Con số nợ xấu thực chất đến đâu?
(Tài chính) Có độ "vênh" giữa con số nợ xấu trong báo cáo của các tổ chức tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước là do từng ngân hàng không thể đánh giá hết rủi ro của những khoản cho vay.
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối qua (29/10) tại Hà Nội, phóng viên báo Thanh Niên có nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng cho rằng số liệu về nợ xấu được công bố không chính xác và phản ánh không đúng thực chất.
Nợ xấu là 3,8% hay 5,43%?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải thích có độ "vênh" nhất định giữa con số trong báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) và theo đánh giá của NHNN. Tại thời điểm tháng 9/2014, con số nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 3,8% tổng dư nợ. Trong khi đó tại phiên họp Chính phủ ngày 29/10, Thống đốc NHNN đã báo cáo Chính phủ và đưa ra 1 con số nợ xấu theo đánh giá của NHNN vào cuối tháng 8 là 5,43%.
Giải thích về sự tồn tại của 2 con số khác nhau này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết từng ngân hàng cụ thể sẽ không đánh giá được hết những rủi ro của một khoản cho vay khách hàng. Trong quá trình điều hành và quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ và tín dụng, NHNN có 1 kênh để đánh giá số liệu nợ xấu. Theo đó, NHNN kết hợp cả yếu tố đánh giá trên cơ sở tổng hợp thông tin về tín dụng từ Trung tâm Thông tin tín dụng CIC.
Theo đó, nợ xấu được đánh giá dựa trên khả năng trả nợ của khách hàng. Ví dụ như trường hợp 1 khách hàng có nợ xấu tại 1 TCTD, thì tất cả những khoản nợ khác tại các TCTD đều được đánh giá là nợ xấu. Thanh tra Ngân hàng cũng đánh giá 1 khoản nợ dù được cơ cấu lại nhiều lần vẫn có khả năng tiềm ẩn là nợ xấu…
Bà Hồng chia sẻ thêm, con số nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đang có xu hướng giảm. Cụ thể vào cuối tháng 9/2014 là 3,8%. Con số này thấp hơn số liệu nợ xấu vào tháng 6 là 4,17%, tháng 7 là 4,11% và tháng 8 là 3,9%.
VAMC không phải là “cây đũa thần”
Nợ xấu là một kết quả phát sinh tích tụ từ nhiều năm. Nguyên nhân thì có rất nhiều như từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hay biến động kinh tế vĩ mô.
Về ý kiến của cho rằng Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chỉ là nhà kho “giam nợ xấu”, khi mở ra sẽ có sự bốc hơi tài sản và nợ càng trở nên xấu hơn, bà Hồng cho rằng việc thành lập VAMC chỉ là 1 trong số những giải pháp xử lý nợ xấu mà NHNN và các TCTD thực hiện trong thời gian qua.
Theo đó, các TCTD phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Để cho các khoản nợ xấu không phát sinh thêm, NHNN luôn xác định phương châm cho các TCTD là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả. Nợ xấu sẽ được hạn chế nếu có sự thẩm định kỹ lưỡng phương án khả thi của dự án. Bên cạnh đó, NHNN đã trình Chính phủ Nghị định 53 về thành lập và tổ chức hoạt động của Công ty VAMC.
Với nguồn lực tài chính hạn hẹp và vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng, VAMC được phép mua nợ xấu và phát hành trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm cho các TCTD. Từ đó, các TCTD có thể sử dụng số trái phiếu này để vay tái cấp vốn từ NHNN. Bằng cách này, NHNN đã hỗ trợ lượng thanh khoản nhất định, giúp nợ xấu không làm ách tắc dòng vốn, gây khó khăn cho TCTD và doanh nghiệp.
Từ khi được thành lập tới nay, VAMC đã mua được 95.000 tỷ đồng nợ xấu, bán được. Sau khi mua về, VAMC đã phân loại các khoản nợ xấu, trong đó có những khoản nợ đã cơ cấu lại để trả nợ cho doanh nghiệp, có những khoản thì giảm lãi suất cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến thời điểm này, VAMC đã thu hồi, bán được số nợ là 3.000 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch năm 2014.
Theo Phó Thống đốc NHNN, VAMC là một mô hình mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn. Do đó, NHNN đang trình Chính phủ để ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 53, theo hướng tăng quyền và vốn cho VAMC để tăng khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật cũng cần được sửa đổi để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp.