thời điểm khởi công) ước tính khoảng 2,4 tỷ USD. Ngoài ra, vốn đầu tư cho các dự án trung nguồn cũng rất lớn ở mức 1,3 tỷ USD. GAS sẽ giám sát việc vận chuyển khí từ các mỏ đến các nhà máy điện sau khi khởi công.
Trong đó, PVS, PVB và PVD là những doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên của đại dự án này, vì đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và khoan thượng nguồn để khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026.
PVS và PVD được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn doanh thu đáng kể trong vòng đời của Dự án dựa trên quy hoạch phát triển dầu khí, trong khi PVB sẽ ghi nhận backlog liên quan đến dự án đến năm 2025 (đường ống phải sẵn sàng hoạt động trước khi khai thác dòng khí đầu tiên).
Như vậy, nếu FID được phê duyệt vào cuối năm 2023, PVS và PVD có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2026 lần lượt là 15,9% và 26%, trong đó backlog từ dự án Lô B sẽ là mấu chốt cho tốc độ tăng trưởng này. Trong khi đó, trong giai đoạn 2023-2026, GAS có thể vẫn đạt tốc độ CAGR lợi nhuận thấp do không có nguồn khí đáng kể nào mới.
Theo đánh giá của SSI Research, PVS hiện là cổ phiếu ưa thích do có nhiều tiềm năng phát triển, từ việc khởi động dự án Lô B-Ô Môn như dự kiến cho đến phát triển năng lượng tái tạo (điện khí LNG và điện gió ngoài khơi). Dựa trên lợi nhuận ước tính vào cuối năm 2024, SSI Research đưa ra khuyến nghị khả quan đối với PVS (giá mục tiêu là 33.000 đồng/cổ phiếu) và PVD (giá mục tiêu là 26.800 đồng/cổ phiếu).
Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng việc giá các cổ phiếu này điều chỉnh là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể tích lũy thêm cổ phiếu.