Cổ phiếu dầu, khí trong nước “leo thang” cùng căng thẳng Nga – Ukraine  

Thủy Nguyễn

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngay lập tức phản ánh diễn biến theo chiến sự giữa Nga và Ukraine. Thị trường lao dốc, nhưng cổ phiếu dầu, khí vẫn tăng đều. Nhiều khả năng, giá dầu và khí đốt sẽ chưa thể hạ nhiệt ngay. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu dầu và khí sẽ là mục tiêu đầu tư trong ngắn hạn cho đến khi xung đột kết thúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: aa.com.tr
Ảnh minh họa. Nguồn: aa.com.tr

Thị trường chứng khoán Việt Nam trước đó vừa có 2 phiên phục hồi vượt ngưỡng 1.500 điểm sau những áp lực điều chỉnh, thì sang phiên ngày hôm nay lại bị tác động bởi thông tin căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Sau phiên giao dịch buổi sáng, tâm lý lo lắng khiến nhiều nhà đầu tư vội quyết định thoát hàng. Loạt xả hàng này khiến VN-Index ngay lập tức lao dốc, có lúc giảm sâu xuống dưới mức tham chiếu khoảng 38 điểm, còn 1.474 điểm.

Tuy nhiên, trong lúc thị trường hoảng sợ, có những nhà đầu tư lại mạnh dạn gom hàng “giảm giá”, bơm tiền vào bắt đáy. Lực mua áp đảo lực bán phần nào kéo vực thị trường về vùng 1.495 điểm. Riêng trong chiều nay, hai sàn niêm yết khớp tới gần 18.500 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh trong ngày đạt gần 38.902 tỷ đồng, lần đầu sau một tháng rưỡi vượt ngưỡng 35.000 tỷ đồng.

Hưởng lợi từ giá dầu tăng mạnh, lần đầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng kề từ năm 2014, dòng cổ phiếu họ nhà P đều xanh mướt, thậm chí có những mã tăng trần tím ngắt như PTV tăng 14,6%; PVB tăng 9,8%; PVC tăng 9,6%...

Còn hầu hết các mã trong nhóm Bluechips giảm mạnh. VN30-Index với 25 mã đỏ, bay mất 16,79 điểm, tương ứng 1,09%, trong đó phải kể đến TPB giảm 3,2%, TCB giảm 2,3%, CTG giảm 2,87%, VRE giảm 2,58%...

Nhóm ngành Ngân hàng sau hồi kéo từ phiên hôm trước thì đồng loạt giảm điểm trong phiên ngày hôm nay, ngoại trừ VPB tăng 2,8%;  EIB tăng 1,8% và PGB tăng nhẹ 0,9%.

Tính đến cuối phiên ngày hôm nay, toàn thị trường có 712 mã giảm, 667 mã đứng giá, 18 mã sàn, 209 mã tăng và 45 mã tăng trần.

So với phiên ngày hôm qua, VN-Index giảm 1,15%. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, có thể nói đ,ây là một mức giảm khá “nhẹ nhàng” so với các thị trường khác như: chỉ số STOXX 600 của châu Âu (giảm 2,75%), DAX của Đức (giảm 3,7%), Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6%, còn thị trường chứng khoán Moscow rơi tự do 10% khi mở cửa.

Hiện, Nga chiếm khoảng 12% nguồn cung dầu của thế giới và cung cấp khoảng 40% khí đốt cho Liên minh châu Âu. Theo Eurasia Group, hầu hết nhiên liệu được vận chuyển qua các đường ống, bao gồm cả ở Ukraine. 

Các chuyên gia dự đoán Mỹ và EU sẽ đáp trả những hành động thù địch mới nhất bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn. Các nhà phân tích của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết trong một báo cáo: “Cuộc tấn công và đáp trả trừng phạt sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá dầu và khí đốt sẽ tăng đáng kể, củng cố áp lực lạm phát và đè nặng lên thị trường tài chính và tăng trưởng toàn cầu”.

Như vậy, những dự báo cho thị trường trong ngắn hạn sắp tới là khó đoán. Tuy nhiên, có thể chắc chắn giá dầu và khí đốt sẽ chưa thể hạ nhiệt ngay. Cổ phiếu dầu và khí sẽ là mục tiêu đầu tư trong ngắn hạn cho đến khi xung đột kết thúc.