Coca-Cola lần đầu tiên lên tiếng về nghi án chuyển giá tại Việt Nam

Theo Dân trí

Việc chưa có lợi nhuận ở Việt Nam sau gần 20 năm đầu tư được Phó Chủ tịch Coca-Cola giải thích do năng suất lao động ở Việt Nam chưa cao và quy mô chưa đủ lớn. Ngoài Việt Nam, có những thị trường khác phải mất 25 năm mới sinh lời.

Chiều qua (6/6), trong một buổi gặp mặt báo chí sau các cuộc tiếp xúc với các Bộ ngành thuộc Chính phủ Việt Nam, hai lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đa quốc gia Coca-Cola đã chia sẻ khá thẳng thắn và chấp nhận phản hồi mọi chất vấn của phóng viên liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam thời gian vừa qua của Tập đoàn.

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_06_07/Pho-CEO-Co-ca.JPG
Ông Irial Finan, Phó Chủ tịch điều hành Coca-Cola

Chưa thể nói bao nhiêu năm tới có lợi nhuận

Nói về phương hướng đầu tư của Coca-Cola, ông Irial Finan, Phó Chủ tịch điều hành Coca-Cola cho biết, cũng như 206 thị trường khác, ở Việt Nam, Tập đoàn hướng đến một mục tiêu kinh doanh lâu dài chứ không phải chỉ 10 năm, 20 năm.

“Tất nhiên, cũng như tất cả các doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng có mục đích tìm kiếm lợi nhuận – một mục tiêu quan trọng mà mọi doanh nghiệp đều phải có” – ông Irial thừa nhận.

Lãnh đạo Coca-Cola cũng cho biết, trong khi tại những thị trường khác, Tập đoàn thu được lợi nhuận rất cao thì ở Việt Nam, “thành công” lại được định nghĩa theo hướng: “tạo ra mỏ neo bám chặt mảnh đất này để mang lại một sự phát triển bền vững”.

Theo đó, “mỏ neo” mà ông Irial đề cập đến bao gồm đầu tư vào hạ tầng cơ sở, trang thiết bị và nhãn hiệu, tạo ra tình yêu ở người tiêu dùng đối với nhãn hiệu Coca-Cola. Công việc này được cho biết phải mất rất nhiều năm chứ không phải một vài năm.

“Tất nhiên về mặt tài chính chúng tôi chưa có lợi nhuận ở đây, nhưng với những đầu tư hiện tại, chúng tôi chắc chắn sẽ thoát khỏi tình trạng hiện tại và sẽ có lợi nhuận trong những năm sắp tới” – Ông Irial cho hay.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, bất cứ nhà đầu tư nào cũng đều có những dự trù về thời gian sinh lợi, ông Irial không đưa ra con số cụ thể nào.

“Tôi khẳng định là có. Tuy nhiên, là một nhà quản trị, tôi muốn có lợi nhuận từ hôm qua chứ không phải là bây giờ tôi còn ngồi đây đoán định tương lai. Chúng tôi đang tìm kiếm một quy mô đủ giá trị kinh tế để tạo ra lợi nhuận và không thể có một câu trả lời chính xác về thời gian mà Coca-Cola sẽ sinh lợi.”

Có những thị trường mất 25 năm mới thu lời

Trong khi trao đổi với phóng viên, cả hai đại diện cấp cao của Coca-Cola liên tục nhấn mạnh về yếu tố “niềm tin” trong đầu tư.

Theo đó, niềm tin vào lợi nhuận trong tương lai phụ thuộc vào khả năng Coca-Cola có thể tạo được một quy mô đủ lớn và quy mô đó đến từ những đầu tư mới. Cuối năm ngoái, Coca-Cola đã công bố khoản đầu tư mới 300 triệu USD vào Việt Nam nâng tổng mức đầu tư tới thời điểm hiện nay lên 700 triệu USD.

“Niềm tin đó không phải hoàn toàn là dự cảm chủ quan mà đã được trải nghiệm qua nhiều thị trường khác trước đó”, ông Irial nói.

Phó Chủ tịch điều hành của Coca-Cola cho hay, tại những thị trường mà Tập đoàn hiện diện, có nhiều thị trường sẽ sinh lợi chỉ trong vòng 3-4 năm, nhưng cũng có những thị trường phải mất hàng chục năm, thậm chí 25 năm mới có lợi nhuận. Ngay cả thị trường thành công nhất của Coca-Cola ở thời điểm này cũng đã phải trải qua 25 năm không hề mang lại lợi nhuận.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh, niềm tin xuất phát từ việc Coca-Cola cho rằng, Tập đoàn phải làm những điều đúng đắn, coi mình là một phần của cộng đồng. “Khi làm những điều đúng đắn thì chắc chắn lợi nhuận sẽ được tạo ra”.

Theo ông, thị trường nước giải khát không cồn ở Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu, còn ở một quy mô rất khiêm tốn. Khi nền tảng thị trường được nâng lên thì quy mô Coca-Cola cũng được nâng lên, đó là lúc có thể tạo ra lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi Dân trí về việc vì sao gần 20 năm đầu tư vào Việt Nam, hưởng nhiều ưu đãi đầu tư, các lợi thế về lao động giá rẻ, về giá điện thấp… song Coca-Cola vẫn lỗ, ông Irial cho hay, chủ yếu do năng suất sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam thấp. Máy móc, công nghệ đầu tư tại các quốc gia đều theo một chuẩn, song ở Việt Nam, phần dư thừa công suất tạo ra lãng phí, do vậy đã đẩy tổng chi phí lên cao và gây ra lỗ.