Cơn bão đại hạ giá xe ô tô sẽ đi về đâu?
Mặc dù cuộc đại chiến giảm giá giữa các hãng xe ô tô đã bùng nổ suốt một năm qua, nhưng tâm lý người dùng hiện vẫn đang chờ đợi thời điểm năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam về 0%. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá, giá xe ô tô tại Việt Nam khó có “cửa” để giảm thêm.
Mức bình quân ô tô tại Việt Nam hiện đang chỉ ở mức 30 xe/1.000 dân, con số này hoàn toàn lép vế so với tỉ lệ 240 xe/1.000 dân của Thái Lan hay 790 xe/1.000 dân của Mỹ. Trong khi đó, thu nhập bình quân tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong những năm tới đây, đạt mức 3.000 USD/người/năm vào năm 2030, do đó, chuyên gia đánh giá ngành ô tô Việt Nam còn tiềm năng rất lớn.
Nỗi buồn của dòng xe “đắt như tôm tươi”
Chỉ trong nửa đầu tháng 10, các hãng xe trong nước liên tục điều chỉnh giá bán các mẫu xe của mình. Hầu hết những thông tin điều chỉnh này đều là ưu đãi và giảm giá bán lẻ các mẫu xe. Đáng chú ý không chỉ những mẫu xe ế ẩm được ngay cả những mẫu xe ăn khách cũng đều được giảm giá sâu nhằm kích cầu.
Cái tên đầu tiên phải nói đến là Mitsubishi Việt Nam, Liên doanh này ưu đãi hầu hết các mẫu xe của mình trong tháng 10, đặt biệt là mẫu SUV 7 chỗ Pajero Sport phom cũ lên tới 198 triệu đồng kéo giá bán mẫu SUV này ở mức chỉ từ 704 triệu đồng. Ngoài ra, tất cả các mẫu xe Mitsubishi đều được ưu đãi từ 40-170 triệu đồng tùy từng phiên bản. Điều này phần nào có thể lý giải do nhiều mẫu xe của Mitsubishi hiện đang không có doanh số khả quan nên việc giảm giá sâu này sẽ giúp những mẫu xe kể trên gia tăng được doanh số.
Ngoài Mitsubishi một cái tên khác cũng đã ưu đãi giảm giá tất cả các mẫu xe của mình là Nissan. Trong tháng 10 tất cả các mẫu xe của Nissan đều được ưu đãi giảm giá từ 50-70 triệu đồng.
Phải nói rằng, từ những tháng cuối năm 2016, xu hướng giảm giá xe đã bắt đầu manh nha hình thành, nguyên nhân từ lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe hơi từ ASEAN vào Việt Nam từ 40% giảm xuống còn 30% từ 1/1/2017. Và trong cuộc chiến giảm giá xe ô tô đó, Thaco Trường Hải chính là công ty "châm ngòi" cho cuộc chiến khi tuyên bố sẽ cắt lãi hơn 2.000 tỷ đồng để giảm giá xe trong năm 2017.
Trước động thái của đối thủ, ông lớn trước giờ vốn nổi tiếng “tiết kiệm” các chương trình khuyến mãi như Toyota đã không thể ngồi yên. Theo đó, Toyota đã bắt đầu chiến lược giảm giá xư từ tháng 2/2017.
Riêng trong tháng 10 này, với hai mẫu xe vừa được giới thiệu bản mới tại thị trường Việt, Toyota cũng ấn định mức giá thấp hơn phiên bản cũ khá nhiều. Điển hình như mẫu Toyota Camry mới, phiên bản mới với nhiều nâng cấp nhưng được định giá thấp hơn phiên bản cũ từ 75-101 triệu đồng. Một mẫu xe khác của Toyota gây bất ngờ cho người tiêu dùng khi được giảm giá là mẫu sedan Vios.
Có thể nói, không hãng xe nào có thể đứng ngoài cuộc chiến giảm giá này, từ Thaco Trường Hải, Toyota, đến các hãng khác như Honda, Chervolet, Huyndai, Nissan... Với sự cạnh tranh không khoan nhượng của các hãng xe, rất nhiều người dùng đã hy vọng về một viễn cảnh ô tô giá rẻ đang sắp trở thành hiện thực tại Việt Nam, đi liền theo đó là tâm lý chờ đợi giá xe tiếp tục “rơi tự do” đến thời điểm năm 2018, khi mà thuế nhập khẩu ô tô sản xuất từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm còn 0%. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất tại Chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022.
Sẽ không có chuyện rẻ hơn
Hiện nay, năng lực của ngành ô tô Việt Nam đang rất hạn chế khi mới chỉ làm được trong 4 khâu: sơn, hàn, lắp ráp và kiểm tra, trong khi tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chỉ ở mức 10 - 15%.
Do đó, dù có được hưởng lợi từ việc giảm thuế linh kiện ô tô, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục đối diện với khó khăn là chi phí lắp ráp tại nước ta có giá thành cao, cụ thể là cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%, cùng với đó là tỷ lệ nội địa hóa thấp. Vì vậy, thời gian tới để cạnh tranh giá xe lắp ráp tại Việt Nam với các nước trong khu vực là điều chưa khả thi.
Cùng với đó, mặc dù mức giá xe tại Việt Nam đang cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonexia, thậm chí cao hơn nhiều lần nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản. Nhưng mức giá xe ô tô trong nước được các doanh nghiệp cho biết hiện đã giảm tới đáy, chạm ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp.
Với xe nhập khẩu, ông Xavier Coiffard, Tổng giám đốc Renault Việt Nam cho rằng: “Với mức giá hiện tại, các đơn vị nhập khẩu đã giảm lợi nhuận đến mức tối đa. Chính vì vậy sẽ không có chuyện giá còn có thể giảm hơn. Ngoài ra, năm 2018 mức phí trước bạ cho xe còn tăng lên, chi phí mua xe sẽ còn cao hơn rất nhiều. Tôi nghĩ thời gian này là thời điểm mua xe phù hợp nhất đối với khách hàng”.
Cũng là dễ hiểu khi mà mức thuế và phí của Việt Nam luôn được doanh nghiệp nhận định là ở mức cao, do đó, dù được giảm thuế nhập khẩu nhưng còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới giá xe. Ví dụ, nếu điều chỉnh các loại phí như bảo vệ môi trường trong xăng dầu, bảo trì đường bộ, đăng kiểm và phí lưu hành… chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá xe khi đến tay người dùng.
Chia sẻ với báo chí, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Công ty ôtô Toyota Việt Nam nhận định: “Các dòng xe từ Nhật và Châu Âu sẽ không ảnh hướng giá từ việc giảm thuế suất. Với các dòng xe trong nước sẽ còn nhiều tác động từ thuế phí, do đó, đây là thời điểm tốt nhất để mua xe, vì hiện đã có nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ các nhà sản xuất, các đại lý và các hãng xe”.
Đặc biệt, điều mà ít người dùng được biết, là để được hưởng ưu đãi thuế suất trong khu vực ASEAN, một mẫu xe bắt buộc phải đạt tỷ lệ nội địa hóa phụ tùng 40%. Đây là chi tiết ít được đề cập khi các hãng xe công bố thông số kỹ thuật, nên không dễ để xác định và nếu có, thì lượng xe đạt tiêu chuẩn này ở Việt Nam cũng không nhiều, mỗi hãng xe thường chỉ có 1-2 mẫu. Nghĩa là chỉ rất ít mẫu xe nhập từ ASEAN được giảm thuế và có thể giảm giá.
Như vậy, sẽ khó có khả năng giá xe ô tô có thể giảm sâu hơn nữa. Nói như chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: "Với việc giảm thuế nhập khẩu, thời gian tới, giá xe tại nước ta có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Song người Việt Nam hãy chỉ nên mơ về những chiếc xe ô tô có giá rẻ hơn so với trước kia. Còn so với thế giới và khu vực, giá xe ô tô tại Việt Nam sẽ không có chuyện rẻ hơn, khi chưa có những chiến lược, giải pháp cụ thể và dài hơi."
Vì vậy, để khuyến khích ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển bền vững, trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi các Đại biểu Quốc hội khóa XIV mới đây, Bộ cho biết đang nghiên cứu, áp dụng biện pháp chống gian lận thương mại để hạn chế việc xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu do khai báo giá hải quan thấp gây tác động bất lợi đến sản xuất trong nước. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.