Coi chừng đổ bệnh vì ăn chay không đúng cách

Theo Hoàng Nhung/sgtiepthi.vn

Cho rằng ăn chay là cách thanh lọc cơ thể hoặc giảm cân, nhiều người vô tư loại thịt, cá ra khỏi thực đơn nhưng không biết cách cân bằng dinh dưỡng hợp lý, dẫn đến thiếu chất, nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm tới sức khỏe.

Chuyện ăn chay thiếu hiểu biết khiến nhiều người đang khỏe mạnh bỗng dưng đổ bệnh. Nguồn: internet
Chuyện ăn chay thiếu hiểu biết khiến nhiều người đang khỏe mạnh bỗng dưng đổ bệnh. Nguồn: internet

Mắc bệnh vì ăn chay

Bị tăng cân sau tết nên chị Nguyễn Thanh Trà (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu ăn chay, vừa để giảm cân vừa thanh lọc cơ thể theo lời rủ rê từ bạn bè. Nhiều hôm liền, chia bữa ăn thành nhiều lần, chị không ăn thịt, cá, hải sản, mà chỉ uống sữa, ăn rau củ hấp chín, thậm chí có hôm không ăn cơm, tinh bột.

Tuy nhiên, chỉ mới ăn chay được đến tuần thứ ba thì chị phải đi cấp cứu vì khi đang tập thể dục bất ngờ bị hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu. Bác sĩ cấp cứu cho biết chị Trà bị tụt huyết áp, đau bao tử và rối loạn tiền đình do cơ thể bị thiếu chất, thiếu máu, trong đó đặc biệt thiếu đạm, canxi và B12 do ăn chay không khoa học.

Chuyện ăn chay thiếu hiểu biết khiến nhiều người đang khỏe mạnh bỗng dưng đổ bệnh không hiếm gặp. Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ từ đơn vị điều trị ban ngày cơ sở 3 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, cho biết tại các học viện Phật giáo, nhiều tu sĩ đã mắc bệnh đau bao tử, thận, huyết áp, tiểu đường, tim mạch… do ăn chay chưa đúng cách, thiếu chất dinh dưỡng. 

“Sau những buổi ăn chay cùng với các nhà sư, tôi nhận thấy ngay cả các nhà sư cũng ăn chay chưa đúng cách. Nhiều người có chế độ ăn chay đơn điệu, nghèo nàn về dinh dưỡng, dẫn tới thiếu hoặc thừa chất, làm cho cơ thể mệt mỏi, uể oải, không làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn tạo ra nguy cơ bệnh tật. Tôi cũng bắt gặp nhiều người rủ nhau ăn chay, giảm ăn để thanh lọc cơ thể, giảm cân nhưng cơ thể bị suy kiệt vì ăn chay không đúng cách”, bác sĩ Vũ cho biết.

Nguyên nhân của các hiện tượng kể trên, theo bác sĩ Vũ, là do người ăn chay thường gặp phải hai vấn đề chính: món chay nấu quá mặn gây hại cho tim mạch, thận niệu; món xào/nấu có quá nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đường gây thừa năng lượng, tích mỡ trên các vùng trọng điểm như bụng, đùi, eo, nội tạng.

Ăn chay đúng cách

Ăn chay là một chế độ ăn chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả, các loại hạt…), hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật như các loại thịt, cá và hải sản.

Hiện nay, số người ăn chay ngày càng nhiều hơn, nhất là trong hai ngày mồng một và ngày rằm Âm lịch trong tháng. Để thanh lọc cơ thể, tránh bệnh tật, giúp tâm hồn thư thái, tinh thần nhẹ nhõm, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng người bình thường nên ăn chay ít nhất một tuần một lần.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người chọn ăn chay, bởi vì các món ăn chay có nhiều chất xơ. Chất xơ giúp chống táo bón, giảm bệnh viêm túi ruột già, giảm ung thư ruột già, giảm cholesterol bằng cách làm giảm chất béo.

Tuy nhiên, khẩu phần ăn chay cần có đủ thành phần các nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, và đặc biệt là vitamin và muối khoáng. Theo bác sĩ Hạnh, người ăn chay nên chọn gạo không xát kỹ vì lớp vỏ cám chứa nhiều vi khoáng chất. Để cung cấp chất đạm thì nên ăn đậu hũ và các loại đậu khác (có thể nấu cơm trộn đậu). Người ăn chay cũng nên dùng đa dạng các loại rau và trái cây tươi nhiều màu sắc, tránh ăn quá đơn điệu như rau luộc chấm tương chao vì vừa thiếu chất dinh dưỡng vừa chứa nhiều muối.

“Các loại hạt họ đậu đỗ, vừng lạc… là thức ăn nguồn gốc thực vật quý, cung cấp hàm lượng chất đạm và chất béo khá cao và cân đối. Giá trị dinh dưỡng của 100g thịt bò tương đương 100g đậu nành”, bác sĩ Hạnh cho biết.

Đồng thời, người ăn chay nên tránh ăn quá ngọt như ăn toàn tinh bột (ăn cơm nhiều), hoặc ăn chè ngọt, trái cây ngọt… vì sẽ làm tăng cân nhưng vẫn thiếu chất và tránh ăn quá béo (món nào cũng chiên xào) vì cũng sẽ làm tăng cân. Người ăn chay nên thường xuyên tập luyện, hít thở sâu, và ngủ đủ giấc.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng ăn chay đúng cách có thể giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính liên quan đến ăn uống như: béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, táo bón, tai biến, loãng xương…

Để bổ sung đầy đủ lượng axit amin cần thiết, người ăn chay có thể kết hợp bánh mì với đậu lăng, sandwich với bơ và hạt dẻ, cơm nếp với đỗ, cháo đậu xanh… Để không bị bệnh tim mạch, nên dùng dầu hạt cải, dầu lạc, dầu olive để xào, nấu thức ăn. Còn để tránh thiếu hụt vitamin B12, có thể dùng men bia, một số loại rau giàu protein, sữa đậu nành, đậu hũ, bột ngũ cốc. Để bổ sung canxi và sắt có thể dùng thêm các loại rau quả họ đậu và các loại hạt như: vừng, lạc.

“Đặc biệt, chế độ ăn chay phải đảm bảo đủ nước. Buổi sáng và chiều nên uống bổ sung các loại sinh tố thì mới cung cấp đủ chất cho cơ thể. Nếu trong quá trình ăn chay cảm thấy cơ thể mệt mỏi, cơ thể không nhanh nhẹn hoạt bát… bạn cần đến ngay các trung tâm dinh dưỡng hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để khám và bổ sung vi chất cho cơ thể”, bác sĩ Vũ nói thêm.