Cổ tức và tăng vốn điều lệ sẽ "chiếm sóng" đại hội cổ đông ngân hàng

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ. Phương án tăng vốn chủ yếu là từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, một số ngân hàng còn có kế hoạch chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông chiến lược.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhận định của các chuyên gia, tháng 4 là cao điểm về thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh quý I/2021 và các kỳ họp Đại hội cổ đông, trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đang ở vị thế dẫn dắt thị trường chứng khoán việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng làm cổ đông hài lòng

Dồn dập kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 5 ngân hàng tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2021. Dự kiến trong 2 tuần cuối tháng 4 có 18 ngân hàng đã và đang lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ.

Theo thông báo trên website của các ngân hàng, VietinBank sẽ tổ chức ĐHCĐ vào 16/4. Tiếp sau đó là SHB (22/4); SeABank, TPBank, HDBank, Sacombank, Vietcombank (23/4); PvcomBank, OCB, Techcombank (24/4); BacABank, NCB (26/4); Eximbank (26/4 và 27/4); MB (27/4); OCB (28/4); NamABank, ABB, VPBank, LienVietPostBank (29/4).

Năm nay, các ngân hàng đều dự kiến chia cổ tức rất cao. ACB dự kiến phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ thực hiện là 25% (tỷ lệ này có thể điều chỉnh phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước).

SHB dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. MB thậm chí chia cổ tức tới 35% bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP…

Đặc biệt, tại Sacombank, với nguồn lợi nhuận giữ lại cao hơn 6.000 tỷ đồng, ngân hàng này muốn chia cổ tức cho cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông. Hiện nay, đề xuất của Sacombank đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

5 năm gần đây, cổ đông của Sacombank không được chia cổ tức do ngân hàng này phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu sau sáp nhập với Southern Bank, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, VietinBank dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ trên 12%, còn BIDV chia cổ tức tỷ lệ 7%.

Trước đó, đầu năm 2021, BIDV cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%. Số tiền đã được thanh toán tại ngày 3/2/2021 vừa qua.

Nhưng bên cạnh một số ngân hàng chia cổ tức "khủng", vẫn có ngân hàng nhiều năm không chịu chia cổ tức cho cổ đông. Chẳng hạn, theo tài liệu phục vụ ĐHCĐ, cổ đông Techcombank sẽ bước sang năm thứ 10 không được chia cổ tức. Khoản lợi nhuận còn lại sau phân phối hơn 26.743 tỷ đồng này được HĐQT Techcombank đề xuất duy trì dưới hình thức không chia nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tương tự, HĐQT TPBank cũng đề xuất để lại lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm nay. Lợi nhuận để lại chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 sau khi trích lập các quỹ là hơn 2.978 tỷ đồng.

Trong số các ngân hàng tiến hành ĐHCĐ vào khoảng thời gian này, đáng chú ý nhất là ĐHCĐ của Eximbank. Theo thông báo, ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank diễn ra vào 26/4/2021 tại Hà Nội. Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, ngân hàng này sẽ tiến hành luôn ĐHCĐ thường niên năm 2021.

Trước đó, vào 2 năm 2019 và 2020, ĐHCĐ thường niên của ngân hàng này đều thất bại, bị hủy hoặc hoãn do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành và lý do dịch bệnh.

“Nóng” chủ đề tăng vốn

Hiện tại, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Phương pháp tiêu chuẩn của Basel II có hiệu lực từ 1/1/2020.

Tuy nhiên, vẫn còn một số TCTD đang trong giai đoạn tái cơ cấu vẫn áp dụng tỷ lệ CAR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Lộ trình hướng đến áp dụng Thông tư 41 của các ngân hàng này là năm 2023.

Dẫu vậy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh, các nhà băng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận của các ngân hàng và rủi ro tín dụng sẽ còn tồn tại từ năm 2021 trở đi. 

Trong bối cảnh đó, hầu hết các nhà băng đều có nhu cầu mở rộng kinh doanh, yêu cầu tăng vốn lại trở nên càng cấp thiết hơn, đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước. 4 "ông lớn" ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV).

Hiện tại, mới chỉ có BIDV đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng (tức tăng 20,6%) trong giai đoạn 2021 - 2022. Đây cũng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay với hơn 40.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, VietinBank và Vietcombank cho biết sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHCĐ sắp tới nhưng chưa cụ thể mức tăng bao nhiêu.

Đáng lưu ý, năm nay MB muốn tăng vốn điều lệ thêm 10.688 tỷ đồng lên 38.675 tỷ đồng - cao hơn mức vốn điều lệ của VietinBank, Vietcombank, Techcombank hiện nay.

Theo tài liệu trình cổ đông của HĐQT OCB, ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%, bán cổ phiếu ESOP cho nhân viên và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu.

Một số ngân hàng khác cũng thông qua cổ đông phương án tăng vốn như: ACB sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 21.600 tỷ lên hơn 27.000 tỷ đồng; HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ lên 20.110 tỷ đồng; SHB có vốn điều lệ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại trong năm nay…

Tuy nhiên, cũng có gần 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ, thậm chí có ngân hàng chỉ ở mức 3.000 tỷ, nhưng vẫn chưa có động thái gì về việc tăng vốn điều lệ trong năm nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định , những quy định an toàn vốn theo Basel II buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai. Hạn mức tín dụng được xác định trên vốn tự có, do đó, không tăng được vốn, đồng nghĩa là cánh cửa cho vay sẽ khép lại.

Bởi vậy, ngay cả những ngân hàng đã tăng vốn thành công vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược bởi vốn càng lớn, khả năng trụ vững của ngân hàng càng cao.